Tổng thống Putin tuyên bố Mỹ là mối đe dọa chính đối với Nga
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm Chủ Nhật (31/7) đã ký phê chuẩn học thuyết hải quân mới nhân Ngày Hải quân Nga. Học thuyết mới tuyên bố Mỹ là đối thủ chính của Nga và vạch ra các tham vọng toàn cầu của Moscow đối với những khu vực trọng yếu, chẳng hạn như Bắc Cực và Biển Đen.
Phát biểu nhân Ngày Hải quân Nga tại thành phố St Petersburg, Tổng thống Putin đã ca ngợi Peter Đại đế vì đã biến nước Nga thành một siêu cường trên biển và gia tăng vị thế toàn cầu của nhà nước Nga.
Sau khi kiểm tra tình hình Hải quân, ông Putin đã đưa ra phát biểu ngắn, trong đó khẳng định Nga có vũ khí tối tân để đánh bại mọi kẻ thù tiềm năng, đề cập tới tên lửa hành trình bội siêu thanh Zircon.
Trước khi đưa ra phát biểu không lâu, ông Putin đã ký phê chuẩn học thuyết hải quân mới dày 55 trang, trong đó vạch ra các mục tiêu chiến lược rộng lớn của hải quân Nga, bao gồm tham vọng trở thành “siêu cường hàng hải”, mở rộng phạm vi hoạt động trên toàn cầu.
Học thuyết hải quân mới cũng tuyên bố mối đe dọa chính đối với Nga là “chính sách chiến lược của Mỹ nhằm thống trị các đại dương toàn cầu” và chuyển động của liên minh quân sự NATO tiến gần hơn tới các khu vực biên giới của Nga.
Học thuyết khẳng định Nga có thể sử dụng quân đội một cách thích đáng đối với tình hình trên các đại dương toàn cầu nếu các quyền lực mềm khác như công cụ ngoại giao và kinh tế không đạt hiệu quả. Tuy nhiên, học thuyết cũng thừa nhận rằng Nga hiện không có đủ căn cứ hải quân trên khắp thế giới.
Theo học thuyết hải quân mới, ưu tiên của Nga là phát triển hợp tác hải quân chiến lược với Ấn Độ, cũng như mở rộng hợp tác với Iran, Iraq, Ả Rập Saudi và các quốc gia khác trong khu vực.
“Với định hướng của học thuyết này, Liên bang Nga sẽ kiên định và quyết tâm bảo vệ lợi ích quốc gia của mình trên các đại dương toàn cầu, và có được sức mạnh hàng hải đầy đủ sẽ đảm bảo an ninh và sự bảo vệ”, học thuyết hải quân mới nhấn mạnh.
Phát biểu của ông Putin tại St Petersburg đã không đề cập tới cuộc chiến tranh Ukraine, nhưng học thuyết hải quân dự tính đến “sức mạnh toàn diện của vị thế địa chính trị của nước Nga” trên Biển Đen và Biển Azov. Học thuyết hải quân mới cũng đề cập tới Bắc Cực là khu vực đặc biệt quan trọng đối với Nga.
Hải Đăng (Theo Reuters)
Bà Pelosi xác nhận thăm 4 nước châu Á, không đề cập tới Đài Loan
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi hôm 31/7 đã xác nhận rằng bà sẽ hướng tới châu Á trong tuần này để thăm 4 quốc gia, nhưng không đề cập tới Đài Loan.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ nói bà sẽ thăm Singapore, Malaysia, Hàn Quốc và Nhật Bản cùng với một phái đoàn quốc hội để “tổ chức các cuộc họp cấp cao nhằm thảo luận cách thức chúng ta có thể thúc đẩy hơn nữa các lợi ích và giá trị chung, trong đó có hòa bình và ổn định, tăng trưởng kinh tế và thương mại, đại dịch COVID-19, khủng hoảng khí hậu, nhân quyền và quản trị dân chủ”, theo một tuyên bố phát đi hôm 31/7.
Bình luận nêu trên của bà Pelosi đã không đề cập tới điểm đến tiềm năng Đài Loan trong bối cảnh Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đang đe dọa và huy động quân đội tại Biển Đông.
Đảng Cộng sản Trung Quốc từ lâu đã tuyên bố rằng Đài Loan là một phần lãnh thổ của họ và có thể sáp nhập vào đại lục trong một thời điểm nào đó, kể cả phải dùng vũ lực.
