Hiện nay có phải Chiến tranh Thế giới lần thứ Ba đang diễn ra?

Phúc Lai GB

27/11/2924

Từ một góc độ nào đó, thì đúng là như vậy. Tác động của nó đã bắt đầu đạt quy mô toàn cầu. Nói một cách khác, các chuyên gia gọi cuộc chiến tranh do Putin phát động này là một “cú sốc toàn cầu”. Giám đốc Chatham House, Bronwen Maddox đã nói: “(Nó, cuộc chiến tranh) … đánh dấu sự kết thúc đột ngột của 30 năm toàn cầu hóa và mọi sự hợp tác quốc tế giúp điều đó trở nên khả thi với những tác động nghiêm trọng đến các quốc gia trên khắp thế giới.”

Cuộc chiến không chỉ đe dọa đến sự ổn định của châu Âu mà còn tác động đến an ninh lương thực và năng lượng trên toàn cầu, bao gồm cả Trung Đông và Châu Phi, tạo ra những làn sóng chấn động trong một thế giới đang khó khăn phục hồi sau đại dịch COVID-19.

Sự bùng nổ của cuộc chiến đã làm hình thành nên một số liên minh. Rõ rệt nhất là liên minh ủng hộ Ukraine, có thể ước tính chiếm khoảng 2/3 số các nước có thái độ dứt khoát, hoặc ủng hộ bên này, hoặc ủng hộ bên kia. Chiều ngược lại, liên minh ủng hộ Nga nếu nói “thái độ dứt khoát” chỉ có Iran và Bắc Triều Tiên. Thổ Nhĩ Kỳ chơi với cả hai, nhưng hợp tác với Ukraine về quân sự, và quan hệ với Nga theo góc độ ngoại giao nhiều hơn. Đáng chú ý nhất là Trung Quốc, thái độ lừng khừng vì vấn đề ý thức hệ, vẫn lợi dụng cái vỏ lập lờ nửa tư bản hoang dã, nửa cộng sản giả tạo của Putin vốn để che đậy bản chất phát-xít ở bên dưới. Do vậy quan hệ Nga Trung Quốc mang tính thủ lợi là chính, những cái gì Nga cần thì bán, nhưng không lộ liễu. Món hàng nào có khả năng đem lại lệnh cấm vận, thì thôi luôn.

Cần phải nhìn nhận kỹ rằng, vốn dĩ cuộc chiến này ban đầu không được xác định có tính toàn cầu đến như vậy. Lúc đầu, mặc dù dùng lực lượng khá lớn – quân số của Nga tự chúng ước tính cần gấp khoảng 3 lần của Ukraine, nên 250.000 quân tràn vào Ukraine để đè bẹp một lực lượng vũ trang (cho tất cả các sắc lính và cả các lực lượng quân phục khác nhau của nhiều Bộ vũ trang khác nhau) chỉ khoảng 70.000 người, như vậy ít nhất gấp 3,5 lần. Do huy động được một nguồn lực mạnh hơn hẳn so với Ukraine về số lượng và cả chất lượng xe tăng, pháo binh, nhất là máy bay thì Nga hoàn toàn làm chủ bầu trời… Đồng thời với chiến thuật thọc sâu, đánh bất ngờ bằng các đơn vị thuộc lực lượng đặc biệt tinh nhuệ (lính dù là chính, sau đó có thể có đặc nhiệm của Tình báo hay Spetsnaz), chính xác là Putin cùng bộ sậu lãnh đạo của hắn xác định: ĐÂY LÀ MỘT CUỘC CHIẾN, HAY XUNG ĐỘT HẠN CHẾ. Về vấn đề này tôi đã viết khá kỹ trong bài đăng trên Soha từ trước chiến tranh: xung đột của thời kỳ mới khi bước sang thế kỷ XXI, là xung đột hạn chế.

Ngay cả cuộc chiến tranh Afghanistan của Hoa Kỳ kéo dài 20 năm xét về số lính Mỹ thiệt mạng, cũng có thể được cho là xung đột hạn chế. Sở dĩ nó đạt được tính chất hạn chế nhờ sự vượt trội về công nghệ.

Nga của Putin không làm được như vậy. Khi rơi vào cuộc chiến chính chúng gây ra, chúng bị kẹt trong cái bẫy là chính những trì trệ của mình. Một quân đội to lớn, đúng là đầy sức mạnh nhưng thiếu liên kết, thiếu thống nhất, hoạt động với mức độ hao tổn cực lớn… là những điểm yếu được người Ukraine khai thác triệt để.

Đến nay còn 3 tháng thì cuộc chiến đạt 3 năm về… độ dài. Có thể khẳng định được rằng, cuộc chiến kéo dài đến mức bất ngờ với tất cả mọi người như thế này, là do người Ukraine đã khéo léo đánh bại nước Nga của Putin hết chiến dịch này đến chiến dịch khác. Thiếu một chiến lược rõ ràng, quân đội Nga sa vào lộ trình… đi chiếm đất với những mục tiêu tính bằng các ngôi làng. Chúng không khả năng xác định được một mục tiêu đủ lớn nào đó mà nếu chiếm được nó thì sẽ gây cho quân đội Ukraine sự đổ vỡ lớn.

