Tổng thống Ukraine Zelensky bổ nhiệm tư lệnh lục quân mới

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong bài phát biểu qua mạng Internet ở Quốc hội EU, nhân ngày 1.000 ngày chiến tranh 19/11/2024 (nguồn ảnh từ video trên mạng xã hội)

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã thay thế tư lệnh lục quân vào thứ Sáu (29/11), giao cho Thiếu tướng Mykhailo Drapatyi phụ trách. Động thái này đến khi Nga đạt được những bước tiến ở phía đông và quân đội Kiev phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân lực.

Ông Zelensky tuyên bố “những thay đổi nội bộ” là cần thiết khi ông thông báo ông Mykhailo Drapatyi, 42 tuổi, sẽ thay thế Trung tướng Oleksandr Pavliuk, vốn đã nắm quyền chỉ huy lục quân trong một cuộc cải tổ lớn vào tháng 2 năm 2024.

“Nhiệm vụ chính là tăng đáng kể hiệu quả chiến đấu của quân đội chúng ta, đảm bảo chất lượng đào tạo quân nhân và đưa ra những cách tiếp cận sáng tạo vào việc quản lý con người trong Lực lượng vũ trang Ukraine“, ông Zelensky nêu rõ.

“Quân đội Ukraine cần những thay đổi nội bộ để đạt được đầy đủ các mục tiêu của nhà nước chúng ta”, ông Zelensky nói trên Telegram sau khi gặp các quan chức quân sự và chính phủ cấp cao của mình.

Tướng Drapatyi được quân đội rất kính trọng và các nhà phân tích quân sự đã ca ngợi việc bổ nhiệm ông. Ông Drapatyi nắm quyền chỉ huy mặt trận Kharkov vào tháng Năm và đã ngăn chặn được cuộc tấn công của Nga ở phía đông bắc, ổn định mặt trận này.

Ông Zelensky cũng thông báo ông đã bổ nhiệm Đại tá Oleh Apostol, chỉ huy lữ đoàn không kích riêng biệt số 95, làm phó cho tổng tư lệnh quân đội Oleksandr Syrskyi.

Ông Zelensky khen ngợi cả ông Drapatyi và ông Apostol, nói rằng “họ đã chứng minh được hiệu quả của mình trên chiến trường”.

Ukraine đang ở thế bất lợi trên chiến trường khi phải chiến đấu với kẻ thù lớn hơn và được trang bị tốt hơn nhiều sau 33 tháng kể từ khi chiến tranh bùng nổ vào cuối tháng 2 năm 2022.

Các lực lượng Nga đang tiến đều đặn ở khu vực Donetsk phía đông. Ông Syrskyi, tổng tư lệnh quân đội, tuyên bố vào thứ Sáu (29/11) khi ông đến thăm hai địa điểm quan trọng do Ukraine nắm giữ ở khu vực Donetsk rằng ông sẽ tăng cường lực lượng triển khai ở mặt trận phía đông bằng quân dự bị, đạn dược và thiết bị.

Ukraine cũng đã mất khoảng 40% lãnh thổ mà họ chiếm được từ tháng Tám ở khu vực Kursk của Nga khi các lực lượng Nga tiến hành các đợt phản công.

Phạm Duy, theo Reuters

Ukraine: Nam giới 18–25 tuổi sẽ phải đi đào tạo quân sự bắt buộc

Bức tượng trẻ em Donbass, nạn nhân của bom đạn Kiev, khánh thành nhân ngày Quốc tế trẻ em 1/6/2017.

Theo truyền thông Ukraine đưa tin hôm Thứ Sáu, Ivan Tymochko, Chủ tịch Hội đồng Quân dự bị của Ukraine, đã tuyên bố rằng kể từ năm tới, nam giới Ukraine 18–25 tuổi sẽ phải tham gia đào tạo quân sự bắt buộc, để “biết được nhịp thở cuộc sống của quân đội” và sẵn sàng chiến đấu. Ông nói rõ rằng đây không phải là thay đổi luật hiện hành về độ tuổi bắt buộc phải nhập ngũ. Trước đó một hôm, truyền thông Mỹ đã loan tin hôm Thứ Năm rằng chính quyền Mỹ hối thúc Ukraine hạ tuổi bắt đi lính xuống 18 tuổi, và sau đó có bình luận từ phía Văn phòng Tổng thống Ukraine rằng việc hạ tuổi bắt lính là không có ý nghĩa khi mà Mỹ chưa cung ứng đủ vũ khí. Elon Musk đã có bình luận mang tính phê phán về chủ trương tiếp tục kéo dài chiến tranh Ukraine này.

“Công dân từ 18 đến 25 tuổi phải được đào tạo cơ bản và chuyên nghiệp,” ông Tymochko nói trong một chương trình truyền hình nội địa.

