Người ta vẫn biết rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) điều hành một đế chế truyền thông được kiểm soát chặt chẽ và được lên kế hoạch tỉ mỉ. Đế chế này hoạt động rộng khắp, tiếp cận hầu hết mọi nơi trên thế giới, tác động đến hầu hết mọi câu chuyện và định hướng tâm trí quần chúng.
Những năm gần đây, ĐCSTQ vẫn luôn kiên trì hoạt động để đạt được kiểm soát tuyệt đối đối với cách kể những câu chuyện trên toàn cầu. Một số quốc gia đặc biệt đáp ứng các yêu cầu từ ĐCSTQ. Bản báo cáo mới được xuất bản của Freedom House đã tiết lộ tên những quốc gia mà sự can thiệp của Trung Quốc vào truyền thông là đặc biệt mạnh mẽ. Hoa Kỳ là một trong số đó.
Báo cáo có tiêu đề: “Ảnh hưởng truyền thông toàn cầu của Bắc Kinh: Sự mở rộng của độc tài và sức mạnh kiên cường của dân chủ”. Theo báo cáo, những nỗ lực gây ảnh hưởng trên truyền thông của ĐCSTQ được đánh giá ở mức “cao” hoặc “rất cao” tại 16 trong số 30 quốc gia được phân tích. Không có gì ngạc nhiên khi Đài Loan, Mỹ (đối thủ lớn nhất của Trung Quốc) và Vương quốc Anh (quốc gia có quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc) chịu tác động sâu rộng nhất. Những nước khác cũng được đánh giá là bị can thiệp ở mức độ mạnh mẽ bao gồm Argentina, Ý, Kenya, Philippines và Tây Ban Nha. Như đã thấy rõ, các hoạt động gây ảnh hưởng của ĐCSTQ đã phủ sóng toàn cầu.
Báo cáo tiết lộ Nigeria đặc biệt dễ chịu ảnh hưởng bởi truyền thông của ĐCSTQ do nước này thiếu tự do báo chí và bị điều hành bởi chính quyền độc tài. Chính phủ Nigeria coi “Trung Quốc là hình mẫu cho đàn áp tự do ngôn luận ở trong nước”. Hơn nữa, chính phủ Nigeria đã (và có lẽ vẫn đang) “sử dụng công nghệ do các công ty có trụ sở tại Trung Quốc vận hành cho mục đích này”. Các quan chức Nigeria dễ dàng bắt chước Trung Quốc vì dư luận nước này coi Trung Quốc là một mẫu mực về kinh tế. Trên thực tế, mô hình kinh tế của Trung Quốc là điều mà nhiều người dân Nigeria nghĩ rằng đất nước của họ nên tìm cách noi theo.
Tại Anh, sự can thiệp từ Trung Quốc được đánh giá ở mức “rất cao”. Như báo cáo đã lưu ý, nội dung trả phí của Huawei – gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc có quan hệ chặt chẽ với ĐCSTQ – thường xuyên xuất hiện trên tờ The Economist. Financial Times, một tờ báo uy tín khác của Anh, phát kèm “China Watch” [ấn phẩm tuyên truyền của ĐCSTQ]. Điều thú vị là Daily Mail và General Trust (DMGT) — công ty truyền thông đa quốc gia xuất bản Daily Mail, Mail on Sunday, Metro, MailOnline và New Scientist — là thành viên lâu năm của Mạng tin tức Vành đai và Con đường (BRNN). Có trụ sở chính tại Bắc Kinh và được dẫn dắt bởi Nhân dân Nhật báo (People’s Daily) – cơ quan ngôn luận hàng đầu của ĐCSTQ – BRNN được thành lập để truyền bá nội dung có lợi về Trung Quốc và Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI). Như báo cáo của Freedom House đã nêu rõ, Nhân dân Nhật báo ‘tình cờ’ có văn phòng tại Vương quốc Anh. Các cơ quan ngôn luận khác có liên quan đến ĐCSTQ – bao gồm China Daily, Mạng lưới Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc (China Global Television Network) và Tân Hoa xã (Xinhua) – cũng có văn phòng trên khắp nước Anh.
