Đài Loan có thể bị cấm tham dự Hội nghị Y tế Thế giới (World Health Assembly – WHA) trong tháng này để chia sẻ các phương pháp hiệu quả họ đã sử dụng để chiến đấu thành công với dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán, thường được gọi là nCoV, theo The Epoch Times.
Theo một nghiên cứu dự đoán của Đại học Johns Hopkins hồi tháng 1, Đài Loan sẽ là khu vực có nguy cơ cao thứ hai bùng phát virus bên ngoài Trung Quốc đại lục. Tuy nhiên, trên thực tế Đài Loan lại là một trong những nước phản ứng hiệu quả nhất trên toàn cầu trước đại dịch.
Đài Loan, vốn không phải là thành viên Liên Hợp Quốc, đã bị loại khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), một cơ quan Liên Hợp Quốc, do sự phản đối từ phía Trung Quốc. Hòn đảo này đã không được phép tham gia Hội nghị Y tế Thế giới, cơ quan ra quyết định của WHO, kể từ năm 2016.
Các nhà lãnh đạo ủy ban đối ngoại nghị viện Mỹ đã viết một lá thư gửi tới 55 quốc gia vào ngày 8/5 để ủng hộ Đài Loan tham gia hội nghị này. Trong bức thư, các nhà lập pháp Mỹ tuyên bố rằng khi thế giới chiến đấu với đại dịch, điều quan trọng hơn cả là đặt sức khỏe toàn cầu lên trên yếu tố chính trị.
Chen Shih-chung, Bộ trưởng Bộ Y tế và Phúc lợi Đài Loan, cho biết trong một thông cáo báo chí:
“WHO rồi sẽ thực sự hiểu rằng các loại bệnh truyền nhiễm không có khái niệm biên giới, và không có quốc gia nào nên được loại trừ [khỏi việc tham gia WHO], nếu không việc này sẽ trở thành một lỗ hổng lớn trong an ninh y tế toàn cầu. WHO không nên phớt lờ sự đóng góp cho an ninh y tế toàn cầu của bất kỳ quốc gia nào”.
Đài Loan đã thực hiện các biện pháp kiểm dịch biên giới chặt chẽ để kiểm soát dịch bệnh, đồng thời gia tăng khả năng xét nghiệm phòng thí nghiệm bằng một hệ thống bệnh viện phân lớp. Trong khi đó, Đài Loan vẫn có một nền kinh tế đang hoạt động bình thường, với GDP quý I tăng trưởng 1,54% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trận chiến giữa Đài Loan và Covid-19 bắt đầu vào thời điểm 31/12 năm ngoái, khi một quan chức y tế công cộng Đài Loan nhận thấy dân tình đang thảo luận trên một diễn đàn mạng về một đợt bùng phát dịch viêm phổi Vũ Hán mới ở Vũ Hán, Trung Quốc. Cùng ngày, Đài Loan đã ngay lập tức tiến hành kiểm dịch các chuyến bay đến nước này trực tiếp từ Vũ Hán.
Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Đài Loan cũng đã gửi một email đến WHO để thông báo về dịch bệnh trong cùng ngày, cảnh báo khả năng lây nhiễm từ người sang người. Các chuyên gia Đài Loan đã đến Vũ Hán vào tháng 1 để tiến hành một nghiên cứu thực địa, và họ đi đến kết luận rằng khả năng lây nhiễm giữa người với người tồn tại rất xác thực.
Trong đại dịch, Đài Loan đã tăng cường sản lượng sản xuất mặt nạ hàng ngày từ 1,8 triệu trong tháng 1 lên đến khoảng 19 triệu vào giữa tháng 5. Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại thành phố San Francisco (Mỹ) đã quyên tặng 100.000 mặt nạ cho bang California vào giữa tháng Tư.
“Kể từ khi Đài Loan bắt đầu giao thương với ĐCSTQ trong một khoảng thời gian dài và đã bị lừa phỉnh nhiều lần trong suốt quá trình, Đài Loan đã học được một cách sâu sắc rằng ĐCSTQ là không đáng tin. Do đó, Đài Loan sẽ không thu thập thông tin dịch bệnh từ các số liệu của ĐCSTQ hoặc WHO”, Đồ Tỉnh Triết, Bộ trưởng Bộ Y tế Đài Loan hồi năm 2003 thời điểm dịch SARS lan từ Trung Quốc đại lục sang Đài Loan, nói với tờ Epoch Times phiên bản Đài Loan.
Sau đó, ĐCSTQ đã giấu sự bùng nổ dịch SARS trong ba tháng và khiến virus này lan sang Đài Loan vào thời điểm đó. Điều này khiến Đài Loan thấu hiểu sâu sắc cảm giác bị ĐCSTQ lừa dối”, ông Đồ nói. “Chúng tôi hiểu rất rõ bản chất lừa lọc của ĐCSTQ”.
Số ca tử vong ở Đài Loan từ dịch SARS là 73 vào năm 2003. Tính đến ngày 4/5 năm nay, số người chết tại Đài Loan từ Covid-19 chỉ là 6.
Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, tổng giám đốc WHO, cho biết hôm 23/1 rằng không có bằng chứng nào về việc lây nhiễm Covid-19 từ người sang người bên ngoài Trung Quốc. Ông Tedros cũng phủ nhận hôm 10/4 rằng Đài Loan từng cảnh báo WHO về khả năng lây nhiễm từ người sang người.
Từ năm 1997 đến 2008, Đài Loan đã nộp đơn xin đăng ký tư cách quan sát viên hàng năm ở WHO nhưng không thành do sự phản đối từ Trung Quốc. Năm 2009, Đài Loan cuối cùng đã giành được tấm vé quan sát viên và được cho phép tham gia Hội nghị Y tế Thế giới, nhưng đã mất vị thế này một lần nữa vào năm 2017 khi ông Tedros trở thành tổng giám đốc.
Trước khi trở thành người đứng đầu WHO, ông Tedros từng là bộ trưởng y tế và sau đó là bộ trưởng ngoại giao của Ethiopia. Ông là thành viên của Mặt trận Giải phóng Nhân dân Tigray (Tigray People’s Liberation Front – TPLF), trong đó Liên đoàn Tigray Các Mác-Lênin (Marxist-Leninist League of Tigray – MLLT) giữ vai trò lãnh đạo trong thập niên 1980.
Một báo cáo của hãng tư vấn McKinsey năm 2017 cho biết Ethiopia đã tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc và là một trong những đối tác mạnh mẽ nhất của Trung Quốc tại Châu Phi.
Theo The Epoch Times
Quý Khải dịch & biên tập