Vũ Dương
So sánh giữa bà Thái và ông Tập, một người là Tổng thống Đài Loan,một người là Tổng Bí Thư Trung Quốc, nhưng hai người lại hoàn toàn khác nhau, theo bài bình luận trên trang Vision Times.
Diễn đàn An ninh Quốc tế Halifax, có trụ sở tại Hoa Kỳ tối ngày 3 tháng 5 thông báo, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đã được trao “Giải thưởng John McCain về Lãnh đạo trong Dịch vụ công” năm 2020. Sau đó một ngày “Báo cáo Khảo sát Tự do Toàn cầu năm 2021” do Freedom House, một tổ chức phi chính phủ của Mỹ nghiên cứu và vận động về dân chủ, tự do chính trị và nhân quyền đã xếp Trung Quốc trong nhóm áp chót, giới quan sát cho rằng đây là một giải thưởng cho ông Tập Cận Bình, mặc dù nó chẳng vui vẻ gì.
Về phần bà Thái: Giải thưởng John McCain về Lãnh đạo trong Dịch vụ công được đặt theo tên cố Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ John McCain, được thành lập vào năm 2018. Các giải thưởng năm 2018 và 2019 được trao cho người dân Lesvos ở Hy Lạp, những người đã hỗ trợ những người tị nạn ở Trung Đông và những người biểu tình Hồng Kông đấu tranh cho quyền tự do dân chủ. Giải thưởng John McCain về Lãnh đạo trong Dịch vụ công năm 2020 lần đầu tiên được trao cho một cá nhân.
Trong một đoạn phim ngắn hôm 3 tháng 5, Diễn đàn Halifax mô tả bà Thái là “nữ chính trị gia quyền lực nhất của thế giới Hoa ngữ”, bà đã giúp Đài Loan dân chủ chống lại áp bức quân sự của Bắc Kinh và thoát khỏi vòng vây cô lập của quốc tế. Đoạn video cũng bày tỏ sự tôn vinh về việc bà đã dẫn dắt Đài Loan thành công trong việc ngăn chặn đại dịch viêm phổi Vũ Hán.
Về phần ông Tập: Vào ngày 4/5, “Báo cáo Khảo sát Tự do Toàn cầu năm 2021” do Freedom House công bố cho thấy Đài Loan vẫn tiếp tục xếp hạng là một quốc gia tự do với 94 điểm, chỉ đứng sau Nhật Bản. Trong khi đó Trung Quốc, lần này chỉ được 9 điểm, là một trong những quốc gia đứng hàng chót thế giới, trong số đó “quyền lợi chính trị” chỉ được cho “-2” điểm. (âm 2 điểm).
Freedom House chỉ ra rằng đại dịch virus viêm phổi Vũ Hán bùng phát vào đầu năm ngoái đã cung cấp đủ lý do để chính phủ Trung Quốc đẩy nhanh việc theo dõi, giám sát và kiểm soát hành vi của công dân thông qua các ứng dụng di động. Báo cáo viết: “Trong 1 năm qua, chính phủ Trung Quốc đã đẩy mạnh nhiều vụ trấn áp quy mô lớn nhằm đảm bảo cái gọi là ‘ổn định xã hội’ ở các vùng dân tộc thiểu số như Tân Cương, Tây Tạng và Nội Mông”.
Theo báo cáo khảo sát toàn cầu hàng năm do Ủy ban Bảo vệ Nhà báo công bố, tính đến ngày 1/12/2020, ít nhất 274 nhà báo trên khắp thế giới đã bị bỏ tù vì thực thi công tác, phá vỡ kỷ lục năm 2016 là 272 người. Trung Quốc đã bắt giữ một số nhà báo vì đưa tin về dịch bệnh, và trở thành quốc gia có số lượng nhà báo vào tù nhiều nhất trên thế giới năm thứ 2 liên tiếp.
Kể từ khi đại dịch virus CSTQ bùng phát vào năm ngoái, một số nhà báo Trung Quốc, bao gồm Phương Bân, Trần Thu Thực, Lý Trạch Hoa và Trương Triển, những người đã đến vùng dịch để điều tra và phơi bày sự thật của dịch bệnh đã bị mất tích hoặc bị bỏ tù.
Giới quan sát cho rằng ông Tập Cận Bình cùng ngày cũng giành được một giải thưởng quốc tế, đó là nhà lãnh đạo quốc gia có mức độ tự do thấp nhất thế giới và đàn áp nhà báo tồi tệ nhất thế giới. Đây rõ ràng không phải là giải thưởng lớn khiến ông cảm thấy thoải mái, nhưng đây lại là sự thật không thể chối bỏ được.
So sánh giữa bà Thái và ông Tập, một người là Tổng thống Đài Loan,một người là Tổng Bí Thư Trung Quốc, nhưng hai người lại hoàn toàn khác nhau.
Đầu tiên, bà Thái là Tổng thống được người dân bầu chọn, trong khi ông Tập là người đứng đầu nhờ chiến thắng trong cuộc đấu đá thanh trừng nội bộ của ĐCSTQ.
