Nói gì…?

Mạc Văn Trang

1-4-2025

Mấy người bạn của tôi đọc bài viết của Lưu Trọng Văn, sốt ruột, nhắn tin hỏi, buổi họp mặt 30/3 là thế nào? Anh có nói gì không? Sao không viết gì?…

Thú thực là khi nhận cái Thư mời do GS TS Trình Quang Phú, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển Phương Đông ký, tôi cũng tưởng như mọi lần đến góp ý kiến về Khoa học, Chính sách phát triển Thành phố và Đất nước, nên có chuẩn bị mấy ý kiến.

Nhưng đến nơi thấy có ông Nguyễn Văn Nên, UVBCT, Bí thư thành uỷ tp HCM, ông Huỳnh Thành Đạt phó ban Tuyên giáo – Dân vận Trung ương, bà Phạm Phương Thảo, nguyên phó bí thư Thành uỷ, nhà văn Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội NVVN, GS Trần Hoàng Ngân, đại biểu Quốc hội, rồi đủ các đại diện Văn Nghệ sĩ, thì mình biết đây là buổi họp mặt vui vẻ, tâm tình thôi.

Mình bảo Kim Chi ngồi bên: Đây là buổi có tính tâm tình, em nói gì thì nói, anh không nói gì đâu.

GS Phú điều khiển cứ mời từng người, ai muốn nói gì thì nói. Nghệ sĩ Bạch Tuyết tâm sự về bảo vệ luận án tiến sĩ của chị ở Pháp, ở Singapore tuyệt vời như thế nào.

Nhạc sĩ Trần Tiến bảo, mọi người muốn gì ở tôi nhỉ? Mình ngồi bên, bảo Trần Tiến hát một bài đi! Mọi người đồng tình. Trần Tiến bảo, có bài “Sài Gòn” vừa sáng tác đêm qua. Anh hát kiểu nhạc ráp, tay gõ xuống bàn, say sưa. Tôi nghĩ đây là ca khúc về Sài Gòn mới, đời thật, rất hay. Bài này phổ biến ra, bọn trẻ thích lắm đó, vừa hát vừa nhảy nhót rất thú vị. Hát xong, một lúc không thấy Trần Tiến đâu nữa. Lưu Trọng Văn bảo, nó đau bụng, về rồi…

Kim Chi được mời phát biểu, xúc động, nói, cha tôi là Liệt sĩ chống Pháp, tuổi trẻ của tôi 10 năm ở chiến trường… Tất cả vì yêu nước. Cho đến giờ cũng vậy tình yêu nước, thương dân càng nặng lòng hơn. Thấy những dân oan nằm la liệt ở vườn hoa, gần hội trường Ba Đình mà chính quyền không ai hỏi đến, không giải quyết. Tôi đã khóc và phải lên tiếng.

Cá nhân tôi được hưởng đủ đầy quyền lợi, không có gì bất mãn. Chỉ lên tiếng sao cho chính quyền bớt lỗi lầm, dân bớt oan ức, bất công … Vậy mà dư luận viên cứ chửi hoài, CA thì giám sát từng tí, không làm căn cước gắn chip cho tôi, không banking được, gây bao nhiêu khó khăn; rồi không cho xuất cảnh thăm con… Nay tôi hy vọng có đổi thay…

Rồi GS Phú bảo, anh Trang phát biểu luôn đi!

Mình hơi bất ngờ, nghĩ xem, nói gì cho hợp với không khí chung. Trước hết cảm ơn Ban tổ chức đã mời họp mặt. Tôi thấy cảm động, như xóa đi mặc cảm bị coi là thành phần “bất hảo”, “chống phá”… do dư luận viên dán nhãn.

Thực lòng tôi biết các trí thức phản biện chả ai ngu ngốc đi “chống phá”, “lật đổ”, vì họ biết rất rõ chứ. Họ chỉ thực hiện phương châm đúng như Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh nói:

“Còn hơi, còn sức còn lên tiếng

Là muốn quyền uy bớt lỗi lầm”…

Quyền uy cũng đã bao nhiêu lỗi lầm. Bớt lỗi lầm là phúc cho Dân, cho Nước lắm rồi. Mà đã lên tiếng thì như nhà Văn hoá Nguyễn Trường Tộ hơn 100 năm trước đã nói: “Biết mà không nói là bất nhân, nói mà không nói hết là bất nghĩa”.

Tự do suy nghĩ, tự do biểu đạt là bản chất của Trí thức. Họ cứ nói, Chính quyền không nghe thì nói cho dân nghe, góp phần “Khai dân trí, chấn dân khí”… Trí thức phản biện là vậy thôi.

Những chuyện góp ý tôi viết đã nhiều, rồi gửi thư cho các cấp. Thư gửi lãnh đạo Thành phố, chắc anh Nên có đọc. Rồi thư gửi Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang, Bộ trưởng CA Tô Lâm, các Bộ trưởng Giáo dục thì nhiều lắm. Cũng nói hết rồi.

Nay có vấn đề mới, rất “nóng” là thái độ ứng xử với Phật sĩ hạnh Đầu đà Minh Tuệ sao cho đúng đắn? Đây thực sự là vấn đề không hề đơn giản. Sự xuất hiện của Minh Tuệ như là Trời – Phật cho Việt Nam cơ hội để chấn hưng Phật giáo giữa thời mạt pháp, để lan tỏa những giá trị văn hoá, đạo đức truyền thống tốt đẹp.

