Một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở châu Á là Nhật Bản đang cố gắng truyền tải thông điệp tới ứng viên tổng thống Mỹ Donald Trump (Trump): Không nên có bất kỳ thỏa thuận nào với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) khiến tình hình bất lợi, vì có thể làm đảo lộn những nỗ lực chung trong nhiều năm nhằm kiềm chế họ, gây nguy hiểm cho nền hòa bình mong manh trong khu vực.
Trong những tuần gần đây, Tokyo đã tăng cường nỗ lực tiếp cận những người thân cận với ứng viên của Đảng Cộng hòa Trump sau khi ông có chiến thắng sơ bộ ở Iowa và New Hampshire, khiến một số cuộc thăm dò cho thấy ông Trump đã dẫn đầu trở thành ứng viên trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11.
Động thái trên được biết đến trong các cuộc phỏng vấn với 6 quan chức Nhật Bản, phần lớn nội dung liên quan này chưa được đưa tin. Hiện tại Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida chuẩn bị có chuyến thăm cấp nhà nước tới Mỹ vào tháng 4 theo lời mời của Tổng thống Joe Biden.
Ba quan chức cho biết những nỗ lực của Nhật Bản bao gồm cử một nhân vật cấp cao của đảng cầm quyền đến cố gắng gặp ông Trump, bên cạnh đó một số nhà ngoại giao Nhật Bản cũng tiếp cận các tổ chức tư vấn và một số cựu quan chức Mỹ liên kết với ông Trump.
Mối lo ngại lớn nhất của Tokyo là nếu ông Trump quay trở lại nắm quyền, ông có thể tìm kiếm một loại thỏa thuận thương mại hoặc an ninh nào đó giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, điều này có thể làm suy yếu những nỗ lực gần đây của các nước G7 giàu có nhằm đối đầu với Trung Quốc.
Các quan chức chia sẻ thông tin yêu cầu giấu tên vì tính nhạy cảm của vấn đề.
Vào năm 2019 ông Trump từng đạt được thỏa thuận thương mại với ĐCSTQ nhưng sau đó đã hết hạn, tuy nhiên trong chiến dịch tranh cử năm 2024 này đã không thấy ông Trump đề cập đến bất kỳ thỏa thuận nào có thể có với Trung Quốc.
Các quan chức Nhật Bản cho biết họ không biết cụ thể về kế hoạch của ông Trump, nhưng mối lo ngại của họ dựa trên những bình luận và hành động công khai của ông trong nhiệm kỳ từ 2017 – 2021, trong đó ông tránh xa một số hợp tác đa phương, mối quan hệ của ông với các nhà lãnh đạo độc tài ĐCSTQ Tập Cận Bình, và việc theo đuổi thỏa thuận hạt nhân với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nhưng không thành công.
Hai quan chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết họ lo ngại ông Trump vì đang chuẩn bị để theo đuổi một thỏa thuận với Trung Quốc, sẽ làm suy yếu sự hỗ trợ của Mỹ dành cho nước láng giềng Đài Loan. Họ cho rằng động thái này có thể làm gia tăng khả năng ĐCSTQ dùng vũ lực quân sự thôn tính Đài Loan.
Một trợ lý của ông Trump nói với Reuters rằng gần đây không có cuộc gặp nào giữa ông Trump và các quan chức Nhật Bản. Họ sẽ không bình luận gì thêm.
Hồi tháng 7/2023, ông Trump được hỏi trong một cuộc phỏng vấn với Fox News rằng liệu Mỹ có nên giúp bảo vệ Đài Loan nếu điều đó đồng nghĩa với chiến tranh với Trung Quốc hay không, ông nói: “Nếu tôi trả lời câu hỏi đó, nó sẽ đưa tôi vào một tình thế đàm phán rất tồi tệ. Đài Loan quả thực đã lấy đi toàn bộ hoạt động kinh doanh chip của chúng ta [nước Mỹ]. Chúng ta từng tự sản xuất chip nhưng giờ tất cả đều được sản xuất tại Đài Loan”.
Sáu quan chức Nhật Bản cho biết, Tokyo cũng lo ngại rằng ông Trump có thể một lần nữa gây vấn đề căng thẳng với Nhật Bản bằng các biện pháp bảo hộ thương mại như thuế thép, cũng như lại yêu cầu Nhật Bản phải trả nhiều tiền hơn cho quân đội Mỹ đồn trú tại Nhật Bản.
Hai quan chức cho biết sự tiếp cận của Nhật Bản là một phần trong nỗ lực phủ đầu nhằm tìm hiểu xem liệu các vấn đề có thể tái diễn hay không, đồng thời nhằm truyền đạt quan điểm của Tokyo. Ông Trump cho biết trong tuần này rằng, nếu đắc cử sẽ chặn kế hoạch mua lại US Steel Corp (X.N) trị giá 14,9 tỷ USD của Nippon Steel Corp (5401.T) Nhật Bản.
Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết trong một tuyên bố rằng họ “rất quan tâm theo dõi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ”, đồng thời lưu ý cam kết lưỡng đảng của Mỹ đối với liên minh Mỹ-Nhật.
Ado Machida, một doanh nhân Tokyo từng phục vụ trong nhóm chuyển tiếp của ông Trump sau chiến thắng bầu cử năm 2016, cho biết các quan chức Nhật Bản rất mong muốn thiết lập quan hệ với cấp trên cũ của ông.
Machida nói: “Nếu muốn đạt được thỏa thuận với Trung Quốc, Nhật Bản cần cố gắng đứng ra dẫn đầu và hiểu rõ vai trò tiềm năng của mình trong việc hỗ trợ lợi ích của mình ở Mỹ và Trung Quốc”.
