Đỗ Kim Thêm

Diễn biến
Gần đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố sẽ áp dụng chính sách áp thuế 25% đối với ô tô nhập khẩu vào Mỹ, trước đó Trump cũng đã áp đặt biện pháp trừng phạt chung đối với Liên Âu, Canada, Mexico và Trung Quốc, nhưng lại tạm hoản trong 30 ngày để cho Canada và Mexico thương thuyết. Các biện pháp bất nhất này gây nhiều hoang mang cho chính giới và doanh nghiệp các nước đối tác.
Trong chiến dịch vận động tranh cử, ứng cử viên Donald Trump luôn đề cập đến “việc áp đặt quan thuế biểu” là ưu tiên. Sau khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thực thi nghiêm túc lời hứa hẹn này với cử tri. Đầu tiên, Trump trừng phạt các hàng hóa từ Mexico, Canada và Trung Quốc, sau đó lại đồng ý đình chỉ để chờ kết quả thương thuyết. Hiện nay, Trump sẽ cho áp dụng thuế quan 25% đối với hàng nhập khẩu từ Liên Âu, tiếp theo là đối với ô tô nhập khẩu từ khắp nơi trên thế giới.
Dĩ nhiên, trước tình hình bất trắc ngày càng gia tăng, nền thương mại toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế tỏ ra dè dặt khi cho rằng cần tìm cách để tránh các hậu qủa khôn lường này bằng mọi giá.
Biện minh của Trump
Phương châm của Trump “Nước Mỹ trên hết”, có nghĩa là “bảo vệ” nền kinh tế Mỹ bằng cách sử dụng mọi phương tiện, mà bảo hộ mậu dịch là chính.
Liên quan đến tình trạng thâm hụt thương mại hiện tại của Hoa Kỳ, Trump đã tuyên bố nhiều lần là các đối tác thương mại từ lâu đã lạm dụng khai thác các ưu thế trong khi giao thương với Mỹ. Uỷ ban Liên Âu đã phản bác cáo buộc này. Theo một thông cáo báo chí Liên Âu cho biết, nếu không chỉ nhìn vào hàng hóa mà còn cả dịch vụ, “Liên Âu có thặng dư 48 tỷ euro so với Mỹ, tương ứng với chỉ 3% tổng số giao thương giữa hai nước”.
Trump nhìn vấn đề khác hơn khi cho rằng: Trong một thời gian dài, các đối tác đã vắt sữa bò Mỹ đến cạn kiệt và đó cũng là quan điểm chính tại sao kế hoạch trừng phạt bằng thuế quan đối với nhập khẩu ô tô của Mỹ được đề ra. Thực tế là cho đến nay trong khi Mỹ chỉ đánh thuế 2,5% đối với ô tô từ Liên Âu và Liên Âu chỉ yêu cầu 10% đối với nhập khẩu ô tô của Mỹ. Tuy nhiên, Ủy ban Liên Âu cho biết, thuế quan của Mỹ đối với xe bán tải và xe thương mại hạng nhẹ đã cao hơn đáng kể ở mức 25% và tạo nên phần thu lớn nhất của thị trường ô tô Mỹ.
Liên quan đến việc trừng phạt đối với Canada và Mexico, Trump đã phát biểu trên nền tảng Truth Social vào tháng 11 về “tình trạng mở cửa biên giới một cách lố bịch” mà nhờ thế mà người nhập cư, tội phạm và ma túy có cơ hội tràn ngập vào nước Mỹ. Hai nước láng giềng này đã tỏ ra không thực tâm giải quyết triệt để những vấn đề này, cho nên Mỹ phải trả giá quá đắt về mặt an ninh nội địa. Theo Trump, Trung Quốc cũng tạo ra vấn đề bất ổn xã hội cho Mỹ vì Trung Quốc cũng là nguồn nhập các loại ma túy như fentanyl vào Hoa Kỳ.