Thứ hai, trình độ học vấn hoàn toàn khác nhau. Bà Thái từng theo học tại Đại học Cornell ở Hoa Kỳ, Cambridge ở Vương quốc Anh và Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London. Bà Thái đã lấy được bằng tiến sĩ luật và có thể nói lưu loát tiếng Anh, đồng thời thông thạo luật pháp quốc tế, bà cũng đã từng là nhà đàm phán của WTO tại Đài Loan. Còn ông Tập thì là tiến sĩ luật của Đại học Thanh Hoa, có điều bản thân ông chưa từng tham gia lớp học luật một ngày nào, luận án của ông cũng do thư ký viết. Ông càng không nói được tiếng Anh, và cũng không biết nhiều chữ Hán.
Thứ ba, giá trị quan hoàn toàn khác nhau. Bà Thái đề cao các giá trị phổ quát và coi tự do và dân chủ là con đường sinh tồn của Đài Loan. Còn ông Tập lại tôn thờ tư tưởng chủ nghĩa toàn trị của Mao Trạch Đông, phản đối các giá trị phổ quát, coi dối trá và bạo lực là bảo vật sinh tồn của ĐCSTQ.
Thứ tư, quan niệm chấp chính hoàn toàn khác nhau. Bà Thái nắm quyền là vì người dân, bà là người khiêm tốn, làm những việc thiết thực và nói những lời chân thật. Trong khi ông Tập nắm quyền là vì đảng, ông là người tràn đầy tham vọng và muốn nắm giữ con đường phát triển nhân loại.
Thứ năm, tính cách hoàn toàn trái ngược nhau. Bà Thái trong nhu có cương, quả cảm quyết đoán. Đứng trước sức ép hùng hổ đe dọa thống nhất Đài Loan bằng vũ lực của ĐCSTQ, bà luôn đứng vững không bao giờ chùn bước. Còn ông Tập có tính tình hung bạo ngang ngược đúng với phương châm “kẻ nào thuận ta thì sống, nghịch ta thì chết”.
Thứ sáu, thành tích chính trị hoàn toàn khác nhau. Bà Thái đã bước sang nhiệm kỳ thứ 2. Phát triển kinh tế và kiểm soát dịch bệnh đều làm được rất tốt, ngay khi chịu sự chèn ép toàn diện của ĐCSTQ, thì bạn bè của bà Thái có mặt ở khắp năm châu. Bản thân ông Tập cũng đang trong nhiệm kỳ thứ 2, kinh tế đình trệ, ông ta đã áp dụng các biện pháp man rợ là phong tỏa toàn diện thành phố để kiểm soát dịch bệnh, dưới việc thúc đẩy mạnh ngoại giao sói chiến khiến ĐCSTQ bạn bè ngày một ít đi, trong khi ngày càng có nhiều kẻ thù.
Thứ bảy, kết cục khác nhau. Sau khi bà Thái hoàn thành nhiệm kỳ thứ 2 sẽ trả lại quyền lực cho người dân và trở về với cuộc sống thường nhật như bao người dân khác. Còn ông Tập lại nuôi tham vọng nắm quyền suốt đời. Đại hội ĐCSTQ lần thứ 20 nhất định sẽ là một cuộc chiến sinh tử.
Ông Tập từng tuyên bố rằng thời và thế của thế giới đều đứng về phía ông ấy, nhưng trên thực tế, Đài Loan đang được giúp đỡ nhiều hơn, trong khi Trung Quốc đang mất dần vị thế trên trường quốc tế, một số nhà quan sát nhận định rằng thời và thế đã đứng về phía Đài Loan.
Tổng kết: Tổng thống Thái Anh Văn đã nhận được “Giải thưởng John McCain về Lãnh đạo trong Dịch vụ công” và đây là điều đáng vui đáng mừng vì danh hiệu đã được trao đúng người đúng chỗ. Việc ông Tập Cận Bình nhận được vương miện người lãnh đạo đất nước có mức độ tự do thấp nhất thế giới và đàn áp nhà báo nghiêm trọng nhất thế giới cũng không oan uổng, những kẻ độc tài thường sẽ lo sợ những tiếng nói chân chính.
Ông Quách Ngọc Thiểm (Guo Yushan), một học giả về nhân quyền, đã chỉ ra rằng: Trung Quốc sẽ không bao giờ có thể quay đầu lại. Trong quá trình hội nhập không ngừng vào toàn cầu hóa, Trung Quốc đã trở thành một phần của thế giới; và ngày nay thuận theo thông tin lưu chuyển mạnh mẽ, công nghệ thông tin ra đời không ngừng, thì ý thức công dân cũng ngày càng được củng cố. Phương thức thống trị độc tài dựa vào việc phong tỏa thông tin, dựa vào nỗi sợ hãi để kiểm soát xã hội, và dựa vào lòng yêu nước theo chủ nghĩa dân túy để dẫn động nhân tâm, phương thức thống trị độc tài này dù nó có ngoan cố đến đâu thì con đường ấy càng đi càng lụi tàn. Không còn nghi ngờ gì nữa, tiến tới xã hội dân chủ và hướng đến tự do, đây là con đường mà người dân Trung Quốc đang hướng đến, cũng giống như câu trong bài hát “Hoa sen xanh”, rằng: “Không gì có thể ngăn cản nỗi niềm khao khát tự do trong mỗi chúng ta”.