Thuế quan của Trump không chừa một nước nào; châu Á và châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề hơn

Bloomberg

Cù Tuấn, biên dịch

3-4-2025

Tóm tắt: Tổng thống Mỹ Donald Trump đang áp thuế đối với các đối tác thương mại của Mỹ trên toàn thế giới. Đây là cuộc tấn công lớn nhất từ trước đến nay vào hệ thống kinh tế toàn cầu mà từ lâu ông than phiền là không công bằng.

Trump cho biết hôm thứ Tư rằng, ông sẽ áp dụng mức thuế tối thiểu 10% đối với tất cả các nhà xuất khẩu vào Mỹ và áp thêm thuế đối với khoảng 60 quốc gia có sự mất cân bằng thương mại lớn nhất với Mỹ. Điều đó bao gồm mức thuế cao hơn đáng kể đối với một số đối tác thương mại lớn nhất của đất nước, chẳng hạn như Trung Quốc – hiện đang phải đối mặt với mức thuế ít nhất 54% đối với nhiều mặt hàng – Liên minh châu Âu và Việt Nam.

Nhiều năm qua, những công dân Mỹ chăm chỉ đã bị buộc phải đứng ngoài cuộc khi các nước khác trở nên giàu có và có quyền hành hơn, phần lớn là nhờ chúng ta. Nhưng giờ đến lượt chúng ta sẽ thịnh vượng”, Trump phát biểu trong một sự kiện tại Vườn Hồng, Nhà Trắng.

Mức thuế “đáp trả” là cao hơn nhắm vào các nước mà chính quyền Trump dán nhãn là những nước vi phạm tồi tệ nhất, dựa trên số liệu thống kê của chính phủ về các khoản thuế và rào cản phi thuế quan mà các nước đó áp dụng đối với hàng hóa của Mỹ. Theo kế hoạch của Trump, những  nước phải đối mặt với mức thuế tùy chỉnh cao hơn sẽ bị đánh thuế bằng một nửa mức thuế đã được tính toán đó.

Thuế nhập khẩu cơ bản sẽ có hiệu lực sau nửa đêm thứ Bảy và mức thuế cao hơn sẽ có hiệu lực vào lúc 12:01 sáng ngày 9 tháng 4, theo một tuyên bố của Nhà Trắng cho biết. Canada và Mexico hiện đang phải đối mặt với mức thuế 25%, liên quan đến buôn bán ma túy và di cư bất hợp pháp; những mức thuế này sẽ vẫn được áp dụng và hai đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ sẽ không phải chịu chế độ thuế quan mới miễn là các mức thuế riêng biệt vẫn có hiệu lực. Các miễn trừ đối với hàng hóa thuộc phạm vi của hiệp định thương mại Bắc Mỹ USMCA mà Trump đã làm trung gian trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, sẽ vẫn được giữ nguyên.

Hành động này đánh dấu sự leo thang mạnh mẽ về cuộc chiến thương mại của Trump, đe dọa sẽ dẫn đến sự trả đũa ngay lập tức từ các đối tác thương mại của Mỹ. Trump đã thực hiện lời hứa của mình trong nhiều tháng qua, khi ông coi thuế quan là công cụ để khẳng định quyền lực của Mỹ, tái cân bằng các mối quan hệ thương mại, phục hồi ngành sản xuất của Mỹ và đòi hỏi những nhượng bộ địa chính trị. Đây cũng là sự thay đổi hoàn toàn so với nỗ lực kéo dài hàng thập niên của Mỹ sau Thế chiến II nhằm hạ thấp các rào cản thương mại như một cách để thúc đẩy quan hệ thương mại giữa các nước và ngăn ngừa xung đột vũ trang.

Thông báo của Tổng thống Mỹ đã gây ra sự sụt giảm 2% hoặc hơn trong các chỉ số cổ phiếu, mà đã tăng trong nhiều ngày với hy vọng kế hoạch của ông sẽ nhẹ nhàng hơn. Cổ phiếu của các nhà sản xuất ô tô đã giảm sau khi giao dịch thường kỳ tại New York, trước khi thu hẹp mức lỗ. Giá dầu thô ở New York mở cửa thấp hơn, giá giảm khoảng 2%. Mỹ phụ thuộc vào các lô hàng nhiên liệu của châu Âu để đáp ứng nhu cầu ở Bờ Đông, nơi có rất ít nhà máy lọc dầu còn lại. Mỹ cũng xuất khẩu dầu thô sang các nước.