Không phải ngẫu nhiên mà: Sư Giác Viên tu hơn 40 năm, từ Mỹ bay về Thái Lan đảnh lễ, pháp thoại với sư Minh Tuệ và nói với các Phật tử: Minh Tuệ là viên ngọc sáng Phật pháp. Ai chưa tin có Phật thì Minh Tuệ là Phật sống Việt Nam; Minh Tuệ như ánh mặt trời rọi sáng tâm người, đem lại cho con người hạnh phúc …

Hai vị sư nổi tiếng Thái Lan đảnh lễ và bộ hành cùng sư Minh Tuệ mấy buổi. Một sư đi theo sang tận Malaysia cả tuần lễ.

Đặc biệt, mấy tu sĩ Bàlamôn trụ trì đền Hindu ở Mã Lai đến quỳ lạy sư Minh Tuệ với thái độ vô cùng thành kính.

Theo Inra Sara danh sĩ người Chăm, cho biết “Vị sư Ấn Độ giáo quỳ lạy đạo sĩ Minh Tuệ, là điều chưa từng thấy.

Triết học Bà-la-môn phân đẳng cấp xã hội làm 4 đẳng cấp: [1] Tu sĩ Bà-la-môn, [2] Vua chúa, quý tộc, chiến binh, [3] Thợ thủ công, thương nhân, nông dân, và [4] Đẳng cấp nô lệ, bộ phận người dưới đáy xã hội”.

Tức họ phải cảm nhận được nguồn năng lượng từ sư Minh Tuệ lớn đến mức nào để họ cảm phục như gặp vị Thần?

Mới đây Thiền sư Khomeini Iran, hơn 40 năm tu luyện, trả lời PV: Khi tôi nghe về sư Minh Tuệ lần đầu tiên, trái tim tôi như rung lên một nhịp điệu của sự kính phục…

Sư Minh Tuệ là một lời nhắc nhở rúng động rằng, thời đại hiện đại không thể dập tắt ngọn lửa của tâm linh…

Các bậc thầy tu khổ hạnh ở Tây Á từ bỏ thế gian để tìm kiếm sự hợp nhất với Thượng đế. Sư Minh Tuệ cũng vậy, nhưng ông mang tinh thần ấy ra giữa đời thường, bước đi giữa bụi đường và nắng chảy, chỉ với một bữa ăn và tấm áo vá. Điều đó cho thấy rằng, khổ hạnh không phải là trốn tránh cuộc sống mà là sống trọn vẹn trong sự tự do (giữa đời sống), rằng, hạnh phúc thực sự không nằm ở những thứ họ sở hữu mà ở sự thanh tịnh trong tâm hồn…

Đối với ông ấy tôi tin rằng mỗi bước chân là một lời cầu nguyện, mỗi giọt mồ hôi là một sự dâng hiến… Ông là một ngọn hải đăng soi sáng con đường mà đức Phật đã đi…

Sư Minh Tuệ có một phẩm chất mà tôi rất trân quý: Sự kiên định không lay chuyển…

Ông ấy không nói nhiều nhưng mỗi hành động của ông ấy là một bài giảng…

Ông ấy là cầu nối giữa các nền văn hóa, giữa Đông và Tây qua ngôn ngữ của lòng từ bi…

Sư Minh Tuệ với đôi chân trần và nụ cười thanh thản mang đến một thông điệp mạnh mẽ: Hòa Bình không chỉ là sự vắng bóng của xung đột mà là sự An Lạc trong tâm hồn…

Tôi tin rằng nếu người dân Iran hay bất kỳ ai ở Tây Á nhìn vào ông, họ sẽ được truyền cảm hứng để vượt qua khổ đau, không bằng vũ khí hay tranh đấu mà bằng lòng từ bi và sự kiên nhẫn…

Nếu được gặp sư Minh Tuệ, tôi sẽ cúi đầu trước ông ấy và nói: Thưa sư, Ngài là ngọn gió mát lành thổi qua sa mạc của thế gian, mang theo hương thơm của sự giác ngộ. Cảm ơn Ngài đã cho chúng tôi thấy rằng, con đường tâm linh vẫn sống động ngay cả trong thời đại hỗn loạn này…

Có hàng triệu người Việt Nam ở mọi nơi và nhiều người đủ các tôn giáo trên thế giới kính ngưỡng Minh Tuệ.

Đối với Việt Nam, Minh Tuệ truyền đi thông điệp: Từ bi, bao dung, tha thứ, buông bỏ tham lam, thù hận, mọi người đều bình đẳng, hôm qua là ma hôm nay có thể là Phật, không phán xét quá khứ, ai cũng như cha mẹ, anh em mình, cầu mong cho nhau hạnh phúc, an vui, mọi điều tốt đẹp… Đó là sự hoà giải, hoà hợp, đại đoàn kết dân tộc…

Vậy Đảng, Nhà nước, Ban Tôn giáo Chính phủ, Giáo hội PGVN ứng xử với sư Minh Tuệ thế nào cho Tốt Đời, Đẹp Đạo?

Xin cảm ơn tất cả!

Related posts