Truyền thông Ukraine giải thích rằng ý là nói tất cả các nam giới từ 18 đến 25 tuổi sẽ phải tham gia chương trình huấn luyện quân sự bắt buộc kể từ 1/1/2025, còn nữ giới thì không phải tham gia bắt buộc.

Ukraine vốn đã có luật rằng nữ giới nếu thuộc một số chuyên ngành mà cần thiết cho quân đội như ý tá, thì phải đăng ký tại cơ quan tuyển quân, và có thể phải buộc tham gia phục vụ quân đội nếu cần, nhưng không bắt buộc phải tham gia tại vị trí chiến đấu. Theo Bộ Quốc phòng Ukraine cho hay vào đầu năm nay, số phụ nữ tham gia quân đội trong vai trò chiến đấu là 60.000 người.

“Đây là chương trình đào tạo thành người có kỹ năng cơ bản và chuyên nghiệp về vũ khí, và lựa chọn một chuyên ngành. Nghĩa là họ sẽ biết được nhịp thở cuộc sống quân đội là như thế nào, từ đó xoa dịu nhiều nỗi sợ hãi, đồng thời giúp có một lượng dân số luôn sẵn sàng [chiến đấu],” ông Tymochko nói, và nhấn mạnh rằng “Đây là cách tiếp cận đúng đắn.”

Các video đăng tải rất nhiều trên mạng xã hội về cảnh bắt lính ngay trên đường phố khắp toàn quốc Ukraine, cho thấy rằng quốc gia này đã đang vét cạn dần số người có thể bắt lính rồi.

Hồi tháng 4, chính quyền Zelensky đã cho điều chỉnh, hạ độ tuổi bắt buộc đi lính từ 27 xuống 25 tuổi, như vậy ngay lập tức cho phép có thể huy động thêm một nhóm nam giới Ukraine từ độ tuổi 25 đến 27.

Cũng thời gian đó, chính quyền đã tìm cách phối hợp với một số nước EU, như Ba Lan, để có thể mang những người nam giới Ukraine tị nạn ở nước ngoài đưa trở về nước để tham gia chiến đấu, thậm chí có thể mở luôn các khóa đào tạo quân sự ngay ở quốc gia NATO rồi sau khi đào tạo xong thì đưa về Ukraine để chiến đấu. Nhưng tính đến nay, phương án này đã không thành công.

Các cảnh bắt lính lại rộ lên trở lại trên mạng xã hội kể từ tháng 9, đến nỗi chính quyền đã ban lệnh trừng phạt những ai đưa tin lên mạng xã hội với tội loan truyền tin đồn thất thiệt hoặc tiết lộ hoạt động của đội ngũ bắt lính, cho thấy rằng Ukraine lại sắp vét cạn những người có thể bắt lính, sau khi hạ độ tuổi theo luật vào tháng 4.

Hôm Thứ Năm, truyền thông Mỹ loan tin rằng chính quyền Mỹ một lần nữa hối thúc Kiev hạ tiếp độ tuổi huy động bắt buộc xuống 18 tuổi, và dẫn chứng rằng trong chiến tranh Việt Nam, thì độ tuổi bắt lính là 19 tuổi.

Sau đó, phía Văn phòng Tổng thống Ukraine có bình luận trên X (Twitter):

“Thật không có ý nghĩa khi thấy những lời kêu gọi Ukraine hạ thấp độ tuổi bắt lính, với giả thuyết là để huy động nhiều người hơn, trong khi chúng ta có thể thấy rằng thiết bị đã thông báo trước đó đã không đến đúng thời hạn. Vì sự chậm trễ này, Ukraine đang thiếu vũ khí để trang bị cho binh lính đã được huy động.

Các đối tác [phương Tây] có toàn quyền truy cập vào số liệu và có thể so sánh giữa lời hứa [giao hàng] với thực tế giao hàng. Không thể kỳ vọng Ukraine sẽ dùng tuổi trẻ của đàn ông chúng tôi ở tiền tuyến để bù đắp cho sự chậm trễ trong khâu hậu cần hoặc sự chậm trễ trong hỗ trợ.”

Không rõ ý tứ của thông điệp mang ngữ khí phản đối việc Mỹ hối thúc hạ tuổi bắt lính này. Phải chăng có ý là, nếu Mỹ muốn vậy thì chỉ cần đưa thêm vũ khí và đạn dược là được rồi?

Các hoạt động của chính quyền Biden thời gian qua, kể từ khi đột ngột cho dùng tên lửa tầm xa bắn vào sâu lãnh thổ Nga vào đầu tuần trước mạo hiểm nguy cơ tiến gần tới chiến tranh hạt nhân, dẫn tới một số bình luận rằng rất có thể phe chủ chiến của Mỹ muốn bằng mọi cách để kéo dài chiến tranh Ukraine, hoặc ít nhất đảm bảo quân Kiev sẽ không sụp đổ trước khi Donald Trump nhậm chức.

