Thanh Hà
Châu Âu đang run sợ vì biến thể Delta của virus corona xuất phát từ Ấn Độ. Từ nay đến cuối tháng 8/2021, trong Liên Hiệp Châu Âu, 90 % những ca nhiễm Covid-19 sẽ do biến thể Delta của virus corona chủng mới gây nên. Báo động trên đây của Trung Tâm Châu Âu Phòng Ngừa và Kiểm Soát Dịch Bệnh – ECDE như một gáo nước lạnh vào lúc chiến dịch tiêm chủng tại châu Âu cất cánh và Bruxelles trông thấy ánh sáng cuối đường hầm.
Pháp đang phấn khởi trông thấy số bệnh nhân Covid-19 nhập viện, số người điều trị trong các phòng hồi sức đặc biệt liên tục giảm. Paris hy vọng lại được đón du khách trong hai tháng hè, sau nhiều tháng đóng cửa biên giới, người dân phải sống với lệnh giới nghiêm, khán giả bị cấm lui tới các sân vận động.
Sau cuộc họp Hội Đồng Bộ Trưởng hôm 23/06/2021, phát ngôn viên chính phủ, Gabriel Attal, cảnh báo : có từ 9 đến 10 % bệnh nhân Covid-19 tại Pháp nhiễm biến thể Delta. Tỷ lệ này tăng rất nhanh vì so với đúng một tuần trước thì chỉ có từ 2 đến 4 %. Riêng tại vùng Landes, miền tây nam nước Pháp, chung quanh khu vực thành phố Bordeaux, thì có tới 70% trường hợp bị nhiễm biến thể Delta. Nhà nghiên cứu Florence Débarre, thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Khoa Học Quốc Gia của Pháp CNRS, được báo HuffPost trích dẫn, quả quyết « biến thể Ấn Độ với mức độ lây nhiễm cao hơn so với những gì quan sát được tới nay sẽ chiếm vị trí áp đảo trong số các bệnh nhân ». Điều mà Anh Quốc đang trải nghiệm.
Pháp không là một trường hợp cá biệt. Tại nhiều nước châu Âu, như là Đức hay Bồ Đào Nha, biến thể Ấn Độ của virus SARS-CoV-2 cũng đang trên « đà lây lan diện rộng ». Tại Anh Quốc, thủ tướng Boris Johnson hôm 14/06/2021 đã phải hoãn lại 1 tháng thời hạn dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp chống dịch. Vì tình hình dịch bệnh có khuynh hướng xấu đi, số ca lây nhiễm tăng trở lại, cho dù chính quyền đã đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng. Đáng quan ngại hơn nữa là 90 % số bệnh nhân tại Anh nhiễm biến thể Ấn Độ/Delta.
Điều gây lo ngại là biến thể Delta có tốc độ truyền nhiễm cao hơn đến từ 40 đến 60 % so với biến thể Alpha được phát hiện lần đầu tại Anh, mà bản thân Alpha thì cũng đã tai hại hơn so với virus corona ban đầu khi vừa xuất phát tại Vũ Hán, Trung Quốc.
Câu hỏi đặt ra là kịch bản nào chờ đợi nước Pháp nói riêng và Liên Hiệp Châu Âu nói chung một khi biến thể Delta lây lan mạnh ? Nếu theo kinh nghiệm của nước Anh, hậu quả rõ rệt nhất trước mắt là số bệnh nhân Covid-19 tăng lên trở lại và sẽ lại đẩy giới y tá, bác sĩ vào một chu kỳ căng thẳng mới. Nguy cơ kèm theo là các bệnh viện lại bị đe dọa « quá tải ». Nhân viên y tế của các khoa khác lại được huy động để phục vụ bệnh nhân Covid-19.
Rủi ro thứ hai như đã thấy sau hơn một năm rưỡi châu Âu phải chống chỏi với nhiều « đợt dịch » đó là một phần các hoạt động kinh tế, các sinh hoạt trong xã hội lại bị « phong tỏa ». Các cửa hiệu nhỏ của tư nhân, hàng quán … lại phải đóng cửa sau vài tuần lễ hoạt động. Riêng với ngành du lịch, Covid-19 là một « tai họa » cướp đi 100 triệu việc làm trên thế giới theo thẩm định của Cơ Quan Du Lịch Quốc Tế, 75 % các dự án tham quan nước ngoài đã bị hủy bỏ. Pháp là một trong những địa điểm du lịch có sức thu hút nhất thế giới, tác động lại càng tai hại hơn. Chính vì thế mà Paris đã lên tuyến đầu, vận động để Liên Liên Hiệp Châu Âu mở cửa biên giới trở lại. Kịch bản đó chỉ có thể diễn ra nếu như biến thể Delta/Ấn Độ của virus corona chủng mới trong tầm kiểm soát của các giới chức y tế châu Âu.