Những quốc gia bị trừng phạt
Còn chẳng bao lâu nữa, chính sách trừng phạt bằng thuế quan của Trump sẽ lần lượt được áp dụng cho tất cả các quốc gia trên toàn thế giới. Trong tương lai, một mức thuế bổ sung 25% sẽ được áp dụng đối với tất cả các ô tô nhập khẩu, bất kể được sản xuất ở đâu trên thế giới. Trump thông báo là các khoản phụ phí sẽ được thi hành từ ngày 2 tháng 4 và việc thu sẽ áp dụng kể từ ngày 3 tháng 4. Theo dự kiến, các biện pháp trừng phạt nối tiếp cũng sẽ áp dụng cho các phụ tùng riêng rẽ và phụ tùng thay thế. Trump cho biết thêm là sẽ không còn có cơ hội để thương lượng thêm về các ân hạn thời gian cho những khoản phụ phí này.
Ngoài ra, gần đây, Donald Trump đã khôi phục biện pháp thuế quan từ nhiệm kỳ đầu đối với thép và nhôm nhập khẩu từ Liên Âu. Mức thuế lên tới 25 %. Kết quả là Liên Âu tuyên bố rằng sẽ lần lượt tái lập các biện pháp trả đũa đã từng áp dụng trước đây. Tuy nhiên, lại một lần nữa, vấn đề này đã bị đình chỉ để tiếp tục đàm phán.
Vào tháng 2, Mỹ cũng áp đặt hàng loạt biện pháp áp thuế nhập khẩu đối với hàng hóa từ Canada, Mexico và Trung Quốc. Đối với hai nước láng giềng, Trump đã đình chỉ trong một số trường hợp, ít nhất là trong tạm thời.
Nhưng có nhiều dự đoán cho là Trump sẽ có các biện pháp trừng phạt thậm chí còn nặng nề hơn. Vào ngày 2 tháng 4 – được Trump gọi là “Ngày Giải phóng” – chính phủ Mỹ thông báo thêm về các khoản phụ phí đối với hàng hóa nhập khẩu. Người ta vẫn chưa biết rõ là loại hàng hóa nào và với số lượng bao nhiêu sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, đây có thể là cái gọi là thuế quan đối ứng, có nghĩa là, Mỹ sẽ tăng thuế ở bất cứ nước nào mà Mỹ hiện nay đang tính giá phí còn thấp hơn so với nước đối tác. Vì Trump cũng coi thuế trị giá gia tăng (VAT) là một loại thuế (tuy nhiên, áp dụng cho cả hàng hóa sản xuất trong nước và nhập khẩu ở các nước xuất khẩu bị ảnh hưởng), các biện pháp này có thể có tác động mạnh đến các quốc gia giao thương.
Hậu quả đối với các quốc gia
Nhìn chung, nền kinh tế của những đối tác thân thiết của Hoa Kỳ sẽ bị tổn thương nghiêm trọng và nhất là ngành công nghiệp ô tô của Canada và Mexico sẽ bị thiệt hại nặng nề.
Nền thương mại Canada hoàn toàn phụ thuộc vào Hoa Kỳ, bởi vì Hoa Kỳ là đối tác thương mại quan trọng nhất và lớn nhất của Canada. Theo một ước tính, hàng hóa và dịch vụ giao thương giữa hai quốc gia mỗi năm trị giá lên đến gần một nghìn tỷ đô la. Các doanh nghiệp Canada bán hàng loạt các loại nông phẩm cũng như dầu, khí đốt và khoáng sản cho Hoa Kỳ, và nổi bật nhất là ngành công nghiệp ô tô của hai nước có mối liên hệ chặt chẽ với nhau.
Nhưng hơn 80% hàng xuất khẩu của Mexico là sang Mỹ, khiến cho Mexico trở thành đối tác thương mại quan trọng nhất của Mỹ. Ở các quốc gia Trung Mỹ khác, hàng ngàn doanh nghiệp và hàng triệu việc làm phụ thuộc vào việc giao thương với Hoa Kỳ.
Các biện pháp mới về thuế quan của Mỹ cũng sẽ là một gánh nặng đáng kể đối với nền kinh tế Trung Quốc. Mặc dù Trung Quốc đã mở rộng giao thương trong nhiều năm với Hoa Kỳ, nhưng Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu quan trọng nhất. Do đó, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề với chính sách mới về thuế quan của Hoa Kỳ, nhất là hai mặt hàng sắt và thép của Trung Quốc đang chiếm ưu thế xuất khẩu.