Vậy đó, riêng về số lính Nga thiệt mạng sau những trận đánh, đã đủ xác định mức độ khủng khiếp có thể ảnh hưởng toàn cầu của nó. Ngoài con số này, nó sẽ đi kèm với số xe tăng, hệ thống pháo binh, phòng không và kho đạn dược cạn kiệt. Từ đây sẽ kéo theo một ảnh hưởng có tính toàn cầu: sự đặt lại các xác định về chiến lược địa chính trị của các quốc gia. Chẳng hạn, khi tính tới việc nước Nga sụp đổ, các nhà hoạch định chính sách của các cường quốc đều phải xem xét các kịch bản như việc tan rã về địa lý, nước Nga bị chia cắt thành những thực thể nhỏ hơn, mang tính cát cứ địa phương chẳng hạn. Kịch bản này giống như thời kỳ sau Cách mạng tháng Mười, các nhóm cát cứ vũ trang có thể tính: Alexander Kerensky, Alexander Kolchak, Lavr Kornilov, Anton Denikin, Pyotr Wrangel, Nikolai Yudenich, Grigory Semyonov, Yevgeny Miller, Cộng hòa Sông Đông Pyotr Krasnov, R. von Ungern… (đây mới tính những nhóm mang màu sắc dân tộc Nga). Một cuộc nội chiến Nga mới trong thế kỷ XXI sẽ dựa trên cơ sở các quân khu / các khu vực hành chính của nhà nước Liên bang hiện nay. Không ai biết được những nhóm nào, lực lượng nào sẽ sở hữu vũ khí hạt nhân. Trong trường hợp đó, nguy cơ có tính toàn cầu hết sức rõ, vì hiện nay ít ra, Putin dù nhiều lần dọa dẫm về việc sử dụng vũ khí hạt nhân nhưng vẫn là một quốc gia “buộc phải chịu trách nhiệm khi bấm nút.” Còn nếu Nga tan rã, thì một kịch bản kiểu Hollywood hoàn toàn có thể xảy ra nhưng là trên thực tế.

Một tác động nữa của việc Nga tan rã, là nó làm tan rã một cực của thế giới, điều đã xảy ra một lần trong quá khứ vào năm 1991, khi Liên Xô sụp đổ cùng với hệ thống xã hội chủ nghĩa Đông Âu. Sự nối tiếp của Nga đối với thực thể Liên Xô từ góc độ quốc gia “cực toàn cầu” dù còn lâu mới đáp ứng được những yêu cầu của vị thế đó, nhưng vẫn là một cực. Chúng ta cùng hình dung rằng, thế giới đơn cực sẽ làm cùn đi nhiều thiết chế về an ninh, chẳng hạn ngay khi chuyển sang mô hình thay vì đối đầu của chiến tranh lạnh, các cường quốc phải xoay sang chống chủ nghĩa khủng bố với những kẻ thù vô hình, những lực lượng mang tính quy ước “sư đoàn, lữ đoàn” trở nên không phù hợp nữa. Nhu cầu về phát triển các cơ quan đặc biệt: mật vụ, tình báo… tăng lên và dần dần những câu hỏi về sự tồn tại của những lực lượng quy ước, các khí tài to lớn, nặng nề và tốn kém về chi phí được đặt ra.

Cuộc chiến tranh của Putin càng thất bại cho hắn, nghĩa là hao tổn cho nước Nga càng lớn, thì lại càng đặt lại những nhu cầu về lực lượng và vũ khí quy ước. Thế giới chắc chắn cũng cảm thấy bất ngờ về nhu cầu pháo binh, xe tăng, về đạn pháo, về tên lửa tầm ngắn, tầm trung… và đặc biệt là nhu cầu về drone – máy bay không người lái mạnh mẽ đến vậy. Do Ukraine phải đối đầu với một lực lượng to lớn về người – quân số lính Nga được huy động đến chiến trường Ukraine vượt quá tổng quân số lực lượng vũ trang của nhiều nước trên thế giới.

Đó là những tác động toàn cầu của cuộc chiến tranh Nga – Ukraine.

Mới đây có một bài viết của một vị KOL đánh giá về vấn đề này. Có một số ý, chẳng hạn xét về tác động lên đất nước Ukraine, vị đó cho rằng vùng Karpat của Ukraine còn chưa bị tác động nhiều, cũng như miền tây của đất nước này. Từ đó đưa ra kết luận rằng tính toàn cầu của cuộc chiến tranh này chưa đảm bảo lắm. Nếu nói như vậy thì hơi kỳ, vì cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ Hai diễn ra mà có rất nhiều vùng của nước Đức chẳng có quả bom nào rơi xuống cả, phía tây của nó chẳng hạn.

