Bảo Nguyên
Căng thẳng Nga – Ukraine tiếp tục leo thang khi chính quyền Biden và các đồng minh thảo luận về lệnh cấm vận đối với nguồn cung dầu từ Nga. Ngay lập tức, giá dầu đã tăng vọt, đi cùng với đó là sự đồng loạt lao dốc của các thị trường chứng khoán trên toàn thế giới.
Giá dầu tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 07/2008
Giá dầu Brent – giá dầu tiêu chuẩn thế giới – tăng lên trên 139 USD/thùng, trước khi hạ xuống mức 130 USD/thùng. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 07/2008.
Vàng, nơi trú ẩn của các nhà đầu tư, đã lần đầu tiên trong 18 tháng tăng giá lên 2000 USD một ounce.
Thị trường năng lượng đang rất căng thẳng do lo ngại vấn đề nguồn cung do cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine. Những diễn biến gần đây đã đẩy giá dầu tăng cao. Vào hôm Chủ nhật (06/03), Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken cho biết chính quyền Biden và các đồng minh đang thảo luận một lệnh cấm đối với dầu từ Nga.
Sau đó, Chủ tịch Hạ viện Mỹ bà Nancy Pelosi cho biết Hạ viện đang tìm kiếm các quy định nhằm cấm việc nhập khẩu dầu từ Nga và rằng Hạ viện trong tuần này có ý định thông qua 10 tỷ USD viện trợ cho Ukriane. Bà Pelosi cho biết: “Hạ viện đang tìm kiếm các quy định mạnh mẽ nhằm đẩy mạnh việc cô lập Nga khỏi nền kinh tế thế giới”.
Thông tin được đưa ra trong bối cảnh sức ép lên Tòa Bạch Ốc và các nước Tây phương khác đang ngày càng tăng trong việc đưa ra các biện pháp mạnh mẽ hơn chống lại Moscow.
Một lệnh cấm vận đối với dầu từ Nga sẽ một bước leo thang căng thẳng đối với xung đột tại Ukraine và sẽ có ảnh hưởng to lớn đến nền kinh tế thế giới.
Bà Vandana Hari tại công ty phân tích thị trường dầu Vanda Insights cho biết: “Khi Mỹ áp đặt một lệnh trừng phạt đối với dầu nhập từ Nga, sẽ rất khó khăn để châu Âu áp đặt biện pháp tương tự. Điều đáng lo hơn là, khi Tổng thống Nga Vladimir Putin bị dồn vào chân tường, ông sẽ có thể dừng cung cấp nhiên liệu cho châu Âu, cắt đứt nguồn cung năng lượng quan trọng cho khu vực này”.
Giá dầu thô Brent đã tăng hơn 20% vào tuần trước trong bối cảnh căng thẳng leo thang.
Vào hôm Chủ Nhật (06/03), Hiệp hội ô tô Mỹ cho biết giá dầu Mỹ trong tuần tại trạm bơm đã tăng 11%, lên mức cao nhất kể từ tháng 07/2008.
Chi phí gas tại châu Âu và Anh cũng đã đạt mức kỷ lục giữa những lo ngại rằng nguồn cung từ Nga có thể sẽ sụt giảm.
Vào hôm Chủ Nhật (06/03), gã khổng lồ năng lượng Shell đã cố gắng bảo vệ quyết định mua dầu thô từ Nga bất chấp cuộc xâm lược vào Ukraine. Công ty cho biết trong một tuyên bố, quyết định mua nhiên liệu với giá được chiết khấu là một quyết định khó khăn. Công ty thừa nhận đã mua dầu thô Nga vào hôm thứ Sáu (04/03) nhưng nói rằng công ty không còn lựa chọn nào khác. Ngoại trưởng Ukriane Dmytro Kuleba công kích Shell, đặt câu hỏi trên Twitter: “Không biết công ty có ngửi thấy mùi máu Ukriane trong dầu của Nga hay không?”.
Thị trường chứng khoán quốc tế đồng loạt đỏ lửa
Các diễn biến mới của cuộc chiến cùng với việc giá dầu leo thang đã ảnh hưởng đến hầu hết các thị trường chứng khoán trên toàn thế giới. Các chỉ số chứng khoán chính đều sụt giảm. Vào khoảng 18:10 giờ Hà Nội (GMT+7):
- S&P 500 tương lai giảm 1,66%
- Nasdaq 100 tương lai giảm 1,64%
- Dow Jones 30 tương lai giảm 1,56%
- Chỉ số Topix của Nhật giảm 2,76%
- Chỉ số Nikkei 225 giảm 2,94%
- Chỉ số S&P/ASX 200 của Úc giảm 1,02%
- Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 2,29%
- Chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 3,87%
- Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc giảm 2,17%
- Chỉ số Euro Stoxx 50 tương lai giảm 2,54%
- Chỉ số DAX của Đức giảm 2,98%
- Chỉ số CAC 40 của Pháp giảm 2,71%
- Chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 1,58%
Giá dầu cao gây ra lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu
Theo ông Kelvin Tay, Giám đốc Đầu tư Khu vực của UBS có trụ sở tại Singapore, các nhà đầu tư có lẽ đang có tâm lý tìm kiếm an toàn và dẫn đến việc giá chứng khoán sụt giảm. Giá dầu lên cao sẽ có tác dụng như là một loại thuế đánh lên nền kinh tế toàn cầu, và tăng trưởng toàn cầu sẽ chậm lại.
Ông Michael Hewson, nhà phân tích thị trường hàng đầu tại CMC Markets, cho biết: Giá dầu tăng cao đang tạo ra lo ngại về suy giảm nhu cầu trong nền kinh tế và một cuộc suy thoái toàn cầu. Ông nói: “Sẽ khó có thể thấy thị trường chứng khoán tăng điểm trong bối cảnh leo thang căng thẳng ở Ukraine”.
Giá hàng hóa tăng cao và hậu quả lạm phát sẽ làm việc ra quyết định của các ngân hàng trung ương thêm phức tạp. Các ngân hàng này vốn đã chuẩn bị thắt chặt chính sách tiền tệ trước khi cuộc chiến diễn ra. Ngân hàng Trung ương Châu Âu sẽ họp vào tuần này, và các nhà đầu tư sẽ theo dõi sát sao các dự báo tăng trưởng và các chính sách có thể được đưa ra.
Ông Hewson cho biết: “Tình hình hiện tại là một vấn đề lớn đối với các ngân hàng trung ương. Liệu họ sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ và đứng trước nguy cơ đẩy thế giới tiến nhanh vào một cuộc suy thoái, hay họ sẽ cho phép lạm phát gia tăng, điều cũng sẽ có tác động tương tự?”.
Bảo Nguyên