
Trưa ngày 28/3, Myanmar đã xảy ra trận động đất mạnh làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nước láng giềng, bao gồm Thái Lan. Tại Bangkok, một tòa nhà chọc trời đang được thi công đã hoàn toàn sụp đổ. Đáng chú ý, tòa nhà này thuộc Văn phòng Kiểm toán Quốc gia Thái Lan, và đơn vị thi công là Công ty “Cục 10 Tập đoàn Xây dựng đường sắt Trung Quốc” (China Railway No.10 Engineering Group). Sau sự cố, truyền thông Trung Quốc ban đầu có đưa tin về vụ việc, tuy nhiên chỉ chưa đến 01 ngày sau, các bài báo liên quan đều bị gỡ xuống.
Theo tờ “Thời báo Tự do” (Liberty Times) tại Đài Loan, một tòa nhà chọc trời đang xây dựng ở Thái Lan đã hoàn toàn sụp đổ do trận động đất mạnh vào ngày 28/3. Tòa nhà này thuộc Văn phòng Kiểm toán Quốc gia Thái Lan, và đơn vị thi công là Cục 10 Tổng công ty Đường sắt Trung Quốc. Sau trận động đất, cư dân mạng phát hiện rằng vào năm ngoái, công ty này từng đăng bài chúc mừng việc hoàn thành cất nóc của tòa nhà này, thậm chí còn tuyên bố đây sẽ là “dấu ấn quan trọng” cho sự phát triển của công ty tại Thái Lan. Tuy nhiên, ngay sau khi xảy ra thảm họa, bài đăng này đã bị công ty lặng lẽ xóa, khiến cư dân mạng xôn xao tranh luận. (Bài viết bị xóa vẫn còn được lưu trữ trên mạng, xem tại đây).

Trang Facebook “Chiang Mai Elephant”, chuyên chia sẻ các tin tức lớn nhỏ về Thái Lan, cũng đã đăng bài đặt nghi vấn về vụ việc. “Toàn Bangkok có hàng trăm tòa nhà cao tầng đang xây dựng, vậy mà chỉ có mỗi tòa này sập, một tòa nhà hoàn toàn mới, lại còn nói rằng là ‘dấu ấn quan trọng’, thói quen khoe khoang quá đà này mãi không sửa được, chúng ta hãy chờ xem, sau vụ này liệu Văn phòng Kiểm toán Quốc gia Thái Lan có giám sát kỹ hơn các dự án liên quan đến Trung Quốc hay không!”
Sau trận động đất mạnh vào ngày 29/3, truyền thông Trung Quốc iFeng từng đưa tin rằng tòa nhà này là dự án hợp tác giữa Cục 10 Tập đoàn Xây dựng đường sắt Trung Quốc) và một doanh nghiệp Thái Lan. Đồng thời, trang tin Wangyi cũng đưa tin rằng sau trận động đất, Cục 10 Tập đoàn Xây dựng đường sắt Trung Quốc) đã xóa bài đăng chúc mừng trước đó. Tuy nhiên, chưa đầy 01 ngày sau khi được đăng tải, cả 2 bài báo này đều đã bị gỡ bỏ. Ngoài ra, khi tìm kiếm từ khóa “中铁十局” (Cục 10 Tập đoàn Xây dựng đường sắt Trung Quốc) trên các công cụ tìm kiếm tại Trung Quốc, hoàn toàn không thể tìm thấy bất kỳ tin tức liên quan nào về vụ việc.
Tài khoản Weibo chính thức của “Tập đoàn Xây dựng đường sắt Trung Quốc” (CRCC) cũng hoàn toàn không đề cập một chữ nào về vụ việc này. Bài đăng mới nhất của họ vẫn dừng lại ở chiều hôm qua, với nội dung tuyên truyền: “Các đơn vị của CRCC tích cực tổ chức hoạt động tuyên truyền bảo vệ nguồn nước nhân Ngày Nước Thế giới và Tuần lễ Nước Trung Quốc.”
Thái độ này đã gây ra sự bất bình trong cộng đồng mạng Trung Quốc, dẫn đến những bình luận chỉ trích gay gắt:
“Tòa nhà do Cục 10 xây dựng đã sập, có thể đưa ra thông tin cụ thể được không?”
“Sao lại làm như thể chẳng có chuyện gì xảy ra thế?”
“Rốt cuộc Cục 10 không thuộc quản lý của CRCC à?”
Vụ sập tòa nhà ở Bangkok bị chỉ trích là dự án kém chất lượng; Kiến trúc sư nói là do bớt xén nguyên vật liệu
Nhiều cư dân mạng phát hiện rằng trong bài viết tuyên truyền trước đó của Cục 10 CRCC, họ từng khoe khoang rằng công trình này sử dụng “sàn không dầm” làm vật liệu xây dựng. Điều này đã dẫn đến sự nghi ngờ về khả năng kháng chấn của loại vật liệu này.
Kiến trúc sư kiêm nhà sáng lập UniHub (Đài Loan) Tạ Côn Lâm đã đăng bài trên Facebook, khẳng định rằng ở Đài Loan cũng có rất nhiều công trình sử dụng sàn không dầm, và chúng vẫn có khả năng kháng chấn tốt, không hề bị sập. Nguyên nhân chính khiến tòa nhà đổ sập không liên quan đến sàn không dầm, mà là do thi công kém chất lượng, cắt xén vật liệu.
Ông Tạ Côn Lâm đã đăng đoạn video ghi lại khoảnh khắc tòa nhà bị sập, chỉ ra rằng “lõi trung tâm” (ở Đài Loan gọi là “khung thép lõi trung tâm”) đã sập trước.
Lõi trung tâm là kết cấu lõi cứng của tòa nhà, thường là bộ phận chịu lực chính của các công trình cao tầng, là nơi chứa khu vực thang máy và cầu thang, nên các bức tường ở đây thường dày hơn hẳn so với những khu vực khác. Có thể ví “lõi trung tâm” như cột sống của cơ thể con người – không chỉ chịu lực cho toàn bộ tòa nhà mà còn đảm nhiệm vai trò truyền tải điện, nước và hệ thống thông tin liên lạc.
Trong kết cấu này, thang máy, cầu thang, đường ống cấp thoát nước, hệ thống điện thường được lắp đặt bên trong lõi trung tâm. Nếu phần này sụp đổ trước, toàn bộ tòa nhà gần như chắc chắn sẽ bị kéo đổ theo.
Ông giải thích rằng do Đài Loan thường xuyên xảy ra động đất nên rất phụ thuộc vào phần lõi trung tâm để chống chịu lực địa chấn. Chính vì vậy, các quy định xây dựng tại Đài Loan đặt ra rất nhiều yêu cầu khắt khe đối với phần lõi này. Khi động đất xảy ra, lõi trung tâm sẽ đóng vai trò như nhóm cơ cốt lõi của cơ thể, giúp giữ vững sự ổn định.
Ông cũng đã chọn ra một đoạn video rõ nét nhất và tua đi tua lại từng khung hình để phân tích. Kết quả cho thấy tòa nhà do Cục 10 CCRC xây dựng đã bị sập từ phần lõi trước tiên.
Vương Quân, Vision Times