Cuộc khủng hoảng ngân hàng gần đây ở Mỹ và Châu Âu đã mang lại cho Tổng thống Nga Vladimir Putin một phương tiện để củng cố thông điệp của ông về cuộc chiến ở Ukraine trong khi các ngân hàng Nga vẫn tương đối cách ly khỏi những rủi ro tiềm ẩn.
Niềm tin vào hệ thống ngân hàng Mỹ đã giảm sút nhanh chóng trong tuần qua sau vụ sụp đổ của ngân hàng lớn thứ hai và thứ ba trong lịch sử Hoa Kỳ là SVB và Ngân hàng Signature. Trong khi đó, Ngân hàng quốc gia Thụy Sĩ đã phải giải cứu Ngân hàng Credit Suisse khỏi tình trạng vỡ nợ.
Các nhà kinh tế cảnh báo rằng sự sụp đổ của một ngân hàng quy mô như Credit Suisse có thể gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế trên toàn cầu, bao gồm cả việc ảnh hưởng đến dầu mỏ của Nga. Tuy nhiên, họ cho rằng trong khi người dân ở các nước phương Tây đang hoảng sợ thì ông Putin đã có được cơ hội.
Kể từ khi ra lệnh xâm lược Ukraine vào năm ngoái, ông Putin đã cáo buộc phương Tây là một “cường quốc đang lụi tàn”, đồng thời thắt chặt mối quan hệ với các quốc gia ở phương Đông như Trung Quốc và Iran. Đó là một thông điệp mà ông chủ Điện Kremlin sử dụng để xoa dịu nỗi sợ hãi của Nga về số lượng lệnh trừng phạt ngày càng tăng do phương Tây áp đặt cũng như những nỗ lực của phương Tây nhằm cô lập Nga về mặt tài chính.
Ngân hàng trung ương Thụy Sĩ đã tung ra một chiếc “phao cứu sinh” thanh khoản cho Credit Suisse vào hôm 16/3 để ngăn chặn sự sụp đổ của ngân hàng này. Theo ông Gary Clyde Hufbauer, cựu quan chức thương mại Mỹ, hiện là chuyên gia nghiên cứu tại Viện Peterson về kinh tế quốc tế, cho hay, ngay cả khi Credit Suisse sụp đổ và gây ra khủng hoảng kinh tế châu Âu, thì nó “cũng chỉ tác động rất nhỏ đến các ngân hàng Nga hoặc hệ thống tài chính Nga”.
Ông lập luận rằng các ngân hàng của Nga hiện “được cách ly tốt với phương Tây” sau một năm bị cấm vận và cô lập kinh tế.
Hồi tháng 6/2022, Tổng thống Nga đã chỉ trích Mỹ và các đồng minh của họ vì sống trong quá khứ “ảo tưởng” rằng mọi quốc gia khác đều là “hạng hai”. Ông gọi các biện pháp trừng phạt Nga là “điên rồ” và “liều lĩnh”.
Trong bài phát biểu đánh dấu kỷ niệm một năm chiến sự hồi tháng trước, ông Putin đã cáo buộc phương Tây đang cố gắng “đánh lạc hướng” công chúng khỏi tình trạng tham nhũng trong nước bằng cách tập hợp ủng hộ chủ quyền Ukraine. Đồng thời, ông Putin trực tiếp đổ lỗi cho “phương Tây, giới tinh hoa và chính phủ Ukraine” đã châm ngòi cuộc xung đột.
Mặc dù Nga có thể hưởng lợi từ việc bị tách khỏi các ngân hàng châu Âu, nhưng ông Nouriel Roubini, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Công ty tư vấn kinh tế vĩ mô toàn cầu Roubini Macro Associates, có trụ sở ở New York, cho biết, nói với tờ Newsweek rằng nước này đã trải qua sự suy giảm kinh tế đáng kể do cuộc xung đột và tác động ban đầu của các biện pháp trừng phạt.
Là một trong ba nhà sản xuất dầu thô hàng đầu thế giới, Nga có lịch sử thống trị về nhập khẩu dầu.