Mary Lovely, một thành viên cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, cho biết, mức thuế mà Trump công bố hôm thứ Tư “tệ hơn nhiều so với những gì chúng ta đã từng lo sợ“. Bà cho biết, cách thức áp dụng chúng vẫn chưa rõ ràng và chúng sẽ có “những tác động to lớn đến việc định lại tuyến thương mại” trên toàn cầu.

Với Trung Quốc, mức thuế 34% được tính là một phần trong kế hoạch có đi có lại của Trump, sẽ được cộng thêm mức thuế 20% hiện hành, liên quan đến buôn bán fentanyl, cũng như thuế quan đối với các mặt hàng như tấm pin mặt trời đã được áp dụng. Điều đó có nghĩa là, nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc có thể phải chịu mức thuế cao hơn 50%. Mức thuế 54% đối với hàng hóa từ Trung Quốc có thể dẫn đến việc giảm 90% lượng hàng xuất khẩu sang Mỹ vào năm 2030, dựa trên ước tính trước đó của Bloomberg Economics.

Liên minh châu Âu sẽ phải chịu mức thuế 20% và Việt Nam phải chịu mức thuế 46%, theo các tài liệu của Nhà Trắng cho biết. Các nước khác bị áp mức thuế cao hơn bao gồm Nhật Bản ở mức 24%, Hàn Quốc ở mức 25%, Ấn Độ ở mức 26%, Campuchia ở mức 49% và Đài Loan ở mức 32%. Trong một hành động phô trương, Trump đã giơ những tấm bảng lớn trong bài phát biểu dài 48 phút của mình, hiển thị mức thuế mới của từng quốc gia.

Ảnh trên mạng

Wendy Cutler thuộc Viện Chính sách Xã hội châu Á cho biết: “Các nước châu Á nói riêng trông giống như đang nằm trong tầm ngắm“.

Tổng thống Mỹ đã tìm cách đóng khung kế hoạch thuế quan của mình theo hướng thân thiện với công nhân lao động chân tay người Mỹ, những người phần lớn ủng hộ ông trong cuộc đua năm 2024. Theo một viên chức Nhà Trắng, ông đã tham gia cùng các thành viên công đoàn và công nhân từ các ngành công nghiệp thép, dầu khí và ô tô tại Vườn Hồng, và một công nhân ô tô đã nghỉ hưu tham dự các cuộc vận động tranh cử của ông thậm chí còn phát biểu trên sân khấu.

Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, liên quan đến thâm hụt thương mại của Mỹ, hiện đang ở mức hơn 918 tỷ đô la cho hàng hóa và dịch vụ trong năm 2024, cho phép ông sử dụng thẩm quyền đơn phương theo Đạo luật Quyền hạn Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế để áp đặt bộ thuế quan toàn diện nhất trong nhiều thế hệ. Chính quyền Trump đang nhắm đến mục tiêu thu hàng trăm tỷ đô la doanh thu từ các khoản thuế mới để lấp đầy kho bạc của chính phủ Mỹ trước khi thúc đẩy cắt giảm thuế đối với người Mỹ.

Các mức thuế của chính quyền Trump không có cơ sở logic, và chúng đi ngược lại cơ sở quan hệ đối tác giữa hai nước chúng ta. Đây không phải là hành động của một người bạn”, Thủ tướng Úc Anthony Albanese phát biểu trong cuộc họp báo sau thông báo, mặc dù ông nói thêm rằng, ông sẽ không đáp trả bằng các biện pháp đối phó.

Hành động của Trump cũng có thể làm gia tăng sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc. Các công ty toàn cầu và Trung Quốc đã chuyển hoạt động sản xuất sang Việt Nam, Campuchia và các nước khác ở châu Á từ Trung Quốc để tránh tác động của thuế quan từ cuộc chiến thương mại trước đó trong nhiệm kỳ đầu của Trump, nhưng các nước đó hiện cũng bị đánh thuế cao gần bằng thuế đối với Trung Quốc, làm suy yếu các nỗ lực đa dạng hóa sản xuất trong tương lai.

Tuy nhiên, kế hoạch của Trump cũng thu hẹp hơn một số lựa chọn khác mà nhóm của ông cân nhắc, bao gồm mức thuế toàn cầu 20%. Tổng thống Mỹ và các trợ lý của ông đã cân nhắc qua lại về kế hoạch nào sẽ ban hành cho đến thời điểm chỉ vài giờ trước khi ông công bố mức thuế.

