Trung Quốc kêu gọi châu Âu chống Hoa Kỳ: Pháp cảnh báo nguy cơ cho công nghiệp

Lê Huyền

Ảnh minh họa, chụp từ màn hình YouTube.

Giữa lằn ranh căng thẳng của cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ-Trung Quốc, lãnh đạo Tập Cận Bình kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) “đồng lòng chống lại” các biện pháp thuế quan của Hoa Kỳ, nhằm lôi kéo châu Âu làm đồng minh. Truyền thông Pháp gọi đây là hành động của một “người bạn giả tạo”, cảnh báo rằng hàng hóa dư thừa từ Trung Quốc có thể tràn vào châu Âu, đe dọa phá hủy các ngành công nghiệp bản địa do chi phí thấp bất thường.

Ngày 9/4/2025, Tổng thống Trump tuyên bố tạm hoãn áp thuế quan đối đẳng trong 90 ngày với hơn 75 quốc gia, nhưng Trung Quốc bị loại khỏi danh sách. Với mức thuế Hoa Kỳ áp lên Trung Quốc đạt 145% và Trung Quốc đáp trả bằng 125%, thương mại song phương đang bên bờ vực xung đột. Trước tình thế này, lãnh đạo Tập Cận Bình ngày 11/4 kêu gọi EU hợp tác để đối phó chính sách của Hoa Kỳ, hy vọng tạo liên minh chiến lược.

Tờ Les Echos của Pháp nhận định ý định này tiềm ẩn rủi ro lớn. Nếu hàng hóa Trung Quốc không vào được Hoa Kỳ do thuế cao, chúng sẽ chuyển hướng sang châu Âu, gây áp lực cho các ngành công nghiệp địa phương. Nhà kinh tế Olivier Blanchard và Lionel Fontagné ví tác động này như một “cú boomerang” giáng vào EU. Với chi phí sản xuất thấp hơn 30-40% và trợ cấp công nghệ, hàng hóa Trung Quốc đã khiến EU bất bình vì “cạnh tranh không công bằng”. Năm 2024, Trung Quốc đạt thặng dư thương mại 304 tỷ euro với EU, trở thành nguồn nhập khẩu lớn nhất khu vực.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen khẳng định EU sẽ không dung thứ cho dòng hàng hóa Trung Quốc chuyển hướng từ Hoa Kỳ, sẵn sàng áp biện pháp bảo hộ nếu nhập khẩu tăng đột biến. Nhà kinh tế Mary-Françoise Renard nhấn mạnh nguy cơ từ xe điện và thiết bị điện tử giá rẻ của Trung Quốc. Nicolas Goetzmann từ Financière de la Cité cho rằng, mất thị trường Hoa Kỳ, Trung Quốc đang chuyển hướng sang châu Âu để duy trì tăng trưởng, nhưng việc mở cửa cho Bắc Kinh có thể hủy hoại công nghiệp EU.

Tờ Les Echos còn chỉ trích Trung Quốc hỗ trợ Nga trong cuộc chiến Ukraina, làm dấy lên nghi ngờ về ý định của Bắc Kinh. Theo CNBC, chuyên gia Max Bergmann từ CSIS nhận định EU khó liên kết với Trung Quốc do mâu thuẫn kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực ô tô và công nghệ sạch. Quan hệ EU-Trung vốn căng thẳng bởi trợ cấp công nghiệp và vấn đề nhân quyền, khiến lời kêu gọi của lãnh đạo Tập khó thành hiện thực.

Related posts