Lời người dịch: Dưới thời Stalin, từ 1928 tới 1953, 1500 nhà văn (cả nam lẫn nữ) đã bị hành quyết hoặc chết trong những trại tập trung cùng với vô số đồng bào của họ, bản thảo của họ bị cất giữ trong kho bí mật của KGB, Isaac Babel, người nổi tiếng rất nhanh khi những truyện ngắn của ông được xuất bản năm 1924, đã trở thành mục tiêu của Stalin vì ông vừa là người theo khuynh hướng tự do, vừa là người Do Thái. Babel từ chối viết theo chỉ thị của Đảng. Theo lời kể của con gái ông, Babel “rút lui vào sự im lặng mặc dù đã được hứa hẹn những phần thưởng lớn lao nếu ông chịu viết trở lại.” Để trả lời sự mua chuộc của Stalin, ông nói: “Sự sáng tạo không cư ngụ trong những lâu đài.” Cuối cùng, vào buổi sáng tinh mơ ngày 16 tháng 05, 1939, Babel bị bắt và biệt tích cho tới mãi 15 năm sau, mới lại được nghe nhắc đến khi tin tức về cái chết của ông được thông báo trong văn kiện chính thức: ngày 17 tháng Tư, 1941. Bị kết tội oan ức là tham gia một âm mưu khủng bố, ông đã bị xử bắn.
Và Rồi Chẳng Còn Ai Hoàng Chính dịch từ bản Anh ngữ And Then There Were None của Max Hayward, trong tuyển tập God’s Spies – Stories in Defiance of Oppression, biên tập bởi Alberto Manguel (Toronto: Macfarlane Walter & Ross, 1990.)
Bọn tù chết sạch, cả chín đứa. Tôi cảm nhận được điều đó từ trong xương tủy của mình.
Hôm qua,
khi hạ sĩ Golov, công nhân viên ở phi trường Sormovo, giết gã Ba Lan mảnh
khảnh, tôi cằn nhằn với sĩ quan tham mưu là ông hạ sĩ này đã làm gương xấu cho
lính của mình, đúng ra chúng tôi phải lập danh sách tù nhân để gọi họ lên thẩm
vấn. Viên sĩ quan tham mưu đồng ý. Tôi rút cây bút chì và mảnh giấy ra khỏi ba
lô và gọi Golov.
Ném cho tôi cái nhìn đầy căm tức, hắn bảo, “Anh nhìn đời qua cặp kính cận của
anh.”
“Đúng,” tôi trả lời, “thế còn anh, anh nhìn đời qua cái gì hở Golov?”
“Tôi nhìn nó qua cuộc sống khổ như chó của giai cấp công nhân,” hắn nói, tay nắm chặt bộ đồng phục Ba Lan với hai tay áo đong đưa. Rồi hắn quay lưng, bước về phía một trong những tù nhân. Hắn đã mặc thử, nhưng chiếc áo không vừa cỡ hắn – ống tay áo chỉ đến gần khuỷu.
Đứng cạnh người tù, Golov chỉ trỏ cái quần tây lịch lãm của người tù. “Mày là sĩ quan phải không?” Hắn nói, một tay che mắt vì nắng chói.
“Không,” câu trả lời cụt ngủn của người tù Ba Lan.
“Bọn chúng tao không thèm mặc thứ đồ ấy,” Golov lẩm bẩm rồi lặng thinh. Hắn không nói gì, run run nhìn đám tù, hai mắt mở lớn vô hồn.
“Mẹ tôi đan cho tôi,” người tù điềm tĩnh nói.
Tôi xoay lại nhìn người tù. Anh là một thanh niên trẻ với thân hình thon gọn và bộ râu quai nón loăn xoăn trên đôi má vàng bủng “Mẹ tôi đan cho tôi,” anh nhắc lại và cúi đầu nhìn xuống.
“Bà ấy
đan như máy vậy, bà già của mày ấy,” Đứng cạnh đấy, Andrushka Burak chêm vào.