Tuy nhiên nhà nghiên cứu Samuel Alizon giám đốc trung tâm nghiên cứu khoa học CNRS chuyên về các bệnh truyền nhiễm, không quá bi quan cho rằng, nếu như biến thể Delta có tỷ lệ lây nhiễm dưới 1, tức là 1 ca dương tính lây cho chưa đầy 1 người khác, thì tình trạng không đến nỗi đen tối lắm ». Vấn đề đặt ra là trước mắt bản thân virus corona và các biến thể từ virus SARS-CoV-2 vẫn còn « nhiều mảng tối » mà giới y khoa chưa giải mã được hết. Do vậy Florence Débarre cho rằng giải duy nhất vẫn là « tìm mọi cách để kiểm soát và ngăn chận dây chuyền lây nhiễm ».
Chìa khóa cho phép kiểm soát « dây chuyền » lây nhiễm đó là vac-xin. Cũng nhà khoa học Florence Débarre nhấn mạnh vac-xin với đủ hai liều « dường như đủ hiệu quả » để chống chỏi với biến thể Delta. Theo nhà khoa học này, vấn đề còn lại mà « cuộc chạy đua với thời gian » trên mặt trận tiêm chủng. Kiểm soát đà lây nhiễm của biến thể Delta và tiêm chủng là « hai mặt của cùng một đồng tiền » : càng kềm hãm được mức độ bùng phát của biến thể này lâu chừng nào, thì càng có thêm thời gian để tiêm chủng cho đại chúng chừng nấy, và càng đẩy mạnh tốc độ tiêm chủng chừng nào thì các điều kiện lây lan càng trở nên khó khăn phức tạp hơn với mọi biến chủng của SARS-CoV-2 ».
Nhà dịch tễ học có uy tín của Anh, Meaghan Kall, đại học UCL Luân Đôn nhắc lại chỉ cần 1 liều vac-xin đủ sức giảm thiểu nguy cơ nhiễm biến thể Delta đến 30 % và nếu được chích đủ hai liều thì tỷ lệ đó nhảy vọt lên đến 80 %. Rủi ro có thể giảm tới 90% đối với một người dương tính với virus corona bị biến chứng nặng và phải nhập viện, nếu người bệnh đã được chích đẩy đủ hai liều vac-xin. Sau cùng nhà khoa học Pháp, Florence Débarre kết luận : hơn bao giờ hết, chích ngừa là giải pháp vừa cho phép ngăn chận một làn sóng dịch mới biến thể Ấn Độ mang lại, đồng thời đó cũng là ngõ thoát hiểm giải cứu châu Âu thoát khỏi những « tác động tai hại » cả về mặt y tế lẫn xã hội và kinh tế. Tuy nhiên bà không mấy lạc quan cho rằng, virus corona sớm thuộc về quá khứ. Vì nhìn rộng ra thế giới, Israel là hai nơi đã có đến 60 % dân số được tiêm chủng nggừa Covid-19, tức cao hơn nhiều so với châu Âu, vậy mà Israel vẫn chưa thoát khỏi cơn ác mộng mang tên SARS-CoV-2.
Pháp nói riêng, châu Âu nói chung, khó có thể tự tin để mạnh dạn tháo gỡ nốt những biện pháp phong tỏa. Trên nguyên tắc kể từ tuần tới các rạp hát, sân vận động hay nhà hàng, quán ba sẽ lại được đón nhận khối lượng khách như bình thường ở ngoại trời hay tối đa là 75 % trong các phòng kín. Tây Ban Nha thì chuẩn bị quên đi những chiếc khẩu trang y tế. Không chắc biến thể Delta/Ấn Độ sớm cho phép châu Âu nghĩ rằng dịch Covid-19 đã bước vào hồi kết.
—