Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 27/7, thế giới ghi nhận thêm khoảng 550,000 ca nhiễm COVID-19 mới và 9,100 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên khoảng 194,041,344 ca, trong đó có khoảng 4,136,702 người thiệt mạng.
Việt Nam thêm 2861 ca COVID-19
Sáng nay 28/7 Bộ y tế VN cho biết có thêm 2,861 ca mắc COVID-19 và 3 ca nhập cảnh, nâng tổng số ca mắc lên 117,121 ca.
2,858 ca ghi nhận tại: Sài Gòn (2.115), Đồng Nai (134), Tây Ninh (120), Đồng Tháp (91), Khánh Hoà (86), Hà Nội (69), Bà Rịa – Vũng Tàu (56), Trà Vinh (38), Bến Tre (32), Phú Yên (30), Tiền Giang (30), An Giang (24), Đăk Lăk (13), Sóc Trăng (12), Cần Thơ (5), Bình Định (2), Hải Dương (1).
Số ca nhiễm sáng nay tăng 96 so với sáng qua, gồm 2.455 ca được phát hiện ở khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa (tăng 231 ca), 403 ca đang điều tra dịch tễ (giảm 135 ca).
Số ca mới nâng tổng số ca nhiễm tại Sài Gòn lên 74.855, Đồng Nai 2,848, Đồng Tháp 2.488, Tiền Giang 1,855, Phú Yên 1.121, Khánh Hòa 1,079, Hà Nội 1,076, Tây Ninh 1,058, Bà Rịa – Vũng Tàu 663, Bến Tre 583, Cần Thơ 452, An Giang 250, Trà Vinh 183, Đăk Lăk 142, Sóc Trăng 121, Bình Định 109, Hải Dương 52.
Tổng số ca được điều trị khỏi: 22.946. Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 211. Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 17.
Đến nay, Việt Nam có tổng 117,121 mắc, trong đó có 2,206 ca nhập cảnh và 114,915 ca mắc trong nước. Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 113,345 ca, trong đó có 20,172 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Trong 24 giờ qua, Mỹ đã trở lại dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới sau một thời gian vị trí này thuộc về các điểm nóng khác như Indonesia, Ấn Độ. Cụ thể, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus corona nhiều nhất thế giới gồm: Mỹ (49,052 ca), Indonesia (45.203 ca) và Ấn Độ (42,928 ca); Indonesia dẫn đầu về số ca tử vong mới với ngày kỷ lục 2.069 người tử vong, tiếp theo là Brazil (1.249 ca) và Nga (779 ca).
Mỹ, Ấn Độ và Brazil là 3 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Số ca nhiễm tại Mỹ hiện là 35,337,883 người, trong đó có 627,359 ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận tổng cộng 31,483,411 ca nhiễm, bao gồm 422,054 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ 3 với 19,749.073 ca bệnh và 551,835 ca tử vong.
Tại Indonesia
Tại Indonesia, ngày 27/7, quốc gia này ghi nhận số ca tử vong mới cao kỷ lục, với 2,069 ca trong vòng 24 giờ. Nước này cũng ghi nhận 45.203 ca mắc mới, tăng mạnh so với 28,228 ca ghi nhận ngày 26/7.
Tình trạng bệnh nhân nặng tăng mạnh khiến Indonesia cần 2,500 tấn oxy mỗi ngày để đáp ứng nhu cầu. Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 27/7 tại Văn phòng Tổng thống, Bộ trưởng Bộ Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin cho biết ở thời điểm trước lễ Eid al-Fitr của người Hồi giáo vào tháng 5 vừa qua, Indonesia cần 400 tấn oxy/ngày cho các bệnh nhân mắc COVID-19, hiện nhu cầu này đã tăng vọt lên 2,500 tấn/ngày.
Ông Budi cho biết Chính phủ Indonesia đang lên kế hoạch tiếp tục mua 20.000 máy tạo oxy để phân phối cho các bệnh viện và cơ sở cách ly. Trước đó, Indonesia đã tiếp nhận 17.000 máy tạo oxy từ các nước như Ấn Độ, Thụy Sĩ, Singapore. Tuy nhiên trong bối cảnh số ca mắc mới tăng liên tục, lượng oxy hiện có không đủ đảm bảo cung cấp kịp thời cho các bệnh nhân, nhất là ở những tỉnh thành ngoài đảo Java-Bali. Bên cạnh việc kêu gọi hỗ trợ từ bên ngoài, Indonesia cũng sẽ huy động tối đa năng lực trong nước như các nhà máy sản xuất oxy trong nước để sản xuất oxy y tế.
