Lưu Trọng Văn
31-3-2025
30 tháng 3 tròn một tháng nữa tới ngày 30 tháng 4 lịch sử.
Tại Sài Gòn diễn ra một cuộc gặp mặt lắng nghe nhau giữa các nhà hoạt động văn hoá xã hội với các nhà hoạt động chính trị. Người cao tuổi nhất là nhà sử học Nguyễn Đình Tư – 105 tuổi. Người ít tuổi nhất là nhà văn Nguyễn Ngọc Tư 49 tuổi. Thật thú vị cả hai đều tên… Tư.
Danh sách các nhà hoạt động văn hoá xã hội ngoài hai người tên Tư còn có: Bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm, tiến sĩ Mạc Văn Trang, đạo diễn Nguyễn Kim Chi, nhà thơ Hoàng Hưng, nhạc sĩ Trần Tiến, nhà thơ kiêm hoạ sĩ Đỗ Trung Quân, nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng, nghệ sĩ Thành Lộc, các NSND Trần Minh Ngọc, Hoàng Yến, Bạch Tuyết, Thanh Thuý, nhà văn Nguyễn Bình Phương, nhà văn Bích Ngân, kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu và gã, một người viết facebook.
Phía các nhà hoạt động chính trị có bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên, giáo sư Huỳnh Thành Đạt phó ban Tuyên giáo – Dân vận Trung ương, bà Phạm Phương Thảo, nguyên phó bí thư Thành uỷ, giáo sư Trần Hoàng Ngân đại biểu Quốc hội.
Điều phối cuộc trao đổi thú vị trên nguyên tắc “cởi mở” này là nhà văn Trình Quang Phú, viện trưởng Viện Nghiên cứu Phương Đông.
Nhìn những khuôn mặt ở đây, nhận định đầu tiên của gã, dù xuất thân, vị trí, công việc khác nhau họ có chung một điểm: Lòng yêu nước.
Cụ Nguyễn Đình Tư nói: Tôi chỉ là người Dân Việt Nam, yêu Nước Việt Nam, thề sống chết với Việt Nam.
Nghệ sĩ cải lương Bạch Tuyết hát bài phổ thơ “Quê hương” của Đỗ Trung Quân, mọi người cùng Quân vỗ tay hát theo. Nghệ sĩ Kim Chi nói vì lẽ gì mình bỏ cả tuổi xuân để đi kháng chiến, chịu bao mất mát hy sinh. Chỉ vì mong đất nước bình yên và hạnh phúc. Cũng vì mong vậy mà không chấp nhận những kẻ nào, những gì đi ngược lại, chị đã đấu tranh. Chị bật khóc rồi trong nước mắt chị nói: Có kẻ nghi ngờ tôi là phản động…
Câu chuyện chuyển qua điều mà đa số giới trí thức có tiếng nói trung thực, phản biện băn khoăn, đó là niềm tin vào nhau của giới hoạt động chính trị với giới hoạt động văn hoá xã hội.
Nhà thơ Hoàng Hưng ở tuổi 82 khẳng khái, suốt 20 phút nói thật lòng mình về cái chưa được trong ứng xử, trong sự mất niềm tin vào nhau ấy.
Ông kể, 20 năm trước ông có lời mời ra nước ngoài tham dự một hội thảo thơ, nhưng quá khó để xin giấy cho phép xuất cảnh, buộc lòng ông phải gặp tướng Nguyễn Văn Hưởng, phụ trách an ninh. Tướng Hưởng đã trực tiếp viết thư đề nghị cho ông xuất cảnh kèm theo câu nói: Tôi đã nhắc anh em nhiều lần, phải ứng xử đâu đó với các trí thức, nhất là phải tin họ. Hoàng Hưng kể tiếp, nhưng đến tận bây giờ ông vẫn bị ai đó hành xử coi như một phần tử phải… theo dõi.
Nghệ sĩ Thành Lộc xưa nay nổi tiếng là người nói thẳng. Lộc kể, một lần tôi đi nước ngoài, cũng bị một người có trách nhiệm dặn dò: Nhớ quay về nhé! Trời đất, ông ấy nói vậy là xúc phạm tôi. Tại sao có sự xúc phạm ấy? Do không tin nhau.
Còn một vị lãnh đạo ngành sân khấu tâm tình với tôi: Lộc vô đảng đi sẽ dễ được phong tặng nghệ sĩ nhân dân hơn. Tôi thật sửng sốt. Tôi là nghệ sĩ, hãy đánh giá những gì tôi diễn trên sân khấu. Sao lại phải có thứ khác để bảo đảm danh hiệu nghệ sĩ mà khán giả phong cho tôi. Lộc kể tiếp: Thú thật, khi tôi được giấy mời gặp mặt, tôi e dè, tôi nghi ngại. Tại sao vậy?
Đỗ Trung Quân cũng chân thực nói: Khi nhận giấy mời gặp mặt, tôi cũng nghi ngại. Chuyện gì nữa đây?
Vâng, vấn đề niềm tin vào nhau từ cả hai phía.
Nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng mô tả niềm tin bằng câu chuyện làm tượng của mình. Theo ông, trước hết với người nghệ sĩ thì chính mình phải có niềm tin vào tài năng và tâm huyết của mình đã rồi đến giới lãnh đạo tin vào tài năng và tâm huyết của người nghệ sĩ.