Burak là dân Cossack, gã có khuôn mặt hồng hào và mái tóc mịn, gã đã lột chiếc
quần từ xác chết người tù Ba Lan. Chiếc quần ấy bây giờ đang vắt ngang yên ngựa
của gã. Vừa cười, Andrushka vừa thúc ngựa về phía Golov, thong thả gỡ bộ đồng
phục từ tay Golov, vắt nó lên chiếc quần vắt trên yên ngựa, và, khẽ quất cây
roi, thúc ngựa rời khỏi chỗ chúng tôi.
Lúc này, mặt trời ló ra từ sau đám mây đen, hắt ánh sáng chói chan lên con ngựa
của Andrushka, con ngựa đang phi nước kiệu một cách xấc xược bằng những động
tác vung vẩy vô tư lự của chiếc đuôi đã bị khấu. Golov nhìn theo gã Cossack.
Hắn quay lại, thấy tôi đang lập danh sách tù nhân. Rồi hắn nhìn người tù trẻ Ba
Lan có râu loăn xoăn hai bên má, kẻ đang nhìn lướt hắn với vẻ khinh mạn trầm
tĩnh của tuổi trẻ và mỉm cười trước sự bối rối của hắn. Sau đó, Golov chụm hai
tay lên miệng làm loa, hét lớn, “Đây vẫn là nước cộng hòa, Andrushka à. Rồi thì
cũng đến phần của cậu. Trả lại tớ mớ đồ ấy đi.”
Andrusjka giả điếc. Hắn thúc ngựa phi nước kiệu, con ngựa nghịch ngợm vung vẩy cái đuôi, như thể không xem chúng tôi ra gì.
“Quân phản bội,” Golov gằn giọng. Mặt hắn đanh lại, đầy vẻ bực bội. Hắn quỳ một chân xuống, đưa súng trường lên nhắm, và bóp cò, nhưng không trúng.
Ngay lập
tức Andruska xoay ngựa lại và phóng về phía viên hạ sĩ. Khuôn mặt đỏ hồng của
hắn bộc lộ sự giận dữ. “Nghe đây, chú em!” hắn gằn từng chữ và đột nhiên hắn
cảm thấy hài lòng vì giọng nói mạnh mẽ của chính mình. “Muốn chết hả, thằng
khốn? Giết được có mười thằng Ba Lan việc gì phải cuống lên chứ? Tụi tao đã
giết hàng trăm đứa mà có cần mày giúp gì đâu. Tự nhận mình thuộc về giai cấp
công nhân à? Vậy thì hãy thử làm cái gì đó coi cho được xem nào.”
Rồi nhìn chúng tôi một cách hả hê, Andrushka phóng ngựa bỏ đi.
Golov không thèm nhìn theo. Hắn đưa tay lên trán. Máu tuôn ra từ trán hắn như nước mưa ứa ra từ đống cỏ khô. Hắn lật úp người, bò lê tới một cái hố, và úp cái mặt máu me của hắn xuống vũng nước cạn một lúc lâu.
Bọn tù đã chết. Tôi cảm nhận điều đó tận trong xương tủy mình.
Ngồi trên lưng ngựa, tôi làm một danh sách chia thành cột thẳng hàng. Ở cột thứ nhất tôi đánh số thứ tự, cột thứ nhì tôi ghi tên tù binh và cột thứ ba ghi đơn vị phục vụ. Công việc hoàn tất cho cả chín người. Người thứ tư là Aldolf Schulmeister, một viên thư ký từ thành phố Lodz ở Ba Lan. Anh ta bám sát chân ngựa của tôi và vừa gõ nhẹ, vừa vuốt ve giầy ống của tôi bằng những ngón tay run rẩy. Chân anh ta đã bị gẫy vì một cú báng súng. Máu và mồ hôi loang lổ, lấp lánh dưới nắng, sôi bỏng trên cái đầu hói nứt nẻ vàng vọt của anh ta làm anh ta trông hệt một con chó què.
“Ông là người Do Thái, phải không ạ!” Anh ta thì thầm, cuống cuồng vuốt ve cái bàn đạp yên ngựa của tôi. “Phải ông là –” anh ta lắp bắp, nước bọt chảy ròng ròng từ miệng, và thân thể anh ta co giật vì mừng rỡ.
“Đứng vào hàng, Schulmeister!” tôi hét vào mặt gã Do Thái, và bỗng nhiên bị xâm chiếm bởi cảm giác uể oải đến điếng người, tôi tuột xuống ngựa và câu hỏi của anh ta làm tôi nghẹn họng, “Làm sao anh biết?”