Cũng tại buổi họp báo, Bộ trưởng Budi cho biết nhu cầu về thuốc điều trị COVID-19 cũng tăng gấp 12 lần kể từ 1/6 vừa qua. Để đối phó với nhu cầu tăng đột biến này, Bộ Y tế nước này đã yêu cầu Hiệp hội các công ty dược phẩm Indonesia (GP Farmasi) tập trung tăng cường hơn nữa năng lực sản xuất và phân phối thuốc trên khắp các tỉnh thành. Dự tính, nếu tập trung năng lực sản xuất, thì trong 4-6 tuần tới, nước này có thể đảm bảo đủ số lượng thuốc cần thiết.
Indonesia cũng đang trong tình trạng thiếu vắc-xin COVID-19. Cho đến nay, Indonesia đã nhận được khoảng 173 triệu liều vắc-xin COVID-19, trong đó có 147,7 triệu liều của Sinovac bao gồm cả nguyên liệu và thành phẩm; 14,9 triệu liều của AstraZeneca, 6 triệu liều của Sinopharm và 4,5 triệu liều của Moderna. Tính đến ngày 26/7, đã có 64,13 triệu liều vắc-xin đã được sử dụng, tiêm cho 45,012.649 người.
Tại Nhật Bản
Tại Nhật Bản, ngày 27/7, thủ đô Tokyo ghi nhận số ca nhiễm mới ở mức cao nhất từ trước đến nay, với 2,848 ca. Mốc cao kỷ lục trước đó là ngày 7/1 với 2,520 ca.
Do lo ngại làn sóng lây nhiễm biến thể Delta, chính quyền Tokyo đã đề nghị các bệnh viện chuẩn bị thêm giường để điều trị bệnh nhân COVID-19. Số ca nhiễm mới tại thành phố này trong ngày 26/7 đã tăng gấp đôi so với 1 tuần trước.
Với việc các bệnh viện tiếp nhận số lượng bệnh nhân ngày càng tăng, Tokyo đặt mục tiêu nâng số giường lên 6.406 vào đầu tháng tới so với mức hiện nay 5.967. Theo đó, nhà chức trách đề nghị các bệnh viện nên xem xét lùi các lịch phẫu thuật đã lên kế hoạch, cũng như giảm quy mô điều trị.
Các chuyên gia y tế cũng cảnh báo các yếu tố theo mùa, việc gia tăng đi lại và sự lây lan của các biến thể có thể sẽ dẫn đến việc bùng phát trở lại các trường hợp mắc COVID-19 tại Nhật Bản vào mùa hè này. Hiện tỷ lệ tiêm vắc-xin COVID-19 ở Nhật Bản vẫn còn khá thấp so với các nước đang phát triển, khi mới chỉ có 36% dân số được tiêm ít nhất 1 liều.
Olympic Tokyo 2020 đang diễn ra theo các quy định cách ly nghiêm ngặt để phòng chống dịch bệnh, song đã có 155 ca mắc COVID-19 được phát hiện trong số các vận động viên và nhân viên của các đoàn thể thao. Trong một tuyên bố đưa ra ngày 27/7, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide khẳng định số ca mắc mới cao kỷ lục tại Tokyo không phải là một vấn đề đối với Olympic, đồng thời cho rằng người dân cần tập trung làm việc tại nhà để giảm thiểu đi lại.
Tại Ấn Độ
Tại Ấn Độ, ngày 27/7, nước này ghi nhận 29,689 ca mắc mới và 415 ca tử vong do COVID-19. Đây là lần đầu tiên sau 132 ngày số ca mắc mới theo ngày tại quốc gia Nam Á này giảm xuống dưới 30,000 ca. Tuy nhiên trong 24 giờ tính đến 6h sáng 28/7, số ca nhiễm tại nước này đã tăng lên, với 42.928 ca, trong đó có 640 ca tử vong.
Riêng tại New Delhi, số ca nhiễm mới trong ngày đã giảm còn 39 ca và 1 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua. Chính quyền New Delhi đã chính thức nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội một cách thận trọng với các cấp độ khác nhau nhằm từng bước kiểm soát dịch COVID-19 và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Tuy nhiên, theo giới chức Ấn Độ, tốc độ tiêm chủng tại nước này đã chậm lại đáng kể và có thể không thực hiện được mục tiêu tiêm chủng 1,35 tỷ liều vắc-xin trong tháng 7 nếu tốc độ tiêm như hiện tại, 8,7 triệu liều/ngày kể từ ngày 21/6.
