Thanh Hải
Hôm 5/10, Tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga xác nhận họ sẽ nối lại xuất khẩu khí đốt sang Ý, đi qua Áo sau khi tạm ngừng cung cấp vào cuối tuần trước do những hạn chế về quy định vận chuyển.
Theo Gazprom, gã khổng lồ năng lượng của Nga, hãng này và các khách hàng ở Ý đã tìm ra giải pháp cho việc mua bán khí đốt, sau khi Áo điều chỉnh một số quy định liên quan đến quản lý thị trường khí đốt hồi cuối tháng 9.
Những quy định mới này là kết quả của các lệnh trừng phạt đối với Nga nhằm đáp trả cuộc xâm lược Ukraine.
“Nhà điều hành Áo đã sẵn sàng chấp thuận các phương án vận chuyển của Dịch vụ kinh doanh xuất khẩu Gazprom LLC, cho phép nối lại nguồn cung khí đốt từ Nga qua Áo”, Gazprom cho biết.
Trước đó, ngày 1/10, Gazprom, gã khổng lồ khí đốt do Nga điều hành, thông báo không thể tiếp tục cung cấp khí đốt cho Ý do “không thể vận chuyển qua Áo”. Nguyên nhân được cho là nhà điều hành của Ý từ chối xác nhận các phương án vận chuyển và khối lượng vận chuyển do Gazprom đề xuất.
Trong khi đó, Bộ Năng lượng Áo cho biết Gazprom đã không ký kết các hợp đồng cần thiết, trong khi cơ quan quản lý E-Control của nước này nói rằng các quy định mới đã được tất cả các bên tham gia thị trường biết đến “trong nhiều tháng”.
Phần lớn khí đốt của Nga đến Ý đi qua Ukraine thông qua đường ống dẫn khí ở Tarvisio, phía đông bắc nước Ý. Các quốc gia châu Âu khác nhận khí đốt của Nga thông qua Ukraine bao gồm Slovakia, Moldova, Romania và Cộng hòa Séc.
EU trước nguy cơ khủng hoảng năng lượng
Trước khi xảy ra chiến sự Nga – Ukraine, khí đốt nhập khẩu chiếm 95% lượng khí đốt tiêu thụ tại Ý, trong đó Nga nắm khoảng 45% thị phần. Theo tập đoàn Eni, khí đốt của Nga hiện chiếm khoảng 10% lượng nhập khẩu khí đốt của Ý, giảm so với mức khoảng 40% trước đó. Trong khi đó, thị phần từ Algeria và Bắc Âu tăng vọt trong bối cảnh chính phủ Ý đã ký kết các thỏa thuận mới để giảm sự phụ thuộc vào Nga.
Công ty năng lượng Ý Eni đã xác nhận và hoan nghênh tin tức về phương án giải quyết hôm 5/10, nói rằng “việc nối lại nguồn cung khí đốt rất khả thi nhờ phương án giải quyết của Eni và các bên liên quan, cũng như về những ràng buộc bắt nguồn từ luật mới do các cơ quan quản lý của Áo đưa ra”.
Giải pháp hôm 5/10 liên quan đến việc bán khí đốt từ Nga sang Áo chắc chắn sẽ mang lại tin vui đáng kể cho giá năng lượng châu Âu, vốn đã tăng vọt trong năm nay do các lệnh trừng phạt của Nga và nguồn cung hạn chế trước một mùa đông có khả năng lạnh hơn so với mọi năm.
Giá khí đốt giảm tới 4,7% vào hôm 5/10, sau tin tức về việc nối lại vận chuyển khí đốt được đưa ra. Trong khi đó, giá khí đốt ở châu Âu giảm xuống mức thấp nhất là 154,28 euro (153,33 USD)/megawatt giờ (MWh) và giảm 3% ở mức 158,35 euro vào lúc 10:33 theo giờ Vienna, tờ Bloomberg đưa tin.
Song song với đó, Thủ tướng Ý Mario Draghi cũng ký một loạt thỏa thuận mới với những nhà cung cấp khác và đẩy nhanh phát triển năng lượng tái tạo nhằm kỳ vọng giảm phụ thuộc vào khí đốt Nga.
Nord Stream 1 và 2 không còn hiện tượng rò rỉ
Nord Stream 1 và 2 gần đây trở thành tâm điểm trong căng thẳng địa chính trị khi châu Âu cho rằng, Nga cắt nguồn cung khí đốt để “vũ khí hóa” năng lượng, còn Moscow cáo buộc các lệnh trừng phạt phương Tây khiến họ không thể đảm bảo nguồn cung khí đốt.
Ngày 3/10, Gazprom thông báo không còn hiện tượng khí đốt rò rỉ qua các vết nứt trên hệ thống đường ống Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream) chạy dưới đáy biển Baltic.
Theo đó, Gazprom cho biết áp suất trong 3 đường ống dẫn khí có vết nứt đã ổn định và tập đoàn này đang nỗ lực phối hợp để giảm thiểu các hậu quả về môi trường do sự cố rò rỉ gây ra.
Trước đó, ngày 27/9, Cơ quan Hàng hải Thụy Điển cảnh báo về 2 vết rò rỉ trên tuyến đường ống Nord Stream 1, đoạn chạy qua các vùng đặc quyền kinh tế của Thụy Điển và Đan Mạch.
Cảnh báo được đưa ra ngay sau khi một vết rò rỉ trên tuyến đường ống Nord Stream 2, đoạn chạy qua vùng đặc quyền kinh tế của Đan Mạch, cũng được phát hiện. Cả 3 đoạn đường ống xảy ra sự cố đều không hoạt động nhưng đã được bơm khí đốt.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng Nga “cực kỳ quan ngại” về vụ rò rỉ, trong khi các quan chức Liên minh Châu Âu (EU) cho rằng đây là một hành động phá hoại.
Trong những tuần gần đây, Gazprom đã giảm lưu lượng khí đốt qua tuyến đường ống Nord Stream 1 tới Đức xuống chỉ còn 20% công suất sau nhiều tranh cãi liên quan đến các thiết bị vận hành đường ống này. Nord Stream 1 hiện là một trong những tuyến đường ống dẫn khí chủ chốt từ Nga sang EU còn hoạt động.
Thanh Hải