Bộ ngoại giao Trung Quốc và Đài Loan đều cho biết họ sẽ hợp tác chặt chẽ với Mỹ bất kể kết quả bầu cử như thế nào.
Cố Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên ông Trump gặp sau chiến thắng năm 2016. Hai người sau đó đã dành hàng giờ trên sân gôn và phát triển mối quan hệ thân thiết giúp xoa dịu một số vấn đề gây tranh cãi.
Cánh tay nối dài
Theo ba người quen thuộc với vấn đề này, lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền của Nhật Bản từng giữ chức phó thủ tướng là Taro Aso đã tới Mỹ vào tháng trước để cố gắng gặp ông Trump, nhưng không thể gặp được. Văn phòng của ông Aso từ chối bình luận thông tin này.
Theo hai quan chức, tân đại sứ Mỹ của Nhật Bản là Shigeo Yamada (được bổ nhiệm vào cuối năm ngoái), đã nhận được chỉ thị cụ thể về việc liên hệ với chiến dịch tranh cử của ông Trump. Đại sứ đại diện cho đại sứ quán Nhật Bản tại Washington từ chối bình luận về các vấn đề liên quan đến cuộc bầu cử Mỹ.
Về vấn đề này, giám đốc Michael Green của Trung tâm Nghiên cứu Mỹ tại Đại học Sydney – Úc cho rằng, vấn đề phức tạp của Tokyo là nhiều cựu thành viên nội các của ông Trump tập trung vào quan hệ Nhật Bản như Mike Pence, Jim Mattis và Mike Pence Pei hiện được cho là không còn gắn bó với ông Trump nữa.
Cựu đặc phái viên của ông Trump tại Nhật Bản là Thượng nghị sĩ Bill Hagerty đã gặp một số quan chức Nhật Bản trong chuyến thăm Tokyo hồi đầu năm, một số nhà phân tích cho rằng ông ta có thể tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong chính quyền của ông Trump nếu ông thắng cử.
Theo những bức ảnh được Đại sứ quán Nhật Bản đăng trên mạng xã hội cho thấy, trong chuyến thăm Mỹ của ông Aso, ông Hagerty cũng cùng với Aso và Yamada tham gia sự kiện do Đại sứ quán Nhật Bản tại Mỹ tổ chức.
Hagerty nói với Reuters rằng những người đối thoại Nhật Bản “tìm hiểu về ông Trump, biết rằng ông ấy là người coi trọng mọi việc trong khu vực”.
Ông Hagerty nói thêm rằng mối lo ngại chính của Nhật Bản – sự xâm lược của Trung Quốc và Triều Tiên – giống như đã xảy ra vào năm 2016.
Hai nguồn tin cho biết cựu cố vấn an ninh quốc gia của Trump là Robert O’Brien cũng có liên hệ với các quan chức Nhật Bản. Công ty tư vấn Chiến lược Toàn cầu của O’Brien đã không trả lời yêu cầu bình luận.
“Đại dương nguy hiểm”
Tokyo đặc biệt lo ngại việc ông Trump trở lại có thể gây vấn đề liên quan ĐCSTQ. Hai quan chức Nhật Bản cho biết, phía chính giới Nhật Bản khi trao đổi với những người thân cận với ông Trump đã luôn nhấn mạnh lợi ích của cách tiếp cận đa phương trong chính sách về Trung Quốc, chẳng hạn như thỏa thuận G7 năm ngoái nhằm chống lại thủ đoạn ép buộc kinh tế từ ĐCSTQ và giảm thiểu rủi ro trong chuỗi cung ứng quan trọng.
Mặc dù Tổng thống Biden đã nhiều lần lên tiếng Mỹ sẽ bảo vệ Đài Loan nếu Trung Quốc xâm lược, dù sau đó Nhà Trắng đã rút lại phát biểu liên quan, tuy nhiên vẫn chưa rõ quan điểm của Trump về vấn đề này.
Thành viên cấp cao của Tổ chức Hòa bình Sasakawa – một nhóm nghiên cứu chính sách có trụ sở tại Tokyo, ông Tsuneo Watanabe cho biết ông biết rõ những nỗ lực của Nhật Bản nhằm tiếp cận Trump: “Chúng tôi không muốn vì những vấn đề hiểu lầm mà để xảy ra những quyết định mạo hiểm”.
Một trong những thách thức của Nhật Bản sẽ là xác định ai sẽ trấn an ông Trump nếu ông trở lại nhiệm sở.
Nhiều quan chức và nhà phân tích cho biết Thủ tướng Nhật Bản đương nhiệm Kishida, người có tỷ lệ tín nhiệm đã giảm mạnh do nhiều vụ bê bối trong đảng, có thể sẽ không nắm quyền sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào ngày 5/11.
Đảng LDP phải tổ chức bầu cử lãnh đạo trước cuối tháng 9. Chuyên gia Watanabe nói, “Ông Trump rõ ràng là một nhân tố trong sự lựa chọn lãnh đạo của LDP”. Ông nói thêm rằng lý tưởng nhất là đảng này sẽ tìm kiếm một ứng viên nói được tiếng Anh, có mối quan hệ tốt với ông Trump và có thể chơi gôn.
Lộ Khắc, Vision Times
Bạn đang sao chép nội dung của Trí Thức VN. Nếu là cá nhân sử dụng, vui lòng ghi rõ nguồn trithucvn.co. Nếu là website, kênh truyền thông, vui lòng chỉ sử dụng nội dung khi có sự cho phép của Trí Thức VN.