Đối với việc hối thúc hạ tuổi bắt lính để có thể nhanh chóng có thêm quân, Elon Musk có bình luận mang tính phê phán về việc kéo dài chiến tranh này, như ông viết trên X (Twitter): “Bao nhiêu người nữa cần phải chết?”

Nhật Tân

Cựu thủ tướng Đức Merkel thúc giục Ukraine tìm giải pháp ngoại giao kết thúc chiến tranh

Angela Merkel (Ảnh: Alexandros Michailidis / Shutterstock)

Cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel đã thúc giục Ukraine “xem xét các giải pháp ngoại giao” cũng như các giải pháp quân sự để chấm dứt chiến tranh với Nga. Tuy nhiên, bà Merkel từ chối cho biết khi nào Kiev nên đàm phán với Moskva.

Trao đổi với đài truyền hình Đức ZDF hôm thứ Năm (28/11), bà Merkel nói rằng bà ủng hộ quyết định của Thủ tướng Olaf Scholz đảo ngược chính sách đối ngoại hòa bình kéo dài hàng thập kỷ và trang bị vũ khí cho quân đội Ukraine. Bà tuyên bố rằng “không chỉ vì lợi ích của Ukraine mà còn vì lợi ích của chúng ta khi [Tổng thống Nga Vladimir] Putin không giành được chiến thắng trong cuộc chiến này”.

Bà Merkel nói thêm rằng trong khi bà ủng hộ “mọi điều cộng đồng quốc tế đang làm để đưa Ukraine vào vị thế tốt”, thì người ta “luôn phải cân nhắc các giải pháp ngoại giao song song”.

Cựu thủ tướng cho biết Kiev nên tìm kiếm giải pháp ngoại giao khi đến thời điểm thích hợp, nhưng bà không giải thích thời điểm cụ thể.

Bà Merkel giữ chức thủ tướng Đức từ năm 2005 đến năm 2021 và là một trong những người bảo lãnh cho các thỏa thuận Minsk 2014-15. Theo các thỏa thuận này, quân đội Ukraine và các lực lượng ủng hộ độc lập ở Donetsk và Lugansk đã chấp thuận ngừng giao tranh để đổi lấy việc Kiev trao một số quyền tự chủ cho hai khu vực có đa số dân nói tiếng Nga.

Năm 2022, bà Merkel thừa nhận rằng các thỏa thuận thực chất là “nỗ lực nhằm cho Ukraine thời gian” để xây dựng quân đội để chuẩn bị cho một cuộc xung đột gay gắt hơn với Nga.

Trong cuốn hồi ký mới xuất bản gần đây, bà Merkel đã bảo vệ quyết định ngăn cản Ukraine gia nhập NATO vào năm 2008. Bà lập luận rằng cuộc xung đột hiện tại sẽ bắt đầu sớm hơn nhiều năm nếu Kiev được bật đèn xanh để gia nhập khối quân sự do Hoa Kỳ đứng đầu.

“Tôi hoàn toàn hiểu rõ rằng Tổng thống Putin sẽ không đứng yên và nhìn Ukraine gia nhập NATO. Và khi đó, đất nước Ukraine chắc chắn sẽ không được chuẩn bị như hồi tháng 2/2022”, bà Merkel nói với BBC vào đầu tuần này.

Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump đã tuyên thệ sẽ buộc Ukraine và Nga chấm dứt chiến tranh bằng giải pháp ngoại giao, mà không nói rõ ông sẽ đạt được mục tiêu này như thế nào. Một trong những kế hoạch được cho là đang được nhóm của ông Trump cân nhắc là “tái hiện lại các thỏa thuận Minsk đã thất bại”, tờ Financial Times đưa tin vào tháng trước, trích dẫn từ một “cố vấn lâu năm” ẩn danh của ông Trump.

Điện Kremlin đã bày tỏ nghi ngờ về khả năng dễ dàng chấm dứt chiến tranh của ông Trump, nhưng đầu tháng này, ông Putin đã nói rằng những lời của tổng thống Hoa Kỳ sắp nhậm chức “ít nhất cũng đáng được chú ý”.

Moskva vẫn giữ ý kiến rằng bất kỳ giải pháp nào cũng phải bắt đầu bằng việc Ukraine ngừng các hoạt động quân sự và thừa nhận “thực tế lãnh thổ” mà họ sẽ không bao giờ giành lại quyền kiểm soát các khu vực Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporozhye, cũng như Crimea. Ngoài ra, Điện Kremlin khẳng định rằng các mục tiêu của hoạt động quân sự của họ – bao gồm cả sự trung lập của Ukraine, phi quân sự hóa và phi phát xít hóa – sẽ phải đạt được.

Hân Nhi

Related posts