Theo một tài liệu của Nhà Trắng, thép, nhôm và ô tô vốn đã chịu thuế của Trump sẽ không phải chịu thuế quan đáp trả ở trên. Đồng, dược phẩm, chất bán dẫn và các sản phẩm gỗ dự kiến sẽ sớm bị điều tra thuế quan theo Mục 232 của Đạo luật Mở rộng Thương mại cũng sẽ được miễn, cũng như kim loại vàng thỏi và các dạng năng lượng không có sẵn tại Mỹ.

Trong trường hợp thuế quan hiện hành của Canada và Mexico bị chấm dứt, hàng hóa tuân thủ USMCA sẽ tiếp tục được hưởng chế độ ưu đãi trong khi các mặt hàng không nằm trong phạm vi thỏa thuận sẽ phải chịu mức thuế 12%, theo tuyên bố của Nhà Trắng.

Trump coi mức thuế quan này là còn ưu đãi so với các rào cản mà các quốc gia khác đã dựng lên đối với hàng hóa do Mỹ sản xuất, mặc dù không rõ chính quyền Mỹ lấy những con số đó từ đâu.

Đây không phải là mức thuế đáp trả hoàn toàn. Đây là mức thuế đáp trả tử tế”, Trump nói.

Trump cho biết ông sẽ cân nhắc hạ mức thuế nếu các nước khác thực hiện các biện pháp giúp đỡ hàng hóa xuất khẩu của Mỹ, đồng thời kêu gọi các nhà lãnh đạo nước ngoài “chấm dứt thuế quan, dỡ bỏ rào cản” “không thao túng tiền tệ”.

Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent đã gây sức ép với các đối tác thương mại của Mỹ [để các nước này] không thực hiện các bước trả đũa đối với mức thuế quan tương hỗ của Trump.

Tôi sẽ không cố gắng trả đũa. Miễn là các bạn không trả đũa, đây là mức cao nhất”, Bessent nói trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ Tư với Bloomberg Television

Hành động lần này của Tổng thống Mỹ là một canh bạc lịch sử, dự kiến sẽ làm tăng chi phí của hàng ngàn tỷ đô la hàng hóa được vận chuyển hàng năm đến Mỹ từ các nước khác. Nó cũng có thể châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại toàn cầu, được đánh dấu bằng các cuộc tấn công trả đũa làm mất ổn định chuỗi cung ứng, kích động lạm phát, khuyến khích các đối thủ kinh tế của Mỹ và khuyến khích các cường quốc nước ngoài hình thành các liên minh mới mà không có Mỹ.

Hành động đó đặt ra một vấn đề chính trị cho Trump: Nhiều nhà kinh tế cảnh báo rằng, tổn hại kinh tế do thuế quan dưới hình thức giá cả tăng cao có thể đến nhanh, trong khi bất kỳ lợi ích nào từ nền kinh tế Mỹ được tái cấu trúc có thể mất nhiều năm hoặc lâu hơn để hiện thực hóa. Những người khác nói rằng tác động lạm phát có thể bị hạn chế.

Veronica Clark, một nhà kinh tế tại Citigroup Inc., cho biết: “Những con số sơ bộ chắc chắn cao hơn những gì chúng tôi mong đợi” và có thể làm tăng giá một số mặt hàng nhập khẩu. “Nhưng nhìn chung, chúng tôi không quá lo lắng về tác động lan tỏa của lạm phát rộng hơn vì nhu cầu mua sắm trở nên yếu hơn”.

Trump và các cố vấn thương mại của ông cho rằng, thuế quan sẽ khuyến khích các công ty chuyển hoạt động sản xuất sang Mỹ, xây dựng lại cơ sở công nghiệp của đất nước và tạo ra việc làm. Trong thời gian tạm thời, họ đã cầu xin công chúng kiên nhẫn, nói rằng bất kỳ nỗi đau kinh tế ngắn hạn nào cũng sẽ đáng giá để định hình lại nền kinh tế.

Đó có thể là một thực tại khó khăn đối với người Mỹ vốn đã mệt mỏi với lạm phát, vốn là vấn đề đã giúp đưa Trump vào Nhà Trắng. Niềm tin của người tiêu dùng Mỹ vào tháng 3 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm 2021. Theo cuộc thăm dò của CBS News/ YouGov, hơn một nửa số người trưởng thành ở Mỹ không tán thành cách Trump xử lý nền kinh tế và lạm phát, và gần hai phần ba cho biết, chính quyền của Trump chưa tập trung hết mức vào việc hạ giá hàng hóa.

Related posts