Thế giới tài chính cần điều chỉnh quan điểm để xem Trung Quốc đang chuẩn bị kế hoạch gì.
Khi Thế Vận Hội mùa đông Bắc Kinh đang diễn ra, mọi con mắt của thế giới đều đổ dồn về Trung Quốc. Nhưng liệu những tổ chức tài chính lớn có nhận thức được điều gì đang thực sự diễn ra ngay trước mắt họ không?
Chắc là không.
Chứng khoán Trung Quốc sụp đổ tại thị trường Hoa Kỳ
Khi các quy định chặt chẽ hơn của Hoa Kỳ có hiệu lực vào năm ngoái, nhiều công ty Trung Quốc đã bộc lộ sự yếu kém và gian lận. Kết quả là, chúng ta đã chứng kiến sự sụp đổ của cổ phiếu Trung Quốc niêm yết tại Hoa Kỳ vào năm 2021.
Nhiều cổ phiếu chạm mức giá đáy mới và mất tới 80% giá trị — những cổ phiếu khác thậm chí còn mất giá nhiều hơn thế. Trên thực tế, mới chỉ có mối đe dọa về việc giám sát nhiều hơn đã khiến một số công ty Trung Quốc quyết định hủy niêm yết hoàn toàn khỏi các sàn giao dịch chứng khoán Hoa Kỳ.
Tìm kiếm sự phục hồi?
Giới quan sát tài chính và các ngân hàng đầu tư suy đoán rằng sau những tổn thất nặng nề, giá cổ phiếu tăng trở lại vào năm 2022 là một khả năng hợp lý.
Thông thường là vậy. Khi giá cổ phiếu giảm quá nhanh, tư duy tài chính khiến các nhà đầu tư cho rằng tài sản đã bị bán quá mức.
Các chủ ngân hàng đầu tư vẫn tiếp tục bị lóa mắt và bị thôi miên bởi triển vọng tiếp cận nhiều hơn với thị trường Trung Quốc và lợi nhuận mà thị trường đó sẽ đem lại.
Nhưng kỳ vọng giá cổ phiếu Trung Quốc niêm yết trên thị trường Mỹ sẽ phục hồi hoàn toàn liệu có hợp lý?
Không phải lúc này, và có một số lý do tại sao.
Lần này thì khác – Quyền lực lấn át tiền bạc
Có một điểm, không giống như các tổ chức tài chính, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cuối cùng không phải là để kiếm tiền. Đúng vậy, ĐCSTQ có đầy đủ các triệu phú và tỷ phú, nhưng điều đó là không quan trọng. Hai thứ đó có mối liên hệ với nhau, nhưng như Jack Ma, chủ sở hữu cũ của Alibaba và các ông trùm công nghệ khác đã phát hiện ra, quyền lực lấn át tiền bạc.
Với quyền lực, quý vị luôn có thể nhận được cái thứ hai. Nhưng theo chiều ngược lại thì không phải lúc cũng được như vậy.
Mục tiêu quốc gia của ĐCSTQ là phát triển quyền lực của Trung Quốc và bành trướng ra khắp thế giới.
Hơn nữa, ngay cả khi ĐCSTQ tạo ra những bong bóng vốn cuối cùng sẽ gây ra biến động kinh tế và xã hội to lớn, những người bị tổn thương là những người không có quyền lực và ĐCSTQ thì có tất cả, vì vậy không có hậu quả nào đối với ĐCSTQ — cho đến nay.
Sự sụp đổ của việc phát triển bất động sản hiện nay nói lên câu chuyện này rất rõ ràng. Hàng chục triệu nhà đầu tư mất tiền tiết kiệm thì phải gánh chịu đau khổ, nhưng Đảng vẫn nắm quyền.
Hồng Kông và Bắc Kinh: Sự thay thế cho Wall Street
Hơn nữa, ĐCSTQ không còn cần hoặc quan tâm đến việc chứng khoán Trung Quốc có hoạt động tốt ở Wall Street hay không. Với việc tiếp quản Hồng Kông, Đảng có trong tay Sở Giao dịch Chứng khoán Hồng Kông, hay chính thức hơn là Sở Giao dịch và Thanh toán bù trừ Chứng khoán Hồng Kông (Hong Kong Exchanges and Clearing Limited – HKEx).
