Cuộc chiến Ukraine của Putin bị phản tác dụng, dẫn đến cuộc nổi dậy của Wagner tại quê nhà

Wall Street Journal

Tác giả: Yaroslav Trofimov Thomas Grove

Cù Tuấn, biên dịch

25-6-2023

Nga siết chặt an ninh ở Mátxcơva và Rostov. Ảnh chụp màn hình

Tóm tắt: Cuộc xâm lược của Nga nhằm làm thay đổi chế độ ở Kiev, hiện tại lại làm lung lay chế độ ở Nga.

Cuộc nổi dậy vũ trang do Yevgeny Prigozhin, một doanh nhân người Nga sau đó trở thành thủ lĩnh quân sự, phát động hôm thứ Bảy, đã phơi bày những rạn nứt sâu sắc của Nga do chiến tranh Ukraine gây ra — thứ mà Điện Kremlin hy vọng sẽ tạo ra sự thống nhất trên toàn nước Nga một khi thắng lợi — và đặt ra mối đe dọa hiện hữu nghiêm trọng nhất đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong suốt 23 năm cầm quyền của ông ta.

Các chiến binh của nhóm bán quân sự Wagner do Prigozhin lãnh đạo, đã chiếm giữ hai thành phố của Nga hôm thứ Bảy và tiến về Matxcơva để đối đầu với giới lãnh đạo quân sự của đất nước này, trước khi một thỏa thuận do Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko làm trung gian giữa Prigozhin và Putin, giúp tránh được một cuộc tắm máu tiềm tàng ở thủ đô Matxcơva.

Thỏa thuận này và việc ngừng bắn ​​đã ngăn chặn khả năng leo thang của sự tức giận đối với cách xử lý cuộc chiến ở Ukraine của Điện Kremlin, từ việc lên kế hoạch thiếu sót, cùng những ngày thảm khốc đầu tiên, cho đến những thất bại gần đây hơn, mà có thể châm ngòi cho một cuộc nội chiến.

Nhưng chính hình ảnh những người đàn ông có vũ trang ở các thành phố của Nga kêu gọi loại bỏ bộ chỉ huy quân sự của Matxcơva, cho thấy: Một cuộc chiến nhằm mục đích thay đổi chế độ ở Ukraine có thể có khả năng làm lung lay chế độ ở Nga, bằng cách khai thác sự tức giận sâu sắc trước những thất bại về chính trị và quân sự của các lãnh đạo nước Nga.

Nhà khoa học chính trị Nga Konstantin Sonin, giáo sư tại Đại học Chicago, cho biết: “Tính toán sai lầm lớn nhất của Putin là ông ta đã khởi xướng một cuộc chiến dựa trên sự hiểu biết hoàn toàn không đầy đủ về thế giới, về quân đội của mình và về Ukraine. Và sau đó ông ta tiếp tục tính toán sai lầm mỗi ngày, khi không chịu ngừng cuộc chiến”.

Cuộc nổi dậy của Prigozhin có nguy cơ lặp lại những trường hợp trước đây về việc các cuộc xâm lược nước ngoài đẫm máu nhưng không thành công, đã gây ra tình trạng bất ổn và thậm chí là một cuộc cách mạng—từ chiến dịch chống Nhật Bản năm 1905, đến Chiến tranh thế giới thứ nhất, và cuối cùng là sự sa lầy của Liên Xô ở Afghanistan.

Một phần của thỏa thuận là Prigozhin sẽ chuyển đến Belarus và các chiến binh tham gia cuộc nổi dậy sẽ được ân xá.

Bằng cách phát động cuộc xâm lược Ukraine mà không được chuẩn bị kỹ lưỡng vào 16 tháng trước, một cuộc chiến mà Putin dự kiến ​​sẽ kết thúc bằng chiến thắng chỉ trong vài ngày, hiện tại Putin rơi vào cái bẫy tương tự.

Căng thẳng xã hội về những tổn thất chồng chất và thất bại quân sự ở Ukraine đã thúc đẩy việc nổi dậy của Prigozhin và nhóm bán quân sự Wagner của ông ta, tạo ra mối đe dọa lớn nhất đối với quyền cai trị của Putin kể từ khi ông lên nắm quyền vào năm 2000.

Các binh sĩ của Wagner đã được triển khai ở Châu Phi và ở Syria khi quân đội Nga tiến vào Ukraine ngày 24 tháng 2 năm 2022. Điện Kremlin chỉ yêu cầu Prigozhin tham gia nỗ lực chiến tranh sau khi quân đội Nga thất bại trong việc chiếm thủ đô Kyiv của Ukraine và đang phải đối mặt với những tổn thất nặng nề trên khắp miền bắc Ukraine.

