‘Ngày xửa ngày xưa’ thường được dùng để bắt đầu một câu chuyện cổ tích, nhưng thật ra cũng không xưa lắm đâu khi tôi chia sẻ câu chuyện sau đây. Hồi đó ở thành phố Launceston nhỏ bé dễ thương của Tasmania, rất ít người Á Châu sống ở đây, mà người Việt lại càng ít, vỏn vẹn chỉ ‘dăm ba’ người. Do đó nếu được gặp người Việt, thì như cá gặp nước, như chim được bay trên vòm trời bao la…
Một hôm bầu trời Launceston với từng hạt mưa nhè nhẹ nghe như tiếng thầm thì, thay vì ngồi chấm bài cho sinh viên, khi đang lơ đãng nhìn mơ hồ ra dòng sông Tamar nằm cạnh đại học, tôi nghe tiếng ai đó nhỏ nhẹ “xin chào anh.” Tôi rất ngạc nhiên khi nhìn lên thì thấy một sinh viên Việt Nam ‘từ đâu đến nơi chốn xa xôi này.’ Thay vì tiếp tục chấm bài cho ngày mai, hai anh em rủ nhau xuống quán café của trường để chuyện trò, từ chuyện học cho đến chuyện đời, chuyện người và chuyện mình, câu chuyện đi vào lòng người như từng hạt mưa rơi.
Người sinh viên thanh lịch khôi ngô đó nay là Oanh Nguyễn (Owen Nguyễn), nay là professor trong đại học Hàng Hải của University of Tasmania. Những đề tài nghiên cứu của Oánh thường nghiêng về ‘logistics’, vậy mà tâm hồn của ‘chàng’ thì rào rạt với mưa nửa đêm, áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc, và khúc nhạc thanh xuân với mãi mãi là người tình. Tình cảm cũng ướt át chả thua chi thi sĩ Bùi Giáng trong ‘Mai Sau Em về’:
Em về mấy thế kỷ sau Nhìn trăng có thấy nguyên màu ấy không Ta đi còn gửi đôi giòng Lá rơi có dội ở trong sương mù?
Thật ra tôi thỉnh thoảng cũng gặp một vài người Việt khác từ Melbourne hay Sydney ‘tạt qua’ Launceston, nhưng với Oanh phảI nói là một hiện tượng dễ thương và trân quý cho người Việt ở Launceston. Dù thời gian trôi qua cũng đã mấy năm rồi, nhưng cậu sinh viên mà tôi đã gặp vẫn hiền hòa, khiêm nhường, và đam mê nghệ thuật, nhất là âm nhạc dù nay đã bước qua tuổi nửa chừng xuân.
Trong chuyến đi Tasmania vừa rồi, Vinh, cô học trò ‘ngày xưa’ của QH và tôi, nay dạy học ở Phân Khoa Sư Phạm, tổ chức một buổi văn nghệ tại nhà cho ‘thầy cô’ trong dịp trở về mái nhà xưa ở Tasmania. Tưởng là hát vu vơ ‘cho trót đêm nay’, không ngờ đây là một đêm nhạc ru lòng người, với lối chơi đàn guitar tuyệt vời của Oanh. Không những vậy, ngoài biết nhiều về nhạc cụ, Oanh còn có một kiến thức rất uyên thâm về âm nhạc Việt Nam và thế giới.
Tôi nghĩ thầm, nếu Oanh và người tình trăm năm Hà Hoàng (Senior Research Fellow, Tasmania Uni), với giọng hát rất truyền cảm, nếu qua Melbourne, chắc là âm nhạc Melbourne cũng thu hút như thành phố Huế với trai xứ Quảng: “thấy cô gái Huế chân đi không đành.”
Hôm nay mùa thu vẫn còn vương vấn với Melbourne, những hạt mưa rơi còn e lệ ở những chân trời xa thẳm, chưa chịu đến trên thành phố này, tuy vậy ngồi nhìn mùa thu qua khung cửa sổ, tôi rung cảm khi nhớ đến tiếng đàn của Oanh và giọng ca truyền cảm của bạn bè trong đêm ca nhạc ở Launceston khi mà ký ức của mình lãng mạn hòa với “Em có nghe lá vàng rơi rơi, em có nghe khi mùa thu tới, ta nhớ nhau một thời”.