Phản ứng của các chính trị gia Pháp và nước ngoài về bản án của bà Le Pen

Bà Marine Le Pen (Nguồn: Nghị viện châu Âu/ Flickr)

Các chính trị gia Pháp và nước ngoài đang phản ứng với các bản án được tòa án Paris đưa ra vào thứ Hai (31/3) trong một vụ kiện chống lại đảng cánh hữu Tập hợp Quốc gia (National Rally – RN) và một số nhân vật nổi bật nhất của đảng này, trong đó có bà Marine Le Pen, cựu lãnh đạo của đảng và hiện đang đứng đầu phe RN trong quốc hội.

Bà Le Pen và những người khác đã bị kết tội biển thủ quỹ Liên minh châu Âu (EU) dành cho các trợ lý chính trị và phải đối mặt với nhiều bản án khác nhau, bao gồm lệnh cấm năm năm không được tham gia tranh cử các chức vụ công và hai năm quản thúc tại gia.

Một số bị cáo khác cũng đã bị kết án tù với nhiều mức án khác nhau.

RN là đảng lớn nhất trong quốc hội Pháp và bản án vừa được tuyên đã gây chấn động khắp đất nước này và cả nền chính trị châu Âu nói chung. Các đồng minh của bà Le Pen, cũng như các nhà lãnh đạo cánh hữu từ châu Âu và trên khắp thế giới, đã cùng lên án phán quyết này là hành vi lạm quyền của nhánh tư pháp.

Hội đồng Tư pháp Tối cao của Pháp trong một tuyên bố hôm thứ Hai (31/3) đã bày tỏ mối quan ngại về những gì họ gọi là “phản ứng dữ dội” do phán quyết gây ra sau khi các đồng minh của bà Le Pen tại Pháp và các nhà lãnh đạo cánh hữu từ các nước châu Âu lên án phán quyết này.

“Những lời đe dọa nhắm vào cá nhân các thẩm phán phụ trách vụ án, giống như những tuyên bố của các nhà lãnh đạo chính trị về bản chất của vụ truy tố hoặc bản án, đặc biệt là trong quá trình thảo luận, không thể được chấp nhận trong một xã hội dân chủ“, Hội đồng Tư pháp Tối cao của Pháp cho biết, đồng thời kêu gọi sự ôn hòa.

Cựu Tổng thống Pháp Francois Hollande đã kêu gọi “tôn trọng sự độc lập của ngành tư pháp” sau khi bà Le Pen bị kết án. “Công lý đã lên tiếng về mặt pháp lý, không rao giảng về đạo đức và đã lên tiếng một cách hoàn toàn độc lập“, ông Hollande nói với BFM-TV, đồng thời cho biết thêm rằng tòa án đã đưa ra “một bản án khắc nghiệt, nhưng đối với những tội nghiêm trọng“.

Đảng Xã hội Pháp cho biết họ thừa nhận phán quyết của tòa án chống lại bà Le Pen “như bất kỳ phán quyết nào khác” và kêu gọi “tôn trọng sự độc lập của ngành tư pháp và pháp quyền“.

“Đảng Xã hội vẫn cam kết bảo vệ các giá trị cộng hòa và tính minh bạch trong đời sống công cộng, vốn là điều cần thiết để xây dựng lòng tin của công chúng“, đảng này cho biết trong một tuyên bố.

Thủ tướng Pháp Francois Bayrou “bối rối” trước phán quyết biển thủ công quỹ chống lại bà Le Pen, một nguồn tin thân cận với ông cho AFP biết. Ông Bayrou không có kế hoạch đưa ra “bất kỳ tuyên bố nào về phán quyết của tòa án“, nguồn tin này nói thêm.

Những người khác đã hoan nghênh phán quyết chống lại bà Le Pen, nói rằng sự độc lập của ngành tư pháp và pháp quyền phải được tôn trọng sau khi thẩm phán kết tội bà biển thủ tiền của EU để hưởng lợi cho đảng của mình.

Nhà lập pháp trung dung Sacha Houlie đã bày tỏ sự ủng hộ của mình với các thẩm phán.

“Chúng ta nghĩ rằng đến thời điểm nào thì một thẩm phán sẽ không áp dụng luật? Liệu xã hội có quá bệnh hoạn đến mức bị xúc phạm bởi những gì không hơn không kém gì pháp quyền không?“, ông Houlie đã viết trên mạng xã hội X.

Trong khi đó, đồng minh thân cận được ví là cánh tay phải của Le Pen, chủ tịch RN Jordan Bardella tuyên bố: “Hôm nay không chỉ Marine Le Pen bị kết án oan: Mà nền dân chủ Pháp đã bị giết chết“.

Bên kia bờ Đại Tây Dương, Washington đã bày tỏ lo ngại về việc các ứng cử viên bị loại khỏi tiến trình chính trị, theo lời của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Tammy Bruce.

“Chúng ta phải làm nhiều hơn với tư cách là phương Tây chứ không chỉ nói về các giá trị dân chủ, chúng ta phải sống theo chúng“, bà Tammy Bruce phát biểu tại một cuộc họp báo, bình luận về phán quyết bà Le Pen có tội.

“Việc loại trừ mọi người khỏi tiến trình chính trị đặc biệt đáng lo ngại, xét đến cuộc chiến pháp lý hung hăng và tham nhũng chống lại Tổng thống Trump tại Hoa Kỳ“, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết thêm.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm thứ Hai (31/3) nói rằng việc kết án nhà lãnh đạo cánh hữu của Pháp Marine Le Pen và lệnh cấm bà tham gia tranh cử tổng thống năm 2027 là “một vấn đề rất lớn“.