Trong khi quân chính quy của Nga phải chịu thêm một loạt thất bại vào mùa thu năm ngoái, Wagner đã đạt được thành công hiếm có khi chiếm được thành phố Bakhmut, miền đông Ukraine. Thành công này khiến Prigozhin có quyền được nói một cách trung thực về sự kém cỏi của quân đội Nga — điều mà ông ta đã làm với lời lẽ cay độc ngày càng tăng trong vài tháng qua.

Fiona Hill, hiệu trưởng được chỉ định của Đại học Durham ở Anh, là người giám sát chính sách Nga trong Nhà Trắng của Trump, cho biết: “Prigozhin hiện đang nói sự thật về thất bại quân sự của Nga và lý do chính thức cho cuộc xâm lược. Ông ta công khai nói những gì mà nhiều người khác đang nghĩ”.

Cuộc chiến Ukraine, ban đầu chỉ do quân đội chuyên nghiệp tiến hành, giờ đây ảnh hưởng đến toàn xã hội Nga. Nga đã phải tổng động viên hàng trăm ngàn tân binh để củng cố chiến tuyến đang sắp tan vỡ, gây ra làn sóng di cư ồ ạt. Các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine vào sâu bên trong nước Nga đã trở nên phổ biến, phá vỡ hình ảnh quyền lực vốn được Putin nuôi dưỡng cẩn thận.

Bất chấp những thất bại này, Putin tiếp tục tin rằng thời gian đang đứng về phía Nga. Ông cho rằng, các nền dân chủ phương Tây giúp đỡ Ukraine cuối cùng sẽ mệt mỏi, trong khi chế độ của Putin, vốn được bảo đảm bởi các luật lệ ngày càng hà khắc nhằm loại bỏ phe đối lập tự do trong nước, sẽ kiên trì lâu hơn và cuối cùng giành chiến thắng. Tuy nhiên, cuộc nổi dậy của Wagner cho thấy, rõ ràng rằng nước Nga kém ổn định hơn nhiều so với những gì Putin đã tin tưởng.

Ruslan Pukhov, Giám đốc Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ – một think tank về các vấn đề quân sự – có trụ sở tại Matxcơva, cho biết: “Hy vọng của một bộ phận giới tinh hoa Nga, bao gồm cả chính Tổng thống, rằng một cuộc chiến lâu dài sẽ có lợi cho Nga… là một ảo tưởng nguy hiểm. Việc kéo dài chiến tranh mang đến những rủi ro chính trị trong nước rất lớn cho Liên bang Nga”.

Bộ trưởng Ngoại giao Litva, ông Gabrielius Landsbergis cho biết, đất nước của ông đã tồn tại trong quỹ đạo của Nga trong nhiều thế kỷ, từng bị ảnh hưởng bởi các cuộc khủng hoảng nội bộ làm rung chuyển Matxcơva. “Chỉ còn là vấn đề thời gian trước một vụ bùng nổ hỗn loạn tiếp theo”, ông viết trên Twitter.

Bản thân Putin so sánh tình trạng khó khăn hiện tại của Nga với năm 1917, khi quân đội Sa hoàng mệt mỏi vì phải đổ máu trong Thế chiến thứ nhất, đã nổi loạn và lật đổ Sa hoàng Nicholas II – một cuộc cách mạng mà theo Putin cho biết hôm thứ Bảy 24/6, đã lấy mất một chiến thắng quân sự xứng đáng từ Đế quốc Nga và dẫn đến những tổn thất đất đai to lớn, tại các quốc gia như Phần Lan, Ba Lan và các nước vùng Baltic.

Năm 1905, Nga phát động điều mà Bộ trưởng Nội vụ của Sa hoàng, Vyacheslav von Plehve, gọi là “một cuộc chiến tranh với thắng lợi nhỏ” chống lại Nhật Bản, nhằm đánh lạc hướng sự chú ý của công chúng Nga khỏi các vấn đề trong nước—chỉ để hứng chịu một thất bại nhục nhã và một cuộc cách mạng sau đó. Tương tự như vậy, những tổn thất của Liên Xô trong nhiều năm sau khi xâm lược Afghanistan năm 1979 là lý do chính dẫn đến những căng thẳng nội bộ dẫn đến việc Liên Xô tan rã năm 1991.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cảnh báo hôm 24/6, rằng tình trạng bất ổn ở Nga sẽ càng lớn chừng nào quân đội Nga vẫn còn tham chiến. Ông nói: “Nga càng duy trì quân đội và lính đánh thuê của họ trên đất của chúng ta càng lâu, thì càng có nhiều hỗn loạn, đau đớn và các vấn đề cho chính nước Nga”.

Related posts