Xuân Hoa
Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã lên tiếng ủng hộ một hành lang an toàn ở Biển Đen để Ukraine có thể xuất khẩu ngũ cốc. Tuy nhiên, Kyiv đã bác bỏ đề xuất này, nói rằng nó không đáng tin cậy.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã tiếp người đồng cấp Nga Sergey Lavrov tại Ankara vào hôm thứ 4 (08/06) để thảo luận về một đề xuất của Liên hợp quốc. Liên Hợp Quốc muốn cảng Odesa và các cảng khác trên Biển Đen của Ukraine trở nên an toàn để vận chuyển 22 triệu tấn ngũ cốc đang nằm yên trong các kho chứa. Ukraine không được mời tham dự cuộc thảo luận.
Ukraine là một trong những nhà xuất khẩu lúa mì, ngô và dầu hướng dương lớn nhất thế giới. Việc Nga xâm lược và phong tỏa các cảng của nước này đã chặn phần lớn dòng chảy xuất khẩu, đe dọa an ninh lương thực của nhiều nước đang phát triển, đặc biệt là ở châu Phi. Nhiều cảng trong số đó hiện đang bị đặt mìn dày đặc.
Trong cuộc thảo luận, Moscow và Ankara cũng cho rằng phương Tây nên giảm bớt các biện pháp trừng phạt lên Moscow để Nga có thể xuất khẩu ngũ cốc trong bối cảnh khủng hoảng lương thực thế giới leo thang. Mặc dù về mặt kỹ thuật, xuất khẩu lương thực được miễn trừ trong các lệnh trừng phạt, nhưng Nga tuyên bố các hạn chế đối với tàu thuyền và ngân hàng của họ khiến nước này không thể cung cấp ngũ cốc đến thị trường toàn cầu.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã làm việc trong nhiều tuần về một thỏa thuận cho phép Ukraine xuất khẩu lúa mì và các mặt hàng khác từ Odesa, đồng thời cho phép Nga xuất khẩu ngũ cốc và phân bón.
Ông Guterres nói với các phóng viên vào hôm thứ 4 rằng thỏa thuận này là rất cần thiết, đặc biệt là đối với hàng triệu người ở các nước đang phát triển – những người đang phải đối mặt với nguy cơ nạn đói chưa từng có.
Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) hôm thứ 5 (05/06) cho biết chi phí đầu vào của sản xuất nông nghiệp, chẳng hạn như giá phân bón, đang ở mức cao kỷ lục. Điều này cản trở người nông dân mở rộng sản xuất và làm trầm trọng hơn khủng hoảng lương thực ở các nước nghèo.
Chi phí đầu vào tăng cao, một phần bởi giá năng lượng cao và gián đoạn nguồn cung do cuộc chiến Nga – Ukraine, đã đẩy giá lương thực thế giới tăng phi mã trong năm nay, theo chỉ số về hàng hóa thực phẩm toàn cầu của FAO.
FAO dự báo hóa đơn nhập khẩu lương thực toàn cầu sẽ tăng thêm gần 3% trong năm nay, lên mức chưa từng có là 1,8 nghìn tỷ USD; đồng thời dự đoán các nước kém phát triển nhất sẽ cắt mạnh lượng hàng nhập khẩu để giảm bớt hóa đơn nhập khẩu của họ.
Mối quan hệ đa phương phức tạp
Thổ Nhĩ Kỳ vẫn duy trì quan hệ chặt chẽ với cả Ukraine và Nga. Nước này đã chỉ trích cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, nhưng không tham gia các lệnh trừng phạt quốc tế chống lại Nga.
Nga đã thúc giục Ukraine gỡ mìn khỏi khu vực gần Odesa để việc xuất khẩu ngũ cốc được thực hiện an toàn. Tổng thống Nga Vladimir Putin cam kết rằng Moscow sẽ không sử dụng các hành lang cho một cuộc tấn công. Tuy nhiên, giới chức Ukraine và Liên minh châu Âu (EU) đều nghi ngờ về cam kết này. EU cáo buộc Moscow “vũ khí hóa” nguồn cung lương thực để giành lợi thế trong cuộc chiến.
Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng họ sẽ tạo điều kiện và bảo vệ việc vận chuyển ngũ cốc ở Biển Đen. Chính phủ Hy Lạp cũng đề nghị sử dụng đội tàu vận tải hùng hậu của họ để thực hiện nhiệm vụ vận chuyển, nhưng Ankara đã không đề cập đến Athens như là một phần của thỏa thuận.
Người đứng đầu nhóm thương nhân về ngũ cốc của Ukraine, ông Serhiy Ivashchenko, đã chế giễu nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc giúp đàm phán một thỏa thuận.
“Thổ Nhĩ Kỳ không có đủ quyền lực ở Biển Đen để đảm bảo an ninh cho hàng hóa và các cảng của Ukraine”, ông Ivashchenko nói. Ông cho biết thêm sẽ mất 3 đến 4 tháng để gỡ mìn trên biển và cũng cáo buộc rằng chính Nga đã đặt mìn khu vực này.
Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có được nhiều lợi ích trong việc giúp đảm bảo một thỏa thuận: Ankara cần sự chấp thuận của Moscow để tiếp tục hiện diện ở miền bắc Syria, nơi họ có kế hoạch tiến hành một cuộc tấn công xuyên biên giới mới nhằm vào lực lượng dân quân người Kurd ở Syria mà Ankara coi là mối đe dọa an ninh.
Cuộc họp của Ngoại trưởng Lavrov với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra khi Thổ Nhĩ Kỳ – một thành viên NATO – đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ đề nghị gia nhập liên minh của Thụy Điển và Phần Lan. Moscow cũng phản đối việc các nước Bắc Âu đăng ký làm thành viên NATO.
Xuân Hoa