Eva Fu
Trung Quốc sẽ không tham gia vào các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga vì cuộc xâm lược Ukraine và phản đối các biện pháp đơn phương như vậy, cơ quan quản lý ngân hàng nước này cho biết hôm 02/03.
“Về các biện pháp trừng phạt tài chính có liên quan, chúng tôi không tán thành, đặc biệt là những biện pháp đơn phương được đưa ra, bởi vì chúng sẽ không có tác dụng tốt và không có nhiều cơ sở pháp lý,” ông Quách Thụ Thanh (Guo Shuqing), Chủ tịch Ủy ban Điều tiết Bảo hiểm và Ngân hàng Trung Quốc cho biết.
Ông nói với các phóng viên trong cuộc họp báo: “Chúng tôi sẽ không tham gia các biện pháp trừng phạt như vậy và sẽ duy trì trao đổi thương mại và tài chính bình thường với các bên liên quan.”
Theo các cơ quan thương mại Trung Quốc, thì nước này vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Nga trong 12 năm qua.
Hai nước láng giềng này đã tăng cường mối quan hệ ngày càng khăng khít trong những năm gần đây, với tổng kim ngạch thương mại song phương năm ngoái đạt mức kỷ lục 146.9 tỷ USD, đánh dấu mức tăng 35.9% so với năm trước. Tại cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi đầu tháng Hai, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã bày tỏ hy vọng sẽ nâng mục tiêu lên 250 tỷ USD trong vòng hai năm.
Ông Quách nói rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga sẽ có tác động tối thiểu đến nền kinh tế Trung Quốc, hiện tại hoặc trong tương lai.
Hoa Kỳ và các đồng minh của họ ở Âu Châu và các nơi khác đã công bố một loạt các biện pháp trừng phạt chống lại Moscow, bao gồm cả cấm một số ngân hàng lớn của Nga tham gia vào hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT và hạn chế quyền tiếp cận của ngân hàng trung ương nước này vào 640 tỷ USD dự trữ ngoại tệ.
Đồng rúp của Nga kể từ đó đã sụp đổ, và ngân hàng hàng đầu của Nga hiện đang rời khỏi hầu hết các thị trường của Âu Châu trong bối cảnh áp lực căng thẳng.
Trong khi đó, Trung Quốc là quốc gia lớn duy nhất tránh công khai lên án cuộc tấn công vào Ukraine của Moscow, và luôn từ chối coi hành động này là một cuộc xâm lược.
Tại một cuộc họp báo thường kỳ hôm 02/03, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết Bắc Kinh “kiên quyết phản đối tất cả các biện pháp trừng phạt đơn phương bất hợp pháp” — một lập trường mà họ đã đưa ra đối với Afghanistan, Venezuela, và Iran — nhấn mạnh rằng ông tin chúng “về căn bản không bao giờ có hiệu quả” để giải quyết các vấn đề.
“Chúng tôi yêu cầu các bên liên quan không làm tổn hại đến các quyền và lợi ích hợp pháp của Trung Quốc và các bên khác khi giải quyết vấn đề Ukraine và quan hệ với Nga,” ông nói.
Trong một dấu hiệu cho thấy Đảng Cộng sản Trung Quốc có thể đang cố gắng xoa dịu cả hai bên, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã tổ chức một cuộc điện đàm với người đồng cấp Ukraine Dmytro Kuleba hôm 01/03, trong đó ông Kuleba yêu cầu Trung Quốc đóng vai trò là trung gian hòa giải để khiến Nga dừng cuộc xâm lược.
Đáp lại lời kêu gọi của ông Kuleba với Bắc Kinh, ông Vương nhắc lại rằng Trung Quốc ủng hộ “tất cả các nỗ lực quốc tế mang tính xây dựng có lợi cho một thỏa thuận chính trị”, theo thông báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Tuy nhiên vẫn cẩn thận để tránh cái mác “xâm lược”, ông Vương đã mô tả cuộc xung đột này là “chiến tranh mở rộng”, lưu ý rằng Bắc Kinh “vô cùng đau lòng khi chứng kiến cuộc xung đột giữa Ukraine và Nga và rất lo ngại về những thiệt hại gây ra cho dân thường”.
Mặc dù tuyên bố của Trung Quốc không nói rõ ràng việc ông Vương đồng ý rằng Trung Quốc sẽ giúp làm trung gian cho một lệnh ngừng bắn, nhưng phía Ukraine cho rằng ông ấy đã đồng ý.
“Trung Quốc sẵn sàng nỗ lực để chấm dứt chiến tranh thông qua ngoại giao”, Đại sứ quán Ukraine tại Phần Lan viết trong một tweet sau lời kêu gọi đó. Dòng tweet cho biết thêm rằng ông Vương “bảo đảm với ông Dmytro Kuleba về việc Trung Quốc sẵn sàng nỗ lực hết sức để chấm dứt chiến tranh trên đất Ukraine thông qua ngoại giao”, kể cả với tư cách là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Khi được yêu cầu làm rõ việc liệu Bắc Kinh có đảm nhận vai trò hòa giải hay không, phát ngôn viên của bộ này vẫn không nói rõ ràng. Trung Quốc sẽ “tiếp tục đóng một vai trò mang tính xây dựng trong việc thúc đẩy giảm leo thang”, phát ngôn viên này nói tại một cuộc họp báo hôm 02/03.
Trong khi đó, đại tập đoàn năng lượng do nhà nước kiểm soát Gazprom của Nga đã ký một hợp đồng vào hôm 28/02 để thiết kế một đường ống dẫn tới Trung Quốc, sẽ cung cấp tới 50 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên cho nước này hàng năm đi qua Mông Cổ.
Cô Eva Fu là một phóng viên tại New York của The Epoch Times. Cô chuyên đưa tin về quan hệ Hoa Kỳ–Trung Quốc, tự do tôn giáo, và nhân quyền. Quý vị có thể liên lạc với cô tại eva.fu@epochtimes.com.
Cẩm An biên dịch