Tương tự, ở Mỹ, ảnh hưởng của Trung Quốc trong lĩnh vực truyền thông được đánh giá ở mức “rất cao”. Trong nhiều năm, Trung Quốc đã tác động đến nhiều nền tảng truyền thông xã hội khác nhau và đánh cắp các bí mật tình báo của Mỹ.
Trong những năm qua, các phương pháp được triển khai bởi các tác nhân được ĐCSTQ hậu thuẫn đã phát triển với tốc độ chóng mặt. Bắc Kinh đã bơm nhiều khoản tiền lớn bất thường vào các chiến dịch truyền bá thông tin sai lệch đầy tinh vi; họ cũng thuê nhiều người có ảnh hưởng trên mạng xã hội làm việc cho họ. Họ đồng thời thực hiện nhiều cuộc tấn công mạng vào các hãng thông tấn lớn.
Theo báo cáo của Freedom House, việc Bắc Kinh bắt nạt và hăm dọa các nhà báo thông qua Internet cũng “xảy ra với tần suất lớn hơn”, khi các phương tiện truyền thông được ĐCSTQ hậu thuẫn “phải tranh đấu để giành giật khán giả dòng chính ở Mỹ và khi dư luận đối với Bắc Kinh ngày càng trở nên tiêu cực hơn”.
Các tác giả của báo cáo đã tìm ra một số hãng thông tấn có tên tuổi phát kèm các ấn phẩm mà các cơ quan truyền thông có liên kết trực tiếp với ĐCSTQ đã trả tiền để được phát. Những hãng thông tấn đó bao gồm Los Angeles Times, USA Today, CNN và phần nào đáng ngạc nhiên là Foreign Policy. New York Times và Washington Post, hai hãng thông tấn lớn của Mỹ, trong quá khứ đã từng phát kèm các phụ trang trả phí của Trung Quốc.
Báo cáo cũng thảo luận về cách Huawei “tài trợ cho các chuyến đi của các phóng viên đến Trung Quốc”, mặc dù từ lâu nhiều Thượng Nghị sĩ Mỹ đã cảnh báo về những mối nguy hiểm do công ty công nghệ đa quốc gia này gây ra.
Cuối cùng, báo cáo liệt kê những nguy hiểm đến từ các công ty truyền thông xã hội có trụ sở tại Trung Quốc như WeChat (của Tencent) và TikTok (của ByteDance) – hai ứng dụng được ĐCSTQ hậu thuẫn và đang thu hút hàng chục triệu người dùng Mỹ. Gần 25% dân số Mỹ hiện sử dụng TikTok. TikTok đã trở thành công cụ giám sát và bộ máy truyền bá thông tin sai lệch cho Bắc Kinh.
Từ Lagos đến Los Angeles, “Bắc Kinh đang nỗ lực gấp bội để kiểm soát cách mà họ được miêu tả trên truyền thông thế giới và để định hình các phương tiện truyền thông nước ngoài theo ý họ”, ông Michael J. Abramowitz – Chủ tịch Freedom House – cho biết. Tuy nhiên, như báo cáo đã nêu rõ, một số quốc gia, bao gồm Colombia và Israel, đang chống lại sự can thiệp từ Trung Quốc, kiên quyết từ chối tuân theo các yêu cầu của ĐCSTQ. Điều khiến người ta bối rối là Mỹ – được cho là quốc gia hùng mạnh nhất thế giới – lại không phải là một trong số đó. Có vẻ như Mỹ đang thất bại trong việc ngăn cản ĐCSTQ định hình những câu chuyện mà đang được rất nhiều người Mỹ ‘hấp thụ’.
Xuân Hoa