Bà Pelosi nói: “Hôm nay, phái đoàn quốc hội chúng tôi di chuyển tới Ấn Độ – Thái Bình Dương để tái khẳng định cam kết mạnh mẽ và không lay chuyển của Mỹ đối với các đồng minh và bạn hữu của chúng ta trong khu vực này”.
Đầu tháng này, khi xuất hiện tin tức cho rằng bà Pelosi sẽ thăm Đài Loan, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nói với báo giới rằng quân đội Mỹ “nhận định đó không phải là ý tưởng hay lúc này”.
Ông Hồ Tích Tiến, cựu tổng biên tập Hoàn cầu Thời báo – cơ quan của Đảng Cộng sản Trung Quốc, hôm 29/7 đăng tweet nhưng xóa nó một ngày sau đó, trong đó tuyên bố rằng Bắc Kinh có thể bắn hạ máy bay của bà Pelosi nếu nó được các chiến đấu cơ hộ tống tới Đài Loan.
“Nếu các chiến đấu cơ Mỹ hộ tống máy bay của bà Pelosi tới Đài Loan, thì đó là một cuộc xâm lược. Quân đội Giải phóng Nhân dân có quyền xua đuổi máy bay của bà Pelosi và các chiến đấu cơ Mỹ bằng vũ lực, trong đó bao gồm bắn cảnh cáo và thực hiện di chuyển ngăn chặn chiến thuật. Nếu các biện pháp đó không hiệu quả, thì sẽ bắn hạ chúng”, ông Hồ Tích Tiến viết trên Twitter.
Một đơn vị Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc hôm 29/7 cũng đã viết trên Weibo rằng phải “chuẩn bị chiến tranh!”. Tuyên bố này đã nhận được hàng triệu lượt “thích”.
Trước đó một ngày, hôm 28/7, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Joe Biden, Chủ tịch Trung Quôc Tập Cận Bình đã nói rằng “những ai chơi với lửa sẽ bị bỏng tay”, đề cập đến việc Washington gia tăng mối quan hệ gần gũi với Đài Loan.
Bộ Ngoại giao Đài Loan, hôm 29/7, phát đi tuyên bố khẳng định Đài Bắc sẽ tiếp tục làm sâu sắc mối quan hệ đối tác an ninh gần gũi với Washington.
Tuần trước, Hải quân Mỹ xác nhận hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan và nhóm tàu tác chiến hiện đang có mặt tại Biển Đông.
Xuân Thành
Thành phố New York tuyên bố tình trạng khẩn cấp do bệnh đậu mùa khỉ
Hôm 30/7 vừa qua, giới chức trách New York (Mỹ) đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp về y tế công do bệnh đậu mùa khỉ lây lan ở thành phố này cũng như trên toàn tiểu bang New York.
Theo tuyên bố chung của Thị trưởng thành phố New York Eric Adams và Ủy viên Sở y tế thành phố, ông Ashwin Vasan, thành phố New York hiện là tâm dịch với khoảng 150.000 người dân có nguy cơ lây nhiễm bệnh đậu mùa khỉ.
Với tình trạng khẩn cấp được ban bố, cơ quan chức năng thành phố được trao thêm quyền hạn để nhanh chóng đưa ra các biện pháp ứng phó khẩn cấp với dịch nhằm ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm.
Trước đó, Thống đốc New York Kathy Hochul cũng đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại tiểu bang này do số ca mắc bệnh tăng nhanh.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) của Mỹ cho biết tính đến ngày 29/7 tổng cộng 5.189 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ đã được ghi nhận trên cả nước. New York hiện là tiểu bang có số ca mắc bệnh này cao nhất ở Mỹ, với 1.383 ca đã được ghi nhận, tiếp theo là tiểu bang California với 799 ca.
Hôm 28/7 vừa qua, giới chức trách thành phố San Francisco thuộc tiểu bang California, miền Tây nước Mỹ, đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp nhằm ứng phó trước sự lây lan ngày càng gia tăng của bệnh đậu mùa khỉ trên toàn thành phố.
Giới chức y tế San Francisco cho biết muốn áp dụng các biện pháp linh hoạt nhằm ngăn chặn sự lây lan của bệnh này, do đó không có kế hoạch yêu cầu áp đặt bất kỳ biện pháp đóng cửa hay hạn chế nào, không giống như tình trạng khẩn cấp được ban hành trong bối cảnh dịch COVID-19.
Phan Anh
Tổng thống Zelenskyy tuyên bố bắt buộc sơ tán thường dân khỏi khu vực Donetsk
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy hôm thứ Bảy (30/7) tuyên bố, chính phủ của ông sẽ ra lệnh bắt buộc sơ tán đối với người dân ở khu vực Donetsk trước khi mùa đông đến, bởi vì nguồn cung khí thiên nhiên cho khu vực này đã bị phá hủy.