Tại Anh
Tại Anh, nhà dịch tễ học Neil Ferguson thuộc trường Đại học Imperial của Anh ngày 27/7 cho rằng đại dịch COVID-19 tại nước này có thể sẽ kết thúc trong vòng vài tháng tới vì vắc-xin phát huy tác dụng giúp giảm đáng kể nguy cơ nhập viện và tử vong.
Thủ tướng Anh Boris Johnson đang đánh cược rằng ông có thể đưa nền kinh tế nằm trong số các nền kinh tế lớn nhất châu Âu này “bùng nổ trở lại” vì đến nay rất nhiều người dân Anh đã được tiêm chủng phòng ngừa COVID-19. Mặc dù số ca mắc mới hằng ngày tại Anh đã giảm liên tục trong 6 ngày qua, song Thủ tướng Johnson nhấn mạnh đại dịch chưa kết thúc.
Phát biểu với hãng tin BBC, nhà dịch tễ học Neil Ferguson nhận định: “Tác dụng của vắc-xin rất lớn trong việc giảm nguy cơ nhập viện và tử vong. Tôi lạc quan cho rằng đến cuối tháng 9 và sang tháng 10, chúng ta có thể sẽ thấy phần lớn đại dịch ở phía sau”.
Quyết định của Thủ tướng Johnson dỡ bỏ các quy định chống dịch tại Anh từ ngày 19/7 đã tạo thuận lợi cho việc khởi động lại nền kinh tế vốn bị thiệt hại nặng nề sau nhiều đợt phong tỏa kể từ tháng 3/2020. Nếu thành công, Anh sẽ trở thành một quốc gia điển hình thoát khỏi đại dịch. Tuy nhiên, “canh bạc” của ông Johnson có thể rủi ro do nguy cơ xuất hiện một biến thể mới có khả năng kháng vắc-xin hoặc hệ thống y tế quá tải.
Ngày 27/7, Anh ghi nhận số ca nhập viện và tử vong do dịch COVID-19 cao nhất kể từ tháng 3, mặc dù số ca mắc mới giảm đều đặn trong tuần qua. Cụ thể, số ca tử vong do COVID-19 tại Anh trong ngày 27/7 lên tới 131 ca, mức cao nhất kể từ ngày 17/3, trong khi con số này chỉ đứng ở mức 14 ca vào ngày 26/7. Số ca nhập viện cũng tăng đều đặn, lên tới 5.918 ca vào ngày 27/7, cũng là mức cao nhất kể từ tháng 3, dù số ca mắc mới mỗi ngày đã giảm trong 7 ngày qua.
Theo các nhà dịch tễ học, việc trường học đóng cửa vào kỳ nghỉ Hè, vòng chung kết EURO 2020 kết thúc và thời tiết ấm lên là những yếu tố khiến số ca mắc mới giảm, mặc dù nền kinh tế đã hoàn toàn mở cửa trở lại.
Tại Do Thái
Tại Do Thái, ngày 27/7, Bộ Y tế nước này đã chính thức cho phép tiến hành tiêm vắc-xin COVID-19 cho trẻ em trong độ tuổi từ 5-11.
Theo đó, các trường hợp trẻ em từ 5-11 tuổi nên tiêm vắc-xin COVID-19 gồm: béo phì nghiêm trọng; người bị rối loạn phát triển thần kinh như co giật và các hội chứng bẩm sinh; bệnh phổi mãn tính nghiêm trọng; ung thư; suy tim; suy giảm khả năng miễn dịch; tăng áp phổi và các chứng thiếu máu do hồng cầu hình liềm. Theo hướng dẫn của Bộ Y tế Israel, trẻ em từ 5-11 tuổi nếu tiêm vắc-xin COVID-19 sẽ được tiêm với liều lượng thấp hơn bình thường, ở mức 10 mcg thay vì 30 mcg. Tuy nhiên, Israel vẫn thận trọng và chưa khuyến cáo tiêm vắc-xin đại trà cho trẻ em vào thời điểm này.
