Nhiều Hoa Kiều đề nghị các chính phủ phương Tây điều tra hoặc áp chế tài đối với các ứng dụng của Trung Quốc, thậm chí chặn các ứng dụng của Trung Quốc như Ấn Độ đã làm.
Một số lượng lớn người dùng WeChat ở nước ngoài đã nhận được thông báo vào ngày 6 tháng 9, yêu cầu ủy quyền cho phép WeChat gửi thông tin cá nhân của người dùng trở lại máy chủ ở Trung Quốc.
Các học giả đã kêu gọi các nhà lập pháp phương Tây chặn WeChat với lập luận rằng mặc dù bề ngoài WeChat được chia thành phiên bản quốc tế và phiên bản nội địa, nhưng chỉ để ngụy biện cho các cáo buộc vi phạm pháp luật ở nước ngoài và nó chưa bao giờ ngừng hoạt động như một kẻ côn đồ trong việc kiểm duyệt lời nói của ĐCSTQ.
Đài Á Châu Tự Do (RFA) đưa tin rằng tài khoản có tên “Oai tiểu thư” (Wai xiaojie), một Youtuber sống ở Pháp cũng nhận được một phiên bản tiếng Pháp có nội dung tương tự. Cô bị sốc và bối rối khi nghĩ rằng tình hình cho thấy phiên bản quốc tế của WeChat không thể bảo vệ quyền riêng tư của người dùng, và cánh tay nối dài của ĐCSTQ vẫn sẽ không từ bỏ việc kiểm duyệt người dùng ở nước ngoài. Cô khuyên Hoa kiều từ bỏ WeChat.
Oai tiểu thư nói: “WeChat thực hiện một động thái như vậy, ‘lòng dạ Tư Mã Chiêu, người đi đường đều biết!’ (câu thành ngữ ý nói dã tâm soán vị của Tư Mã Chiêu đã hiển lộ rõ ràng). Có thể nói dân chủ và độc tài đã được phân biệt rõ ràng. Người Hoa ở nước ngoài đã trở nên rất phụ thuộc vào WeChat, nhưng nó có thực sự quan trọng như vậy không? Chúng ta hoàn toàn có thể từ bỏ WeChat, chúng ta không nên để chúng mê hoặc, thực ra WeChat thật sự không quan trọng như vậy”.
Ông Lưu Lực Bằng (Liu Lipeng), từng là nhân viên kiểm duyệt trên Sina Weibo, cho rằng WeChat trước đây được chia thành phiên bản trong nước và phiên bản nước ngoài, đó chỉ là một trò lừa bịp bề ngoài. Chức năng của hai phiên bản dưới hai nhãn hiệu này về cơ bản là giống nhau, WeChat hiện thông báo cho người dùng ở nước ngoài rằng “dữ liệu đang được gửi về trong nước”, chẳng qua là tự mình xé bỏ chiếc mặt nạ.
Ông Thụ Đằng Bưu (Teng Biao), một học giả luật học tại Hoa Kỳ và là một giáo sư tại Đại học Thành phố New York, nói rằng ĐCSTQ luôn sử dụng WeChat như một công cụ để kiểm soát xã hội và kiểm duyệt lời nói, và nó cũng là một công cụ để kiểm duyệt xuyên quốc gia.
Theo như ông được biết, Hoa kiều thường sử dụng WeChat để liên lạc với các thành viên trong gia đình ở Trung Quốc, và nội dung cuộc trò chuyện đã trở thành bằng chứng nhà cầm quyền đàn áp người dân trong nước. Ông Thụ Đằng Bưu đề nghị các chính phủ phương Tây điều tra hoặc áp chế tài đối với các ứng dụng của Trung Quốc, thậm chí chặn các ứng dụng của Trung Quốc như Ấn Độ đã làm.