Với tư cách là sàn giao dịch chứng khoán lớn thứ ba trên thế giới và chính quyền Hồng Kông là người nắm giữ cổ phần lớn nhất, Bắc Kinh có rất nhiều cơ hội để phát triển sàn giao dịch và gia tăng ảnh hưởng của mình với cái giá phải trả của Wall Street. Ngoài ra, một sàn giao dịch mới có trụ sở tại Bắc Kinh sẽ được thành lập, tạo ra một trọng tâm lớn cho đầu tư và tài chính toàn cầu.
Trên thực tế, bằng cách hạ thấp các yêu cầu về niêm yết thứ cấp, sàn giao dịch Hồng Kông đang thu hút các công ty Hoa Kỳ niêm yết cổ phiếu của họ ở đó. Hơn nữa, ĐCSTQ có thể ra lệnh cho các hoạt động trên Sàn giao dịch Hồng Kông, cũng như trên các sàn giao dịch Thượng Hải và Thâm Quyến bằng [các biện pháp về] vốn, cũng như thao túng để gia tăng quyền lực và ảnh hưởng của mình.
Xem mọi việc như bình thường (Normalcy bias) và Sự trỗi dậy của Vương quốc Trung tâm
Trong khi đó, các ngân hàng đầu tư toàn cầu và các công ty Wall Street đang đầu tư mạnh vào Trung Quốc khẳng định rằng các công ty Trung Quốc sẽ lấy lại giá trị của họ trên các sàn giao dịch của Hoa Kỳ, nhưng điều đó không thực sự quan trọng.
Các công ty tài chính hoặc không nhìn thấy những gì đang xảy ra bởi vì họ không muốn, hoặc họ chỉ đi theo dòng chảy. Họ có xu hướng coi thế giới đang thay đổi là hệ quả của chủ nghĩa toàn cầu. Đúng vậy, nhưng chủ nghĩa toàn cầu không phải là dấu chấm hết cho Trung Quốc — đó là phương tiện để đưa Vương quốc Trung tâm trở lại đúng vị trí của nó: sự thống trị toàn cầu.
Kế hoạch lớn của chính phủ Trung Quốc là thay thế quyền bá chủ của Hoa Kỳ bằng chính quyền của họ, và điều đó đang diễn ra với tốc độ đáng kinh ngạc. Làm suy yếu nếu không muốn nói là phá hủy niềm tin của thế giới vào thị trường chứng khoán Hoa Kỳ và đồng USD là một phần quan trọng trong kế hoạch đó.
Một phần của việc thực hiện kế hoạch đó dường như là làm sụp đổ thị trường Hoa Kỳ và Bắc Kinh bán khống [chứng khoán] của chính họ để lấy hàng tỷ USD, nếu không muốn nói là hàng ngàn tỷ USD từ nền kinh tế Hoa Kỳ gần như chỉ trong một đêm.
Hậu quả thực sự sẽ là làm mất lòng tin và uy tín của thế giới đối với Hoa Kỳ.
Vụ sụp đổ này có thể xảy ra như thế nào? Làm thế nào mà ĐCSTQ có thể kích hoạt điều đó?
Một cuộc xâm lược Đài Loan có thể làm được điều đó, nhưng vẫn có những khả năng khác.
Cơ hội là bây giờ
Điểm lớn hơn là chính quyền Trung Quốc hiện được định vị để gây thiệt hại cho Hoa Kỳ theo những cách mà các đối thủ khác không thể, trong khi cung cấp cho thế giới một giải pháp thay thế.
Với tư cách là một cường quốc kinh tế toàn cầu, Bắc Kinh có ảnh hưởng về tiền tệ, các sàn giao dịch chứng khoán hàng đầu được thành lập tại Trung Quốc và các khoản đầu tư mạnh mẽ vào Trung Quốc của các công ty tài chính Hoa Kỳ.
Mặt khác, Hoa Kỳ ngày càng trông giống như một cường quốc kinh tế toàn cầu đang suy yếu.
Bên cạnh việc gánh thêm hàng nghìn tỷ khoản nợ mới để đối phó với đại dịch, cam kết lung lay của Mỹ trong việc bảo vệ Đài Loan, việc rút quân khỏi Afghanistan đầy tai họa và cuộc khủng hoảng Ukraine đều làm giảm niềm tin của thế giới vào Hoa Kỳ và đồng USD.
Thực tế đang nổi lên này có những tác động tệ hại đối với Hoa Kỳ và những gì còn lại của thế giới tự do.
Ông James R. Gorrie là tác giả của “Cuộc khủng hoảng Trung Quốc” (Wiley, 2013) và viết trên blog của mình, TheBananaRepublican.com. Ông sống và làm việc tại tại Nam California.
Bình Nguyên biên dịch