Bảo Nguyên
Việc đại biểu khu vực tư nhân giảm một nửa sau 10 năm thể hiện xu hướng hướng tới nền kinh tế kế hoạch của Trung Quốc, với cái tên mới là nền kinh tế của người dân. Điều này thống nhất với chiến lược đề cao vòng tuần hoàn nội địa và thịnh vượng chung.
Tại Đại hội 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vừa mới kết thúc, số lượng đại diện của nhóm các doanh nhân tư nhân đã giảm gần một nửa so với con số vốn đã ít ỏi 10 năm trước – dấu hiệu mới nhất cho thấy hệ thống kinh tế Trung Quốc đang quay trở lại hướng tới nền kinh tế kế hoạch phiên bản 2.0, một mô hình hiện đại giống với mô hình thời Mao.
Trong số 2.296 đại biểu tại Đại hội 20, chỉ có 18 đại biểu là doanh nhân tư nhân, so với 27 đại biểu tại Đại hội 19 năm 2017 và 34 đại biểu tại Đại hội 18 năm 2012.
Trong một thập kỷ, số lượng doanh nhân tư nhân đại diện tại đại hội đảng đã giảm gần một nửa, cho thấy thực tế là thái độ của ĐCSTQ đối với các chủ doanh nghiệp tư nhân đang ngày càng trở nên xa lánh và thiếu tin tưởng.
ĐCSTQ trong những năm gần đây đã gia tăng việc đàn áp kinh tế tư nhân, dẫn đến một môi trường kinh doanh xấu đi.
Vào những năm 1980, chính phủ của cựu lãnh đạo ĐCSTQ Đặng Tiểu Bình đã chia tay với mô hình kinh tế kế hoạch hóa nhà nước của người tiền nhiệm Mao Trạch Đông và thực hiện chính sách “cải cách và mở cửa”, cho phép khu vực tư nhân, vốn đã bị đàn áp kể từ khi ĐCSTQ nắm quyền vào năm 1949, phát triển trở lại, và các nhà tư bản và chủ sở hữu tài sản tư nhân có thể tham gia vào đảng và thậm chí tham gia vào các đại hội đảng toàn quốc.
Tuy nhiên, giờ đây, các chính sách của ĐCSTQ dưới thời nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình một lần nữa quay trở lại mô hình quản lý kinh tế chính trị tập trung cao độ từ thời Mao.
Nền kinh tế kế hoạch phiên bản 2.0
Vào cuối tháng 9, một loại “nền kinh tế của người dân”, là cách nói uyển ngữ của ĐCSTQ để mô tả một nền kinh tế kế hoạch, đã xuất hiện trước công chúng. Người đề xuất nó là Giáo sư Wen Tiejun của Đại học Renmin Trung Quốc (Đại học Nhân dân Trung Quốc) do ĐCSTQ hậu thuẫn, người đã tuyên bố rằng “sự thay thế nền kinh tế thị trường bằng nền kinh tế của người dân là xu hướng toàn cầu” và việc củng cố các doanh nghiệp nhà nước có thể giúp đạt được “sở hữu chung”.
“Sở hữu chung” có nghĩa là tất cả các nguồn lực của quốc gia được độc quyền và khai thác dưới bàn tay của đảng cầm quyền.
“Đây là nền kinh tế kế hoạch của Trung Quốc phiên bản 2.0, một phiên bản cải tiến và nâng cấp của nền kinh tế kế hoạch”, ông Tạ Điền, giáo sư về kinh doanh và tiếp thị tại Đại học Nam Carolina, Aiken, nói với The Epoch Times.
Trên thực tế, trước đó vào tháng 3, Hội đồng Nhà nước đã nhấn mạnh sự cần thiết phải đẩy nhanh việc xây dựng “một thị trường quốc gia thống nhất” và nâng nhiệm vụ này lên “tầm chiến lược”, giải thích rằng một thị trường như vậy là “sự hỗ trợ cơ bản và là yêu cầu nội tại để hình thành một mô hình mới”.
Cái gọi là “mô hình mới” có thể là chỉ một nền kinh tế kế hoạch hóa sắp xuất hiện và mô hình độc quyền nhà nước.
Các dấu hiệu cho thấy lãnh đạo ĐCSTQ dự định triển khai lại một mô hình kinh tế kế hoạch có thể được nhận thấy từ tháng 05/2020, khi các nhà hoạch định chính sách của ĐCSTQ chỉ ra rằng tăng trưởng trong tương lai của Trung Quốc có thể chủ yếu dựa vào “vòng tuần hòa nội địa” trong một hệ thống vòng tuần hoàn kép của cả thị trường trong nước và quốc tế. Kế hoạch kể từ đó đã được trích dẫn trong nhiều dịp khác nhau.
Trong báo cáo của Đại hội Đảng lần thứ 20, ông Tập nhắc lại việc tăng cường vòng tuần hoàn trong nước như một phần của kế hoạch kinh tế trong 5 năm tới.
Các động thái này làm dấy lên lo ngại rằng chế độ ĐCSTQ có thể quay trở lại đường lối cũ của nền kinh tế kế hoạch, với vòng tuần hoàn trong nước được mô tả là có các đặc điểm như “đóng cửa” và “tự cung tự cấp”.
Thịnh vượng chung
Vào tháng 08/2021, ĐCSTQ đề xuất cái gọi là “thịnh vượng chung” và “ba phân phối”. Các quan chức cho rằng xã hội Trung Quốc hiện đã bước vào một “giai đoạn mới của sự thịnh vượng chung”, và các doanh nghiệp lớn và những người có thu nhập cao nên góp phần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và thúc đẩy phân phối lại của cải xã hội.
ĐCSTQ đang cố gắng phân phối lại của cải mà các doanh nghiệp tư nhân lớn ở Trung Quốc tích lũy được trong những năm “mở cửa” bằng cách thúc đẩy “thịnh vượng chung”.
Do đó, khu vực tư nhân có thể sẽ phải đối mặt với thêm nhiều chỉ thị hơn nữa từ ban lãnh đạo mới của ĐCSTQ. Trong những năm qua, Bắc Kinh đã ban hành rất nhiều hạn chế đối với các công ty tư nhân công nghệ cao, nhà phát triển bất động sản tư nhân và ngành công nghiệp dạy thêm sau giờ học, ngăn cản họ niêm yết trên thị trường chúng khoán nhằm có được sức mạnh thông qua đầu tư.
Bảo Nguyên
Theo Justin Zhang & Lynn Xu – The Epoch Times