Thuế quan nhập khẩu do Trump công bố có thể sẽ đè nặng lên châu Âu – và đặc biệt là ngành công nghiệp ô tô Đức. Theo tin của Văn phòng Thống kê Liên bang Đức cho biết, Hoa Kỳ là thị trường bán hàng quan trọng nhất của Đức
Không có quốc gia nào khác nhập nhiều xe du lịch mới của Đức như Hoa Kỳ. Hoa Kỳ dẫn đầu với thị phần 13,1% xuất khẩu, tiếp theo là Anh và Pháp. Gần một trong ba chiếc Porsche và một trong sáu BMW được bán ở Bắc Mỹ vào năm 2024, với Volkswagen, Audi và Mercedes-Benz mỗi thương hiệu chiếm 12 đến 15%.
Ngoài ra, thuế quan trừng phạt đối với Mexico cũng có tác động gián tiếp đến nền kinh tế Đức. Hơn 2.000 doanh nghiệp có vốn tham gia của Đức có trụ sở tại Mexico, bao gồm Audi, BMW, Volkswagen và Siemens. Từ Mexico, đa số doanh nghiệp này cung ứng dịch vụ cho Hoa Kỳ và các sản phẩm của họ được vận chuyển qua lại qua biên giới Hoa Kỳ – Mexico lên đến tám lần trong quá trình sản xuất.
Theo Hiệp hội Công nghiệp Thép, Mỹ cũng là thị trường bán hàng quan trọng nhất đối với ngành thép châu Âu. Khoảng bốn triệu tấn đã được xuất khẩu sang Mỹ từ Liên Âu vào năm 2023. Chỉ riêng từ Đức, có khoảng một triệu tấn mỗi năm, chủ yếu là thép đặc biệt.
Ngoài ra, biện pháp thuế quan cũng đang làm đảo lộn các chuỗi bán lẻ. Trong bối cảnh này, các nhà kinh tế đề cập đến hiệu ứng chuyển hướng, mà nó cũng có tác động tiêu cực đến sản xuất của Đức: do thuế quan cao, hàng hóa của Đức không còn đến Mỹ như trước và sẽ tìm cách chuyển sang các thị trường khác. Điều này cũng có nghĩa tương tự đối với các sản phẩm của Trung Quốc, có thể là doanh giới Trung Quốc ngày càng tìm đường đến thị trường châu Âu và cạnh tranh với các sản phẩm của Đức.
Hậu quả đối với Mỹ
Trump gây thu hút dân chúng Mỹ khi lập luận là đánh thuế quan trên các mặt hàng nhập từ nước ngoài sẽ có lợi cho nước Mỹ và dân Mỹ. Cụ thể là càng trừng phạt các nước đối tác thì càng tăng thu cho ngân sách Mỹ và nhờ thế mà sẽ giảm thuế lợi tức cho dân Mỹ và thuế doanh nghiệp Mỹ. Bội thu sẽ giúp việc thanh toán bớt đi phần nào nợ công hay ít nhất cũng làm chậm lại đà tăng trưởng của nợ công. Thuận lợi nhất trong tương lai là Mỹ duy trì được thế mạnh của đồng đô la và phát huy việc sản xuất hàng Mỹ tại Mỹ.
Tuy nhiên, Trump quên một sự thật cơ bản về bối cảnh đầu tư là điều kịện chính. Việc tái công nghiệp hóa Hoa Kỳ là một công trình đầu tư cực kỳ quy mô; do đó, các biện pháp thuế quan này cần phải được áp dụng trong dài hạn cho phù hợp, nghĩa là, phải lâu hơn bốn năm của nhiệm kỳ Tổng thống Trump. Trump còn ở lại Toà Bạch Ốc hay sẽ ra đi, không ai biết được chắc. Sự thật phổ biến là đầu tư vào một nhà máy mới cần phải có nhiều thời gian, nhất là không khí đầu tư thuận lợi để gây thu hút cho nhà đầu tư. Do vậy, việc họ chịu đầu tư vào thị trường Mỹ trong tương lai là không có gì chắc chắn, vì thiếu cơ sở trong hiện tại. Nhưng Trump cũng không quan tâm đến các lập luận này.
