Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Noël Barrot khẳng định rằng Pháp “không đặt ra và cũng không ám chỉ [bất kỳ] lằn ranh đỏ” nào khi quyết định hỗ trợ Ukraine, bao gồm cả quyết định cho phép Kiev sử dụng tên lửa tầm xa do Pháp sản xuất “trên cơ sở tự vệ chính đáng”, thậm chí sử dụng những tên lửa này để tấn công sâu vào bên trong lãnh thổ Nga.
“Chúng tôi đã công khai tuyên bố rằng đây là một lựa chọn mà chúng tôi sẵn sàng cân nhắc nếu điều này giúp tấn công các mục tiêu [quân sự của Nga] mà Moskva đang sử dụng để tấn công vào Ukraine. [Lập trường này] rõ như ban ngày”, ông Barrot tuyên bố trước thềm một cuộc họp của các ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels, Bỉ.
Khi được phóng viên đặt câu hỏi liệu Pháp có cân nhắc triển khai quân đội tham chiến trực tiếp vào chiến trường Ukraine hay không, ông Barrot đã đưa ra một câu trả lời thận trọng: “Chúng tôi không loại trừ bất kỳ phương án nào”.
Đài BBC cho hay, ông Barrot không xác nhận các vụ tấn công trước đó của Ukraine đã sử dụng vũ khí do Pháp sản xuất. Tuy nhiên, tờ Reuter lại nói rằng, Pháp đã viện trợ số lượng tên lửa SCALP-EG không được công bố cho Ukraine, và Kiev đã sử dụng những tên lửa này để tấn công vào bốn vùng lãnh thổ trước đây thuộc Ukraine, mà Nga đã tuyên bố sáp nhập vào năm 2022.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trước đây đã từng bày tỏ ý định sẵn sàng cho phép Ukraine khai hỏa tên lửa tấn công vào sâu vào trong lãnh thổ Nga. Điều này phù hợp với lập trường tương trợ sâu rộng hơn của phương Tây dành cho Ukraine.
Lập trường của phương Tây về việc Ukraine khai hỏa tên lửa tầm xa
Hoa Kỳ gần đây cũng đã cho phép Ukraine khai hoả tên lửa đạn đạo ATACMS do Washington sản xuất để thực hiện các chiến dịch tấn công tầm xa. Sự hỗ trợ của Hoa Kỳ dành cho Ukraine đã nâng lên một tầm cao mới sau quyết định này.
Anh Quốc và các đồng minh NATO tiếp tục hỗ trợ Ukraine bằng khí tài quân sự, bao gồm máy bay không người lái và các hệ thống tên lửa. Các quốc gia phương Tây nhấn mạnh ngoại giới không nên hoảng loạn mà cần phải kiên định trong bối cảnh Nga gia tăng đe doạ, đồng thời tiếp tục gia tăng viện trợ cho Ukraine.
Các đồng minh phương Tây đang nỗ lực tìm cách duy trì hỗ trợ tài chính và quân sự cho Ukraine cho đến năm 2025 và những năm sau, đồng thời công khai thừa nhận rằng bất chấp ngân sách quốc gia eo hẹp, họ cần phải tăng cường chi tiêu quốc phòng trong thời điểm căng thẳng hiện tại.
Ngoại trưởng Pháp Barrot cho hay: “Dĩ nhiên chúng ta sẽ phải chi tiêu nhiều hơn nếu muốn làm được nhiều hơn, và tôi nghĩ rằng chúng ta cần phải đối mặt với những thách thức mới này. [Để giải quyết những thách thức này], tôi đề xuất tăng gấp ba lần ngân sách của châu Âu dành cho Ukraine [đồng thời] truy tìm các tài sản của Nga. Chúng ta cần tính toán số ngân quỹ mà Ukraine cần để chiến đấu qua năm 2025 và vào năm 2026 – rất khó để yêu cầu người đóng thuế tại Hoa Kỳ gánh vác toàn bộ chi phí”.
Phản ứng của Nga sau quyết định của các cường quốc phương Tây
Tổng thống Nga Vladimir Putin không ngần ngại cáo buộc NATO và Hoa Kỳ đang cố tình leo thang xung đột. Ông Putin cũng cảnh báo rằng Nga sẽ phản công đáp trả lại các cuộc tấn công của Ukraine do phương Tây hậu thuẫn. Nga sau đó đã triển khai hệ thống tên lửa đạn đạo siêu thanh mới (Oreshnik) để tiến hành các cuộc phản công.