“Đó là một vấn đề rất lớn“, ông Trump nói với các phóng viên tại Nhà Trắng vào tối Thứ Hai (31/3) khi được hỏi về bản án đó.

“Tôi biết tất cả về điều đó, và rất nhiều người nghĩ rằng bà ấy sẽ không bị kết án vì bất cứ điều gì“, ông Trump nói.

“Nhưng bà ấy đã bị cấm tranh cử trong năm năm, và bà ấy là ứng cử viên hàng đầu. Nghe có vẻ giống đất nước này, nghe có vẻ rất giống đất nước này“, ông Trump nói thêm, ám chỉ rõ ràng đến các vụ kiện mà chính ông phải đối mặt trước khi nhậm chức nhiệm kỳ hai.

Tỷ phú Elon Musk, người đã đang dẫn đầu các cuộc kêu gọi luận tội các thẩm phán Hoa Kỳ chặn chương trình nghị sự của Tổng thống Donald Trump, đồng thời cũng ủng hộ các nhân vật cánh hữu châu Âu, đã cáo buộc một âm mưu của chính quyền đằng sau vụ kết tội bà Le Pen.

“Khi phe cánh tả cấp tiến không thể giành chiến thắng thông qua cuộc bỏ phiếu dân chủ, họ sẽ lạm dụng hệ thống pháp luật để bỏ tù những người đối lập với mình. Đây là chiêu trò tiêu chuẩn của họ trên toàn thế giới“, ông Musk viết trên X.

Cựu Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro, người bị cấm giữ các chực vụ công cho đến năm 2030 vì lạm dụng quyền lực, đã nói với Reuters rằng bản án của bà Le Pen là “chủ nghĩa hoạt động tư pháp cánh tả“.

“Je suis Marine!” (Tôi là Marine) Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã viết trên X bằng tiếng Pháp, tỏ ý ủng hộ bà Marine Le Pen.

Phó Thủ tướng Ý Matteo Salvini cũng đã lên án phán quyết chống lại bà Le Pen. Trong một bài đăng trên X vào thứ Hai (31/3), ông Salvini đã so sánh kết quả của phiên tòa ở Paris với việc cấm ứng cử viên độc lập Calin Georgescu gần đây ở Romania.

“Những người sợ phán quyết của cử tri thường tìm thấy sự an tâm trong phán quyết của tòa án. Một bộ phim tệ mà chúng ta cũng đang thấy ở các quốc gia khác như Romania“, ông Salvini tuyên bố.

Chính trị gia cánh hữu của Ý này gọi phán quyết chống lại bà Le Pen là “một lời tuyên chiến của Brussels, vào thời điểm mà những xung lực hiếu chiến của bà Von der Leyen và ông Macron đang [trở nên] rất đáng sợ“. Rõ ràng là ông Salvini đang ám chỉ đến động thái của Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen nhằm quân sự hóa EU và đề xuất của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về việc triển khai quân đội tới Ukraine.

Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev đã gọi phán quyết kết tội bà Le Pen là một nỗ lực của chính quyền Pháp nhằm loại bỏ các đối thủ chính trị, nói rằng nền Cộng hòa Pháp thứ năm đã hoàn toàn mất uy tín.

“Mục tiêu chính của phán quyết được sắp xếp vội vàng này là gạt bỏ nhà lãnh đạo của một trong những đảng lớn của Pháp trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2027”, ông Medvedev viết trên mạng xã hội VKontakte, đồng thời cho biết thêm rằng “thế giới gần đây đã chứng kiến một sự ô nhục tương tự ở Romania”.

Việc kết án bà Le Pen là một “nỗi ô nhục” đối với một quốc gia tự coi mình là biểu tượng của tự do và báo hiệu sự chuyển dịch từ các tiêu chuẩn dân chủ sang các tiêu chuẩn của thế giới đang phát triển, ông Pascal Mas, cố vấn ngoại giao và chuyên gia về Nga, đã nói với hãng tin RT.

Ông Pascal Mas cho biết bà Le Pen đã bị truy tố vì “những điều rất nghiêm trọng” với mục đích “giết chết đảng của bà ấy”, và gọi đó là “điều không thể tin được” khi thấy một quốc gia được xây dựng trên nền tảng quyền tự do dân sự lại đi theo con đường như vậy. Ông nói rằng, “mọi người đều bị sốc khi chứng kiến sự bất công như vậy”, đồng thời cho biết thêm rằng phản ứng mạnh mẽ của công chúng có thể xảy ra sau đó.

Trích dẫn các cuộc thăm dò ý kiến mới nhất, ông Mas lập luận rằng chính quyền Pháp muốn bà Le Pen “ra khỏi cuộc đua” vì họ lo ngại bà có thể giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2027.

Ông Arnaud Benedetti, một nhà phân tích chính trị, cho biết lệnh cấm bà Le Pen là một bước ngoặt.

“Đây là một sự kiện chính trị gây chấn động. Chắc chắn, nó sẽ làm xáo trộn lại các phe nhóm, đặc biệt là phe cánh hữu“, ông Benedetti nói.

Bản án của Marine Le Pen là một ví dụ khác về sự can thiệp của tư pháp vào tiến trình chính trị, ông John Laughland, một giảng viên về chính trị và lịch sử tại Viện Công giáo Vendee (ICES) ở miền Tây nước Pháp, đã nói với RT. Ông gọi phán quyết của tòa án là “rất tệ” đối với hình ảnh của Pháp và EU, trích dẫn các trường hợp tương tự ở Romania và Đức.

Ông Laughland lập luận rằng quyết định này sẽ chỉ củng cố thêm vị thế của bà Le Pen và đảng Tập hợp Quốc gia là “nạn nhân của hệ thống” và cuối cùng là củng cố vị thế chính trị của họ.

Hải Đăng (T/h)

Related posts