Trong một diễn biến khác, Thủ tướng Israel Naftali Bennett ngày 27/7 cho hay nước này có thể sẽ sớm đưa ra quyết định về tiêm bổ sung liều 3 vắc-xin COVID-19 cho các nhóm dân chúng. Một nghiên cứu của Đại học Hebrew tại Jerusalem cho thấy hiệu quả của vắc-xin trong ngăn chặn các biến chứng nặng do COVID-19 đã giảm xuống còn 80%, nhưng vẫn đạt hiệu quả 90% ngăn chặn nguy cơ tử vong ở bệnh nhân. Số ca lây nhiễm COVID-19 mới tại Israel đang có xu hướng gia tăng trong vài ngày gần đây, nhất là do biến thể Delta. Israel đã có hơn 863.000 ca mắc COVID-19, trong đó có 6.461 trường hợp tử vong.
Tại Thái Lan
Tại Thái Lan, Cục Dịch vụ Y tế (DMS) ngày 26/7 thông báo thủ đô Bangkok của Thái Lan đã hết giường trong khu chăm sóc tích cực (ICU) để điều trị cho bệnh nhân COVID-19 nặng. Cục trưởng DMS Somsak Ankasil cho biết tất cả các giường dành cho bệnh nhân nặng tại các bệnh viện công đều đã kín chỗ, trong khi nhiều bệnh nhân nặng hiện vẫn đang chờ được điều trị trong các phòng cấp cứu tại 2 bệnh viện Lerdsin và Nopparat.
Cùng ngày, giới chức y tế Thái Lan bắt đầu triển khai đưa bệnh nhân COVID-19 tại Bang kok hồi hương bằng tàu hoả, nhằm giảm tải gánh nặng cho hệ thống y tế tại thủ đô. Một chiếc tàu hỏa chở theo hơn 100 người mắc COVID-19 và nhân viên y tế đã rời thủ đô Bangkok hướng về phía Đông Bắc. Chuyến tàu này sẽ dừng tại 7 tỉnh nơi bệnh nhân mắc COVID-19 được nhân viên y tế địa phương đưa đến bệnh viện điều trị.
Tại Chile (Nam Mỹ)
Người dân Chile chào đón một vài thay đổi mới, khi lệnh cấm đi lại từng áp dụng vào tháng 4 sắp kết thúc.
Điều này có nghĩa là người đã tiêm vaccine đầy đủ nay có thể đi ra nước ngoài với một thẻ đi lại, đây là một loại chứng nhận có thể quá cảnh tại mỗi vùng mà những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine đi qua.
Các nhà chức trách nhận thấy sự sụt giảm liên tục trong các ca nhiễm mới và bên cạnh đó một số lượng lớn người dân Chile đã được tiêm chủng, chiếm tới 79% dân số mục tiêu.
Tuy nhiên biên giới Chile vẫn đóng cửa đối với du khách nước ngoài đi vào, theo Tổng thư ký Hội đồng Hàng không Dân dụng, Martín Mackenna.
Khi người Chile đi vào đất nước, sẽ thấy một vài thay đổi bắt đầu từ ngày hôm nay. Điều quan trọng cần lưu ý đầu tiên là biên giới vẫn đóng cửa đối với người nước ngoài. Vì vậy, chỉ có người mang quốc tịch Chile và người nước ngoài là thường trú nhân Chile mới được đi vào. Mọi người dân cần phải xét nghiệm coronavirus trong vòng 72 giờ trước khi đi vào Chile, và phải chứng minh kết qủa âm tính.
Tại Hoa Kỳ
Tại tiểu bang California của Hoa Kỳ, quy định COVID mới sẽ có hiệu lực kể từ tháng Tám, nhằm giảm bớt sự gia tăng các ca nhiễm coronavirus – chủ yếu là ở những người chưa được chích ngừa.
Tất cả nhân viên y tế và nhân viên làm việc cho chính phủ được yêu cầu phải đưa bằng chứng đã chích ngừa hoặc nếu không thì phải xét nghiệm coronavirus mỗi tuần.
Có ít nhất 238,000 nhân viên làm việc cho chính phủ và ít nhất hai triệu nhân viên chăm sóc sức khỏe trong lĩnh vực công và tư nhân.
Thống đốc tiểu bang California, ông Gavin Newsom, đã do dự trong việc đặt ra quy định mới về đeo khẩu trang và giữ khoảng cách trong giao tiếp, từ khi ông cho phép toàn bang mở cửa trở lại vào ngày 15 tháng 6.
