Giám đốc nhân quyền sắp mãn nhiệm của Liên Hợp Quốc Michele Bachelet cho biết bà đang “rất cố gắng” để đưa ra một báo cáo về khu vực Tân Cương của Trung Quốc trước khi bà rời nhiệm sở vào tuần tới.
Bà Bachelet xác nhận rằng bà đã nhận được “ý kiến đóng góp đáng kể” từ Bắc Kinh về bản báo cáo được chờ đợi từ lâu, nhưng không thể đảm bảo nó sẽ được công bố trước khi nhiệm kỳ của bà kết thúc vào ngày 31/8.
“Chúng tôi đang làm việc về báo cáo này. Tôi thực sự đã dự định phát hành nó trước khi kết thúc nhiệm kỳ của mình và sẽ cố gắng,” bà nói tại Geneva hôm thứ Năm.
“Giờ đây, chúng tôi đã nhận được ý kiến đóng góp đáng kể từ chính phủ [Trung Quốc] mà chúng tôi sẽ cần phải xem xét cẩn thận, giống như mọi lần chúng tôi thực hiện với bất kỳ báo cáo nào với bất kỳ quốc gia nào.”
Báo cáo của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc về Tân Cương đã được tiến hành trong nhiều tháng, nhưng việc công bố liên tục bị trì hoãn bất chấp sức ép dữ dội từ các nhà hoạt động nhân quyền Duy Ngô Nhĩ, Hoa Kỳ và các chính phủ châu Âu.
Trung Quốc đã bị cáo buộc giam giữ lên đến một triệu người Duy Ngô Nhĩ và những người thiểu số, chủ yếu là người Hồi giáo khác, trong các trại cải tạo và lao động cưỡng bức. Trung Quốc đã bác bỏ mạnh mẽ các cáo buộc, nói rằng các chính sách của họ trong khu vực được thiết kế để chống lại chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan.
“Sau chuyến thăm của tôi đến Trung Quốc, báo cáo tiếp tục được xem xét và hoàn thiện bởi vì chúng tôi cũng cần nhìn lại những gì chúng tôi đã thấy ở Trung Quốc, nó phải được phản ánh trong báo cáo. Vì vậy, tôi có thể nói rằng tình huống là như vậy, chúng tôi đang cố gắng rất nhiều để thực hiện những gì tôi đã hứa,” bà Bachelet nói.
“Như tôi đã nói trước đây, các vấn đề đều nghiêm trọng. Trong cuộc họp với các quan chức trung ương và chính quyền khu vực ở Tân Cương, tôi đã nêu quan ngại về các vi phạm nhân quyền, bao gồm các báo cáo về việc giam giữ và đối xử tùy tiện trong các cơ sở giáo dục.”
“Và báo cáo xem xét một cách sâu sắc những điều này cùng những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng khác liên quan đến người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số khác,” bà nói.
Bà Bachelet, người đã đảm nhận công việc lãnh đạo cơ quan nhân quyền hàng đầu của Liên hợp quốc vào tháng 9 năm 2018, xác nhận rằng bà đã phải đối mặt với “áp lực to lớn” về báo cáo.
Bà cũng xác nhận rằng bà đã nhận được một lá thư từ Trung Quốc và “40 hoặc gần như thế” các quốc gia khác yêu cầu giữ lại báo cáo.
Bức thư “thúc giục mạnh mẽ” bà Bachelet không công bố đánh giá, mà nó cho rằng “sẽ tăng cường chính trị hóa và đối đầu giữa các khối trong lĩnh vực nhân quyền”.
Tuy nhiên, bà nói rằng không bên nào sẽ có thể làm lung lay kế hoạch của bà, và kế hoạch này sẽ được “hướng dẫn bởi phương pháp luận về quyền con người và các dữ kiện dựa trên tình hình ở cơ sở”.
Trong một báo cáo được công bố vào tuần trước, một chuyên gia của Liên Hợp Quốc về vấn đề nô lệ nhận thấy rằng “hợp lý khi kết luận” rằng lao động cưỡng bức đang diễn ra ở khu vực viễn tây Trung Quốc.
Báo cáo viên đặc biệt của LHQ về các hình thức nô lệ đương thời, Tomoya Obokata, cho biết rằng bằng chứng cho thấy lao động cưỡng bức đang diễn ra đối với người Duy Ngô Nhĩ, Kazakh và các dân tộc thiểu số khác trong các lĩnh vực như nông nghiệp và sản xuất.
Chính phủ Trung Quốc sau đó đã bác bỏ phát hiện này, cáo buộc ông Obokata “lạm dụng quyền lực” để “bôi nhọ và sỉ nhục Trung Quốc một cách ác ý và phục vụ như một công cụ chính trị cho các lực lượng chống Trung Quốc”.
Nhật Minh (theo SCMP)