“Ông có cái nét tử tế của người Do Thái,” anh ta vừa nói bằng giọng lanh lảnh vừa nhảy lò cò một chân, để lại vệt máu nhòe nhoẹt phía sau. “Cái vẻ tử tế Do Thái đấy, thưa ông.”
Sự nhăng nhít của anh ta đượm mùi chết chóc và thật là khó khăn để có thể xua đuổi cái mùi ấy đi. Phải ít lâu sau đó tôi mới bình tĩnh lại, như thể mới bị chấn động não bộ. Viên sĩ quan tham mưu ra lệnh cho tôi đi lấy ổ súng máy. Những ổ súng máy được kéo lên đồi, như những con bê bị tròng dây cương. Chúng lắc lư lách cách như một bầy thú đang cố trấn an nhau. Ánh nắng đùa giỡn trên những nòng súng bụi bặm, tôi thấy một cầu vồng sáng chói kim loại.
Gã Ba Lan trẻ với hàng râu quai nón quăn bên má nhìn những ổ súng với vẻ tò mò dân quê. Anh ta khom người về phía trước, nhờ vậy mà tôi thấy Golov đang bò ra khỏi cái rãnh, nhợt nhạt và rã rời, với cái đầu rách tét, và khẩu súng trường ngang tầm nhắm. Tôi đưa tay về phía hắn và hét lớn, nhưng âm thanh vướng lại, tắc nghẹn và phồng lên trong cổ họng tôi. Golov nhanh chóng bắn vào gáy người tù rồi đứng bật dậy. Người tù Ba Lan sững sờ đổi thế, xoay người như thể đang tuân theo mệnh lệnh lúc duyệt binh. Bằng động tác chậm rãi như một người đàn bà trao phó mình cho một người đàn ông, anh ta đưa hai tay ra sau gáy, gục xuống mặt đất, và chết lập tức.
Nụ cười khuây khỏa và thỏa mãn vạch ra trên mặt Golov. Má hắn nhanh chóng phục hồi mầu sắc ban đầu. “Mẹ của tao không đan quần như thế cho tụi tao,” Hắn bẽn lẽn nói nhỏ với tôi. “Gạch tên nó ra và đưa danh sách tám đứa kia cho tôi.”
Tôi đưa danh sách cho hắn và nói một cách tuyệt vọng, “Mày sẽ chịu trách nhiệm cho tất cả những chuyện này, Golov ạ.”
“Tôi sẽ chịu trách nhiệm, dĩ nhiên rồi, nhưng không phải với mấy anh, mà là với nhân dân! Họ biết phải trái, đúng sai.”
Đám tù đã chết. Tôi cảm nhận điều đó từ trong xương tủy mình.
Sáng nay, tôi quyết định phải làm điều gì đó để tưởng nhớ họ. Trong đội kỵ binh Hồng Quân, không ai ngoài tôi có thể làm việc đó. Đơn vị chúng tôi đóng quân trong một trang trại bị tàn phá ở miền quê Ba Lan. Tôi lấy cuốn nhật ký, đi vào vườn hoa, nơi vẫn còn nguyên vẹn. Lan dạ hương và hồng xanh mọc đầy nơi đó.
Tôi bắt
đầu ghi chép về ông hạ sĩ và chín người tù đã chết. Nhưng ngay lập tức tôi bị
khuấy động bởi tiếng lao xao – thứ tiếng-động-quá-quen-thuộc. Cherkaskin, một
tên xu nịnh, đang đánh cắp tổ ong. Mitya, người có đôi má đỏ hồng đến từ vùng
Orel của nước Nga, đang đi theo hắn với cây đuốc bốc lửa trong tay. Chúng nó
trùm đầu thật kỹ bằng lớp áo choàng dày. Lấp ló sau kẽ hở, những con mắt của
chúng nó hừng hực lửa. Từng bầy ong tìm cách đẩy lui bọn tấn công và rụng chết
bên tổ của mình.
Tôi bỏ bút xuống. Có quá nhiều điều u uất phải viết ra, tôi biết làm sao bây
giờ!
1923
Isaac Babel
Bản tiếng Việt – Hoàng Chính