Hiện nay, Trump ước tính sẽ thu thêm hàng tỷ đô la thông qua các biện pháp thuế quan đối với ô tô và làm cho ngành công nghiệp ô tô trong nước trở nên vĩ đại trở lại. Để đối phó với biện pháp trừng phạt, các nhà sản xuất ô tô quyết định là sẽ sản xuất hoàn toàn tại Mỹ trong tương lai.
Dựa trên lập luận này, có những nhận định chung cho là Tesla và Ford sẽ được hưởng lợi nhiều nhất, vì cơ sở sản xuất của cả hai nằm ngay trên đất Mỹ. Theo một ước tính, Ford sản xuất 80% các mẫu xe tại Mỹ, trong đó có cả mẫu xe bán tải nổi bật F-150. Được đề cập nhiều nhất hiện nay là lợi thế của Telsa vì Elon Musk là người thân cận với Trump. Trump công khai hỗ trợ xe Telsa khi giới thiệu xe ngay trước toà Bạch Ốc và “long trọng” mua một chiếc để hỗ trợ giá cổ phiếu. Sau đó, Trump lại tuyên bố là Musk chưa bao giờ yêu cầu Trump tạo một bất kỳ đặc quyền nào cho các hoạt động của Musk.
Ngược lại, các chuyên gia kinh tế cảnh báo rằng, các dự tính của Trump không thể thành công, vì trước hết, giá ô tô cho người tiêu dùng Mỹ sẽ tăng cao quá mức. Những tác động tương tự cũng sẽ xảy ra đối với tất cả các hàng hóa khác, vì trong mọi trương hợp, khi nhà nhập cảng hàng trả thêm thuế nhập cảng, thì họ sẽ chuyển tiếp gánh nặng này cho người tiêu thụ, có nghĩa là, giá cả trên thị trường sẽ bị bị ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp bởi các biện pháp thuế quan. Hầu như Trump luôn né tránh trả lời câu hỏi về hậu quả này khi được báo chí đặt ra.
Biện pháp thuế quan của Mỹ và biện pháp chống lại của các nước sẽ được liên tục áp dụng, có nghĩa là, cuộc thương chiến sẽ không tránh khỏi. Hậu quả cuối cùng là một gánh nặng đè lên cho tất cả các nền kinh tế và người tiêu dùng ở các quốc gia. Tất cả nạn nhân sẽ phải trả cái giá chung cho cuộc chiến này, mà trong đó hai việc lạm phát và thất nghiệp là chính.
Theo ước tính của công ty tài chính Capital Economics, tỷ lệ lạm phát có thể tăng trở lại lên tới 4% nếu chính quyền Trump thực hiện tất cả các kế hoạch thuế quan. Cụ thể nhất là thuế quan trừng phạt đối với dầu và khí đốt có thể khiến giá xăng ở Mỹ đắt hơn tới 20 cent/lít và hàng nghìn việc làm sẽ mất là viễn cảnh có thể xảy ra.
Cuối cùng, phải công nhận là cho dù sự cạnh tranh của Trung Quốc là khốc liệt, nhưng cho đến thời điểm hiện tại, Hoa Kỳ vẫn là cường quốc số một thế giới về kinh tế, công nghệ, và chiến lược, nhưng để duy trì vị trí này, Trump cần có một chương trình nghị sự toàn diện nhằm thống trị nền thương mại, tài chính và địa chính trị. Vấn đề không có thể giải quyết chỉ bằng thuế quan trừng phạt các đồng minh, vì nó sẽ không là tất cả, mà quyền khai thác vào các nguồn tài nguyên của nền kinh tế tương lai là rất quan trọng hơn, bao gồm nước, khoáng sản và đất hiếm. Do đó, những tính toán cụ thể về lời lỗ của Trump trong ngắn hạn là một sai lầm nghiêm trọng.
Đ. K. T.