Ông Putin cảnh báo trên truyền hình nhà nước vào hôm thứ Năm (21/11): “Đừng nhầm lẫn: [Nga] sẽ luôn đáp trả”.
Tư cách thành viên NATO của Ukraine
Pháp và một vài đồng minh phương Tây đang cùng nhau thảo luận về các bước tiến có thể xảy ra cho phép Ukraine tiến gần hơn tới tư cách thành viên NATO. Nếu Ukraine trở thành thành viên NATO, an ninh tại Ukraine có thể được bảo đảm lâu dài.
“Chúng tôi sẵn sàng mở rộng lời mời, và vì vậy, trong các cuộc thảo luận với [những quốc gia thân thiết] và đồng minh [trong khối NATO], cũng như với [những quốc gia thân thiết] và đồng minh của Ukraine, chúng tôi đang nỗ lực [thuyết phục] họ [có lập trường thống nhất] hơn với lập trường của chúng tôi [về việc Ukraine gia nhập NATO]”, ông Barrot cho biết.
Trong khi lên tiếng công khai ủng hộ chủ quyền của Ukraine, các đồng minh phương Tây cũng có những thảo luận nội bộ về việc liệu Ukraine có thể cân nhắc đến một số nhượng bộ trong bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào trong tương lai, những điều kiện nhượng bộ để đổi lấy tư cách thành viên NATO.
“Chúng ta cần suy nghĩ về những gì có thể là ‘điều kiện trao đổi’ cho Ukraine. Nếu [Zelensky] phải nhượng bộ, [Zelensky] sẽ nhận lại được gì? Liệu [Ukraine] có đạt được tư cách thành viên NATO để bảo đảm an ninh lâu dài hay không?” một cựu quan chức phương Tây cho biết.
Chính quyền Trump thứ hai và Nga
Các đồng minh phương Tây đang chuẩn bị các kế hoạch nhằm định hình các cuộc đàm phán tương lai giữa Nga và Ukraine đồng thời bảo đảm công chúng và chính trường tại các quốc gia phương Tây tiếp tục ủng hộ Ukraine trong thời gian dài. Những kế hoạch này đặc biệt quan trọng và cần thiết trong bối cảnh không chắc chắn về lập trường của chính quyền Trump thứ hai đối với tương lai của Ukraine trong cuộc chiến Nga-Ukraine.
Một nguồn tin nói rằng: “Xuyên suốt quá trình, ông ấy [Putin] luôn đưa ra những lời đe dọa – chúng ta không được để điều đó làm nhụt chí”. Một cựu bộ trưởng cho rằng, những lời đe dọa này được đưa ra nhằm thu hút sự chú ý của Tổng thống Hoa Kỳ đắc cử: “Nga muốn giúp Trump bằng cách tạo ra các lý do [khiến ông Trump] ngừng hỗ trợ Ukraine“.
Tương lai địa chính trị tại châu Âu
Các nguồn tin phương Tây thừa nhận rằng những chiến dịch quân sự gây hấn và bộ ba liên minh Nga-Triều Tiên-Iran có khả năng tiếp tục tạo ra các mối đe dọa lâu dài đối với châu Âu.
“Họ [Nga] thực sự đã liên minh với người Triều Tiên đang chiến đấu [trên chiến trường Ukraine], và người Iran thì đang cung cấp viện trợ cho họ. Hiện tại, chúng ta không thể nhìn nhận họ như bất kỳ điều gì khác ngoài một mối đe dọa“, một nguồn tin chính phủ Pháp cho biết.
Đài BBC nhận định rằng có lẽ tình hình thực tế Nga trở nên hung hăng là một mối đe dọa lâu dài tại vùng biên giới phía đông của châu Âu. Có lẽ chiến dịch xâm lược của Nga và các liên minh nguy hiểm là sự trở lại trạng thái đối đầu bình thường sau một giai đoạn tích cực ngắn vào thập niên 90 khi Liên Xô chỉ vừa mới tan rã và Nga vẫn còn trong quá trình cải cách. “Hãy quen với điều này. Chúng ta đã luôn sống như vậy từ trước đến nay”, một nguồn tin của BBC nhận định.
Thiên Vân (T/h)