Trong đoạn video phát đi vào tối muộn 30/7, Tổng thống Zelenskyy cho biết hàng trăm nghìn người vẫn đang sống trong các khu vực chiến tranh tại Donbass (bao gồm Donetsk và Luhansk) cần phải rời đi.
“Nhiều người từ chối rời đi nhưng việc sơ tán vẫn cần phải thực hiện. Nếu quý vị có cơ hội, xin hãy nói với những người vẫn còn ở trong các khu vực chiến sự. Xin vui lòng thuyết phục họ rằng việc rời đi là cần thiết”, ông Zelenskyy nói.
Các hãng truyền thông Ukraine cũng dẫn lời Phó Thủ tướng Iryna Vereshchuk nói rằng việc sơ tán thường dân cần phải được tiến hành trước khi mùa đông đến bởi vì nguồn cung khí thiên nhiên cho khu vực này đã bị phá hủy.
Ông Zelenskyy cho biết hàng trăm nghìn người vẫn đang sống trong các khu vực của Donbass, nơi giao tranh diễn ra ác liệt.
“Càng nhiều người rời khỏi khu vực Donetsk ngay bây giờ, thì càng ít người thiệt mạng dưới tay quân Nga”, ông Zelenskyy nói và cho biết thêm rằng người dân đã rời đi sẽ được bồi thường.
Trước đó, vào hôm thứ Bảy (30/7), quân đội Ukraine cho biết hơn 100 binh sĩ Nga đã thiệt mạng và bảy xe tăng bị phá hủy trong các cuộc giao tranh ở miền Nam hôm 29/7. Khu vực Kherson là trọng tâm và là một mắt xích chính của cuộc phản công.
Bộ chỉ huy miền nam của quân đội Ukraine cho biết, giao thông đường sắt đến Kherson qua sông Dnipro đã bị cắt đứt, có khả năng cô lập lực lượng Nga ở phía tây con sông khỏi nguồn cung cấp ở Crimea.
Phía nam thị trấn Bakhmut – một mục tiêu hàng đầu của Nga ở Donetsk – quân đội Ukraine cho biết các lực lượng Nga đã “thành công một phần” trong việc thiết lập quyền kiểm soát khu vực Semyhirya bằng cuộc tấn công từ ba phía.
Các quan chức quốc phòng và tình báo Anh, vốn là một trong những đồng minh trung thành nhất của Ukraine kể từ khi Moscow xâm lược nước láng giềng vào ngày 24/2, miêu tả các lực lượng Nga đang phải vật lộn để duy trì sức chiến đấu.
Ukraine đã sử dụng các hệ thống tên lửa tầm xa do phương Tây cung cấp để phá huỷ ba cây cầu bắc qua sông Dnipro trong những tuần gần đây, cắt đứt tuyến đường đến Kherson. Theo đánh giá của các quan chức quốc phòng Anh, hành động này đã mang đến thiệt hại lớn cho lực lượng Nga – vốn rất dễ bị tổn thương ở bờ Tây của con sông.
Thống đốc vùng Kherson thân Ukraine, Dmytro Butriy, cho biết giao tranh đang tiếp diễn ở nhiều nơi trong khu vực, đặc biệt là ở Berislav nằm ngay phía tây bắc của nhà máy thủy điện Kakhovka đã bị ảnh hưởng nặng nề.
Ông viết trên Telegram: “Ở một số ngôi làng, không một ngôi nhà nào còn nguyên vẹn, tất cả cơ sở hạ tầng đã bị phá hủy, còn người dân đang trú ẩn trong những căn hầm”.
Ngay ở phía bắc của Lysychansk, nơi mà lực lượng của Moscow đã chiếm được vào đầu tháng 7 sau nhiều tuần giao tranh, các lực lượng Ukraine đã phá hủy đường sắt gần thị trấn Svatove do Nga kiểm soát vào đêm thứ Sáu, khiến Moscow khó có thể vận chuyển đạn dược đến tiền tuyến, thống đốc khu vực Luhansk Serhiy Gaidai cho biết trong một bài đăng trực tuyến.
Reuters không thể xác minh độc lập các báo cáo trên chiến trường.
Các quan chức từ chính quyền vùng Kherson hồi đầu tuần đã bác bỏ đánh giá của phương Tây về tình hình Ukraine.
Lam Giang