Ông Hạng đánh giá cao phẩm chất của ông Võ Văn Kiệt khi nhận ra giá trị của người nghệ sĩ, người trí thức bất kể họ là thành phần nào, ông đã dám tin. Ông Kiệt sẵn sàng đặt cược vị thế chính trị của mình vì niềm tin ấy khi ông nhận thức ra cái gì là đúng.
Nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng được ông Kiệt mời làm Tượng đài Chiến thắng đặt trước Dinh Độc Lập. Ông Hạng đã từ chối mà nói, ông chỉ làm Tượng đài Thống nhất với biểu tượng một trái tim trong triệu trái tim.
Theo ông, ý nghĩa của “Thống nhất” lớn hơn và hợp lòng Dân hơn. Lúc đó ông Kiệt đã phản ứng không đồng tình ý tưởng của ông Hạng. Nhưng sau một thời gian suy nghĩ, ông đã nhờ Trịnh Công Sơn mời ông Hạng đến nhà. Ông nắm chặt tay ông Hạng và nói: Tôi đồng ý làm Tượng đài Thống nhất.
(Sau này ông Kiệt có câu nói bất hủ: Ngày 30.4 có triệu người vui cũng có triệu người buồn).
Sau câu chuyện, ông Hạng hỏi bí thư Nên, vậy kỷ niệm 50 năm ngày 30.4 này sẽ thế nào?
Ông Nguyễn Văn Nên là người có tác phong gần gũi với giới trí thức, trong đó có nhiều trí thức nổi cộm vì các ý kiến phản biện gay gắt, bất đồng. Khi gặp giới trí thức ông luôn chăm chú lắng nghe và ghi chép những ý kiến của họ, nhất là những ý kiến khác biệt.
Tại cuộc gặp này cũng như nhiều cuộc gặp khác, ông luôn đứng dậy khiêm nhường nhưng tinh tế và chân thành nói cảm nghĩ của mình.
Sau đây là phát biểu của ông Nguyễn Văn Nên:
“Lớn lên tôi thấm bài thơ Quê hương của Đỗ Trung Quân rồi bài thơ Quê hương của Giang Nam. Lòng yêu nước, yêu quê hương không có đặc thù của riêng ai, không là đặc quyền của riêng ai. Mỗi người có cách thể hiện của mình, làm sao có lợi cho Đất nước, quê hương mà mình yêu. Nhưng tình yêu ấy cũng lớn lên theo thời gian. Nói như Giang Nam:
“Xưa yêu quê hương vì có hoa, có bướm
Có những ngày trốn học bị đòn roi
Nay yêu quê hương vì trong từng thước đất
Có một phần máu thịt của em tôi”.
Như nhà điêu khắc hỏi về ngày 30.4 thông điệp là gì? Chúng ta đang tập trung suy nghĩ theo hướng đó: Thống nhất. Chúng ta đổ xương máu là để Thống nhất Đất nước. Mục tiêu cao cả nhất, sâu xa nhất cũng là Thống nhất. Chúng ta không muốn nhắc lại, khơi lại niềm đau một bộ phận Dân tộc.
Chúng tôi từng góp ý chuyện này, đừng nói thắng thua lẫn nhau nữa. Làm sao Đất nước trọn niềm vui. Hãy gác lại chuyện riêng tư đau đớn. Gia đình tôi ngày Hòa bình có hai người hy sinh. Buồn lắm chứ. Nhưng đó là nỗi buồn chiến tranh, do chiến tranh gây ra chứ đâu phải do ngày Thống nhất. Lúc này tôi mong cô chú, anh chị góp phần cho Đất nước trọn niềm vui.
Cuộc gặp này nhiều ý nghĩa, thân tình. Cảm ơn sự có mặt của các cô chú, anh chị, những người tôi từng đọc, từng nghe, từng biết, trong không gian đầm ấm này đã chia sẻ.
Anh em hỏi tôi, chủ đề cuộc gặp này là gì? Tôi bảo là không tên. Hôm qua dự lễ khởi công cây cầu ở Trung tâm thành phố. Ngồi trên một con tàu neo đậu trên sông Sài Gòn, bất chợt nhớ lại truyện của một nhà văn nước ngoài có tên “Câu chuyện dòng sông” nói về dòng chảy của quá khứ, hiện tại, tương lai. Tôi sực nghĩ, à, ngày mai mình gặp những con người đã đi qua dòng chảy ấy khắc hoạ chân dung và những dấu ấn của họ. Tôi tràn những cảm xúc và coi cuộc gặp là cái duyên.
Nói như Thích Nhất Hạnh, một triệu giọt mưa rơi, không giọt nào nhầm chỗ cả. Hoàng tử bé nói: Chúng ta là cư dân của Trái đất này. Không ai lớn hơn ai. Ai cũng có sứ mệnh của mình. Ở đây chúng tôi không coi mình lớn hơn ai, chúng tôi lắng nghe tất cả. Anh Nguyễn Bình Phương nhận xét đúng, “bên nói, bên nghe đều chân thành, trách nhiệm như nhau”.
Chúng ta cùng nhau trên một dòng chảy. Cùng có tình yêu Đất nước, lòng tin, trách nhiệm và lòng trắc ẩn. Phải có lòng trắc ẩn mới hiểu nhau, nghe nhau, thông cảm nhau.
Một điều tôi thấy rất rõ, dù tuổi chất chồng nhưng củi lửa không ai nguội lạnh cả. Chúng ta cùng truyền cho nhau nguồn năng lượng và cống hiến”.
Một số hình ảnh từ nhà báo Lưu Trọng Văn về buổi họp mặt:







Bình Luận từ Facebook