- Xuân Lan
Khi kế hoạch cho chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Nhật Bản vẫn đang dùng dằng, các nhà lập pháp thuộc đảng cầm quyền đang thúc giục Tokyo huỷ bỏ hẳn chuyến thăm cấp nhà nước của ông Tập để phản ứng trước việc Bắc Kinh đưa ra Luật An ninh ở Hồng Kông.
Tình trạng hiện tại đã rất khác biệt so với hồi tháng 12 năm ngoái, khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tới Bắc Kinh gặp gỡ và dùng bữa trưa với ông Tập bên lề Hội nghị thượng đỉnh Thành Đô.
Đó là cuộc gặp lần thứ tư giữa hai nhà lãnh đạo sau chuyến thăm chính thức của ông Abe đến thủ đô của Trung Quốc vào tháng 10 năm 2018. Tại thời điểm đó, ông Tập nói hai nước nên “tiếp tục đẩy mạnh phát triển các quan hệ song phương theo đúng theo tinh thần “biến cạnh tranh thành hợp tác”, theo Tân Hoa Xã.
Nếu không vì COVID-19, ông Tập lẽ ra đã có chuyến thăm cấp nhà nước đến Tokyo vào tháng 4 năm nay. Đó sẽ là chuyến thăm đầu tiên của một Chủ tịch Trung Quốc kể từ năm 2008, và được kỳ vọng sẽ bao gồm các cam kết chính trị quan trọng để đặt nền tảng cho quan hệ giữa hai nước trong tương lai.
Tuy nhiên, vì dịch bệnh, chuyến thăm đã bị hoãn và hiện đang có nhiều suy đoán rằng nó sẽ không diễn ra trong năm nay.
Đầu tháng 7 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono đã cảnh báo rằng Luật An ninh quốc gia gây tranh cãi đối với Hồng Kông có thể “tác động đáng kể” tới kế hoạch đón tiếp ông Tập như một vị khách mời cấp nhà nước, theo hãng tin Kyodo của Nhật Bản.
Hôm 3/7, các nhà lập pháp thuộc đảng Dân chủ Tự do cầm quyền đã thúc giục Tokyo huỷ bỏ hẳn chuyến thăm cấp nhà nước của ông Tập, viện dẫn lý do về động thái của Bắc Kinh tại Hồng Kông.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung quốc Triệu Lập Kiên ngay sau đó đã đáp trả gay gắt: “Trung Quốc kịch liệt phản đối những nhận xét tiêu cực liên quan tới Hồng Kông của Nhật Bản. Lâu nay Trung Quốc đã không thảo luận các vấn đề song phương lớn với Nhật Bản.”
“Một số người ở Nhật Bản từ lâu đã quen với việc nhận xét vô trách nhiệm các vấn đề nội bộ của nước khác cũng như thường xuyên cường điệu các vấn đề chính trị. Điều tôi muốn nói là những vở kịch chống Trung Quốc của họ không có ý nghĩa gì đối với Trung Quốc, chúng tôi không có thời gian và cũng không hứng thú để giải trí cho họ,” ông Triệu nói kịch liệt.
Nhật Bản đã có lập trường cứng rắn bất thường trước việc Bắc Kinh siết chặt gọng kìm đối với Hồng Kông. Chánh văn phòng Nội các Yoshihide Suga nói việc thông qua bộ luật là “điều đáng tiếc” – thuật ngữ mạnh thứ hai trong từ vựng ngoại giao của Tokyo sau từ “lên án”, từng được sử dụng để chỉ trích các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên.
Bắc Kinh và Tokyo đã trở nên bất hoà kể từ khi xảy ra vụ va chạm gần đảo Điếu Ngư năm 2010, nhưng đã nối lại quan hệ trong hai năm qua như những đối thủ chiến lược.
Các nhà quan sát cho rằng những nhận xét gần đây của các quan chức Nhật Bản đã cho thấy rõ Tokyo mất lòng tin sâu sắc với Bắc Kinh liên quan tới các vấn đề trong khu vực.
Ông Liu Jiangyong, một chuyên gia về quan hệ quốc tế của Đại học Thanh Hoa Bắc Kinh, cho biết trước đó việc hợp tác chống COVID-19 đã mang lại những dấu hiệu hợp tác tích cực trong việc cải thiện quan hệ song phương, nhưng gần đây rõ ràng đã có sự trượt dốc toàn diện trong quan hệ hai nước, có thể tiến triển đến mức nguy hiểm.
Một số nhà lập pháp bảo thủ trong Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền của ông Abe đã thúc đẩy việc huỷ chuyến thăm của ông Tập, viện dẫn những vấn đề quan trọng như nhân quyền ở Hồng Kông và Tân Cương. Quan điểm công khai chống Trung Quốc cũng ngày càng trở nên mạnh mẽ trong vài tháng qua.
Việc hoãn Thế vận hội Tokyo 2020 do virus corona sau 7 năm chuẩn bị và hàng chục tỷ đôla đầu tư đã giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế Nhật Bản đang gặp khó khăn, đồng thời chính quyền ông Abe cũng phải hứng chịu nhiều chỉ trích.
Tại Nhật Bản, các nhà phê bình đổ lỗi cho ông Abe về việc hoãn Thế vận hội vì đã không cấm khách du lịch Trung Quốc vào cuối tháng Một khi virus corona mới ở giai đoạn ban đầu.
Một dấu hiệu khác của mối quan hệ căng thẳng là việc ông Tập và ông Abe không nói với nhau câu nào từ khi dịch bệnh bùng phát, kể cả khi Nhật Bản viện trợ khẩu trang và thiết bị y tế cho Bắc Kinh và được dư luận Trung Quốc khen ngợi.
Ngược lại, ông Tập đã có ba cuộc điện đàm với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và hai cuộc với Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Trong một động thái có thể chọc giận ban lãnh đạo Trung Quốc hơn nữa, Nhật Bản thuộc nhóm Bảy Quốc gia đã ký một tuyên bố chung hôm 17/6, bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về dự luật mới tại Hồng Kông.
Các nhà phân tích cho rằng mối quan hệ giữa hai nước có thể sẽ căng thẳng một thời gian dài. Năm 2018, Nhật Bản là một trong những nước đầu tiên theo Mỹ trong việc cấm gã khổng lồ Huawei xây dựng cơ sở hạ tầng 5G.
Tuần trước, Nhật Bản đã tổ chức một cuộc diễn tập hải quân chung với Ấn Độ, quốc gia hiện đang có mối quan hệ căng thẳng với Trung Quốc do cuộc đụng độ biên giới tại dãy Himalaya. Cuộc tập trận này có thể được hiểu là một phần trong nỗ lực dài hơi của Tokyo chống lại Bắc Kinh.
Xuân Lan