Nam Sudan loan báo Phó Tổng thống Machar bị bắt vì đã cố gắng kích động nổi loạn

Phó Tổng thống Nam Sudan Riek Macha phát biểu tại cuộc họp lần thứ 67 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 27 tháng 9 năm 2012 tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, Hoa Kỳ. (Ảnh: DON EMMERT/AFP/GettyImages)

Phó Tổng thống thứ nhất của Nam Sudan Riek Machar đã bị bắt và sẽ bị điều tra về tội cố gắng kích động nổi loạn, chính phủ nước này cho biết hôm thứ Sáu (28/3). Đây lần đầu tiên chính phủ Nam Sudan lên tiếng xác nhận về vụ bắt giữ ông Machar, hành động mà các cường quốc thế giới lo ngại có thể làm bùng phát lại cuộc nội chiến.

Các tin tức về vụ việc ông Machar – một đối thủ lâu năm của Tổng thống Salva Kiir – bị bắt hôm thứ Tư (26/3) làm dấy lên những lời kêu gọi kiềm chế của quốc tế. Nước láng giềng Kenya đã cử cựu thủ tướng Raila Odinga đến Nam Sudan để xoa dịu căng thẳng.

Tuần này, đảng của ông Machar cho biết vụ bắt giữ ông đã vô hiệu hóa thỏa thuận hòa bình năm 2018 vốn chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài năm năm giữa lực lượng Dinka của ông Kiir và các tay súng Nuer trung thành với ông Machar.

Phát ngôn viên của chính phủ kiêm bộ trưởng thông tin, ông Michael Makuei nói trong một tuyên bố rằng: “Ông Machar và những đồng sự phản đối hòa bình của mình trong SPLM/A-IO (đảng của ông Machar), những người đang bị bắt sẽ bị điều tra và đưa ra xét xử theo đúng quy định”.

Ông Makuei cáo buộc ông Machar liên lạc với những người ủng hộ mình và “kích động họ nổi loạn chống lại Chính phủ với mục đích phá hoại nền hòa bình để các cuộc bầu cử không được tổ chức và Nam Sudan lại rơi vào chiến tranh”.

“Thỏa thuận Hòa bình chưa sụp đổ và sẽ không sụp đổ trong bất kỳ hoàn cảnh nào”, ông Makuei nói.

Ông Machar và đảng SPLM/A-IO của ông chưa ngay lập tức đưa ra phản hồi về những cáo buộc này.

Đảng SPLM/A-IO trước đây đã phủ nhận những cáo buộc của chính phủ rằng họ ủng hộ Quân Trắng, một lực lượng dân quân dân tộc chủ yếu gồm những thanh niên người Nuer, từng đụng độ với quân đội trong tháng này tại thị trấn Nasir ở phía đông bắc đất nước, gây ra cuộc khủng hoảng mới nhất.

Để ứng phó với cuộc giao tranh, lực lượng của ông Kiir đã vây bắt một số đồng minh cấp cao của ông Machar, bao gồm cả bộ trưởng dầu mỏ và phó tổng tư lệnh quân đội.

Đã có những cuộc đụng độ trong những ngày gần đây giữa các lực lượng trung thành với ông Kiir và ông Machar bên ngoài Juba và những nơi khác.

Phản ứng với tình hình tại Nam Sudan, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres hôm thứ Sáu (28/3) cho biết tiến trình hòa bình đang trong tình trạng hỗn loạn và yêu cầu các nhà lãnh đạo nước này hạ vũ khí và đặt tất cả người dân Nam Sudan lên hàng đầu.

“Nói thẳng ra: Những gì chúng ta đang chứng kiến ​​gợi nhớ một cách đen tối đến các cuộc nội chiến năm 2013 và 2016, khiến 400.000 người thiệt mạng“, ông Guterres nói với các phóng viên ở New York.

Tổng thống Kenya William Ruto, chủ tịch khối Cộng đồng Đông Phi, cho biết ông đã nói chuyện với ông Kiir về vụ bắt giữ ông Machar.

Cựu thủ tướng Kenya Odinga nói trên X hôm thứ Sáu (28/3) rằng, ông đã gặp ông Kiir và vui mừng trước khả năng cuộc xung đột được giải quyết. Sau đó, ông nói thêm rằng ông đã bay đến Uganda để gặp Tổng thống Yoweri Museveni.

Trong một tuyên bố, đảng của ông Machar cho biết chuyến thăm của ông Odinga là một diễn biến ngoại giao tích cực.

Các quốc gia phương Tây, bao gồm Hoa Kỳ, Anh, và Đức đã đóng cửa đại sứ quán hoặc cắt giảm hoạt động ở Nam Sudan.

Tổng thống Kenya William Ruto cho biết ông đã tham khảo ý kiến ​​của ông Museveni, người mà trong tháng này đã gửi quân đội đến Nam Sudan theo yêu cầu của chính phủ để giúp bảo vệ thủ đô, và Thủ tướng Abiy Ahmed của Ethiopia, quốc gia trước đó tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình Nam Sudan.

Các nhà phân tích chính trị cho hay ông Kiir đã và đang cố gắng củng cố vị thế của mình bằng cách bắt giữ một số đồng minh cấp cao nhất của ông Machar, mời quân đội Uganda vào và bổ nhiệm cố vấn Benjamin Bol Mel làm phó tổng thống thứ hai.

Xuân Hà, theo Reuters

Related posts