California cam kết sẽ chích ngừa, xác minh người liên hệ gần gũi với ca nhiễm và xét nghiệm hàng tuần. Chúng tôi không chỉ áp dụng với các nhân viên làm việc cho chính phủ, hôm nay chúng tôi cũng công bố hợp tác với các đối tác chẳng hạn như Kaiser, các khu vực tư nhân hiện nay cũng bắt đầu khai triển, các tổ chức đại diện cho bác sĩ, nha sĩ, phòng khám lọc máu cũng bắt đầu áp dụng quy định này, các phòng khám thuộc khu vực tư nhân cũng cam kết như vậy. Chúng ta bị kiệt sức vì sự chính trị hóa của đại dịch này, bao gồm cả việc mang khẩu trang từng được xem như một hành động của Holocaust. Thật đáng hổ thẹn.
Khoảng 62% người dân California đủ điều kiện đã được chích ngừa đầy đủ.
Quy định tương tự cũng đã được áp dụng tại Thành phố New York …
Tất cả công nhân viên trong thành phố, bao gồm giáo viên và cảnh sát sẽ phải hoàn thành 2 mũi vaccine COVID trước giữa tháng 9, hoặc sẽ phải đối mặt với quy định xét nghiệm COVID-19 hàng tuần.
Không một công nhân viên nào bị bắt buộc phải tiêm chủng, nhưng giới chức hy vọng các cuộc kiểm tra xét nghiệm hàng tuần sẽ khiến mọi người khó chịu và sẽ thuyết phục được họ không miễn cưỡng trước vaccine coronavirus nữa.
Thị trưởng thành phố New York, Bill de Blasio nói quy định này dự kiến sẽ ảnh hưởng đến khoảng 340,000 nhân viên của thành phố.
Ông cũng mở rộng yêu cầu, kêu gọi chủ nhân thuộc các lĩnh vực tư nhân áp dụng quy định này.
Thông điệp của tôi gởi đến lĩnh vực tư nhân lúc này là các bạn hãy làm hết sức có thể, nhưng đừng khoan dung trước những nhân viên chưa chích ngừa vẫn làm những điều trái với quy tắc an toàn. Vì vậy, hãy thẳng thắn: Nếu bạn là nhân viên thành phố và bạn chưa chích ngừa, thì phải đeo khẩu trang tại nơi làm việc. Chúng tôi sẽ không tha thứ cho bất kỳ hành động làm trái vì đây là sự bảo vệ sức khỏe và hạnh phúc của mọi người. Nếu ai đó không đeo khẩu trang, thì họ sẽ bị loại bỏ khỏi nơi làm việc.
Trong khi đó vùng St. Louis tại Mỹ đã trở thành nơi đầu tiên quay trở lại với quy định mang khẩu trang bắt buộc, khi ca nhiễm tăng cao.
Giới chức y tế đổ lỗi cho tỉ lệ chích ngừa thấp và biến chủng Delta mới.
Trưởng Quận St. Louis, ông Sam Page nói không nên nhìn khẩu trang một cách tiêu cực.
Khẩu trang đã trở thành một biểu tượng của sự chia rẽ chính trị ở đất nước chúng ta, nhưng chúng không phải là sự bảo vệ viển vông như có người vẫn nói. Thay vào đó, khẩu trang giúp làm chậm lại sự lây lan của virus và cho chúng ta thời gian để thuyết phục nhiều người hơn đi chích ngừa. nếu tỉ lệ ca nhiễm vẫn giữ nguyên ở mức cũ thì chúng tôi sẽ hành động tích cực hơn nữa để toàn bộ khu vực không phải áp dụng bất kỳ hạn chế nào khác. Và chúng tôi tin rằng quy định bắt buộc đeo khẩu trang sẽ giúp chúng tôi kiểm soát được tình hình càng nhiều càng tốt, nhằm tránh bất kỳ hạn chế nào khác sẽ áp dụng trong cộng đồng của chúng ta.
Việc đeo khẩu trang ngoài trời được khuyến khích mạnh mẽ, đặc biệt với những nhóm thường gặp nhau ngoài trời, và mặc dù bị một vài quan chức phản đối, nhưng khẩu trang nay bắt buộc tại các khu vực trong nhà, nơi công cộng và trên phương tiện giao thông công cộng, tại quận St. Louis và thành phố St. Louis, đối với tất cả những ai trên 5 tuổi, thậm chí với những người đã chích ngừa đầy đủ.
Việt Luận tổng hợp