Khi Mỹ và Liên minh châu Âu trừng phạt dầu mỏ của Nga, giá toàn cầu đã tăng vọt hơn 120 USD/thùng trong bối cảnh lo ngại về sự thiếu hụt nguồn cung. Nếu một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn diện và thảm khốc nổ ra, cả ông Roubini và ông Hufbauer đều đồng ý rằng sự việc này sẽ dẫn đến một đợt giảm giá dầu và khí đốt nghiêm trọng khác, gây tổn hại thêm cho nền kinh tế Nga.
Tổng thống Vladimir Putin đã tuyên bố GDP của Nga chỉ giảm 2% vào năm 2022, nhưng các nhà phân tích cảnh báo rằng Điện Kremlin đã sử dụng số liệu thống kê như một phần của “cuộc chiến thông tin”.
Ông Agathe Demarais, Giám đốc văn phòng dự báo của Economist Intelligence Unit – trực thuộc tuần báo kinh tế Anh, cho biết: “Nga đã sử dụng các báo cáo kinh tế có chọn lọc và cẩn thận. Họ trình bày các báo cáo này như thể đó là sự thật và quên đề cập rằng chúng nằm ngoài sự đồng thuận của các chuyên gia. Moscow cũng trì hoãn việc công bố số liệu thống kê không phù hợp với truyền thông của mình”.
Bất chấp những hứa hẹn về một chiến thắng thần tốc và dễ dàng, Moscow đã phải vật lộn để đạt được những lợi ích đáng kể ở Ukraine, bao gồm cả việc không chiếm được Kyiv, và buộc phải huy động 300.000 quân nhân Nga tham gia nỗ lực chiến tranh. Hiện tại, Ukraine hiện đang dồn mọi nguồn lực để bảo vệ thành trì Bakhmut với hy vọng tái chiếm khu vực trọng yếu này vào mùa xuân. Tuy nhiên, các nhà chức trách phương Tây đã bày tỏ lo ngại về kịch bản này.
Ông Kimmage cũng nhấn mạnh rằng những hình ảnh về sự thống khổ ở Ukraine đã có tác động tiêu cực đến Nga, song cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu có thể sẽ đánh lạc hướng sự chú ý của quốc tế.
“Sự chú ý sẽ tập trung vào nơi khác. Điều này hoàn toàn hữu ích đối với Nga”, ông nói.
Với lo ngại đạn dược có thể cạn kiệt, rõ ràng Ukraine sẽ tiếp tục yêu cầu sự hỗ trợ từ những người bạn của mình. Tuy nhiên, nếu người châu Âu ngày càng quan tâm hơn đến ngân sách của chính họ, thì có thể có sự thay đổi trong quan điểm của công chúng về việc viện trợ Ukraine. Điều này sẽ cho phép ông Putin giành được lợi thế trên chiến trường.
“Sự bất ổn tài chính sẽ làm suy yếu kinh tế châu Âu và điều đó sẽ khiến việc tiếp tục gánh vác nỗ lực hỗ trợ Ukraine trở nên khó khăn hơn”, ông Alessandro Rebucci, phó Giáo sư tài chính quốc tế tại Đại học Johns Hopkins, nói với tờ Newsweek.
Bất chấp những áp lực nêu trên, cả ông Kimmage và ông Rebucci đều cho rằng khó có khả năng các cường quốc phương Tây sẽ từ bỏ sự ủng hộ của họ đối với Ukraine, bởi lập trường của họ về cuộc chiến không bị chi phối bởi các yếu tố kinh tế mà là do những cân nhắc chính trị.
“Tôi không thể tưởng tượng rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden hoặc bất kỳ nhà lãnh đạo Tây Âu nào lại thay đổi tính toán của họ về cuộc chiến dựa trên một loạt vụ đổ vỡ ngân hàng, tất nhiên là rất nghiêm trọng, nhưng vẫn mang tính cục bộ vào thời điểm này”, chuyên gia Kimmage nói.
Huyền Anh tổng hợp