Một ý nữa cho rằng, nước Nga đã từng phục hồi mạnh mẽ sau hai cuộc đại chiến, và cho rằng lần này nước Nga cũng sẽ phục hồi được. Đây là điều khó đánh giá và đưa ra dự báo vì nhiều yếu tố. Đầu tiên việc khái quát hóa vấn đề là không phù hợp, vì với Chiến tranh Thế giới lần thứ Nhất, Nga là nước bại trận còn phải cắt đất cho Đức. Với Chiến tranh Thế giới lần thứ Hai, Nga hay Liên Xô là nước thắng trận, còn được thêm đất.

Nhưng cả hai thời hậu chiến, nước Nga đều phục hồi – nhưng cần phải nói rõ nó phục hồi dựa trên kỷ luật trại lính dưới cái mác chủ nghĩa cộng sản của Stalin, được đảm bảo bằng một sức mạnh cưỡng chế mờ ám đến mức bạo lực đẫm máu. Chưa hết, nó còn được phục hồi nhờ một nguồn lực to lớn về tài nguyên và số lượng vĩ đại về sức người, và sự hỗ trợ thực sự hữu hiệu về công nghệ của bên ngoài, đặc biệt là Hoa Kỳ. Quá trình này nếu tách rời hai cuộc đại chiến, thì sai về cơ bản trong kỹ năng phân tích biện chứng lịch sử, vì nó bắt đầu từ những năm 1930, được tăng tốc trong những năm 1940 nhờ liên minh chống phát-xít với Hoa Kỳ và, trên cơ sở đó tiếp tục phát triển nhờ có núi của cải trong lòng đất với quá trình phát triển mà người ta đánh giá là “phát triển bất chấp tương lai.”

Như vậy, quá trình phục hồi trên thực chất là MỘT, và không thể thiếu yếu tố công nghệ, tức các thành tựu văn minh của loài người.

Một ý cuối của vị KOL viết tôi muốn đề cập, là các lò lửa phái sinh từ cuộc chiến tranh ở Ukraine của Nga Putin. Ông này cho rằng Putin có khả năng kích động các cuộc chiến đó. Tôi không cho rằng vấn đề hoàn toàn là như thế, Nga của Putin hiện tại không có khả năng đó về mặt nguồn lực, cả vũ khí và tiền bạc. Nhưng cuộc chiến như tôi viết, làm suy giảm hay làm cùn một số thiết chế an ninh toàn cầu kết hợp với sự co lại của nước Mỹ từ thời nhiệm kỳ trước của ông Trump lại thêm sự rón rén của ông Biden… nó có tính kích động với những nhóm vũ trang tầm cỡ đội quân du kích gây chiến. Tuy vậy những lò lửa này có thể tắt bất cứ lúc nào (dễ kiểm soát hơn) nên không thể được tính là “có tính toàn cầu” được.

Với kịch bản nước Nga tan rã, thì khả năng các thực thể bên trong nó giải quyết được quan hệ với nhau, rồi hình thành nên một số nhà nước mới (kiểu như nội chiến Nam Tư cũ), cũng sẽ làm biến mất các lệnh cấm vận nhưng những thực thể mới chưa chắc đã có năng lực và mong muốn phục hồi theo hướng đế quốc hóa.

Với kịch bản nước Nga không tan rã, nhưng chính quyền của Putin sẽ đi đời nhà ma (tôi mong kịch bản này hơn, và đánh giá khả năng này cao hơn khả năng trên) nhưng sẽ có một chính quyền khác thay thế. Đầu tiên, có thể là những cá nhân “diều hâu nhưng bị vặt sạch lông cánh” lên thay Putin, chúng tìm cách rút khỏi chiến tranh để duy trì nước Nga cùng quyền lực của mình. Quá trình thay thế Putin này sẽ diễn ra trong nhiệm kỳ của ông Trump, và vì thiếu Putin vốn là khắc tinh của Trump, ông này cũng sẽ phải thay đổi chiến lược đối ngoại chung và cả chiến lược riêng với nước Nga. Tình huống này theo tôi là phù hợp với tính cách của ông Trump, vì ông ta sẽ cảm thấy “hơn phân” so với các lãnh đạo mới của Nga, trong khi quan hệ của ông ấy với Putin theo dạng “tưởng là hơn nhưng thực chất là bị Putin điều khiển.”

Chúng ta lại hình dung thêm một tình thế nữa. Ukraine – thực chất là vấn đề của châu Âu, do vậy nếu Mỹ không tiếp tục can dự vào Ukraine, thì châu Âu buộc phải hành động. Nhưng dù với ông Trump hay ai chăng nữa, chính sách thế nào chăng nữa, thì quan tâm hàng đầu của nước Mỹ từ xưa đến nay vẫn không thay đổi: Trung Đông. Vì vậy với những biến chuyển của tình hình chiến tranh ở Ukraine, nước Nga hậu chiến như thế nào, tôi cho rằng ông Trump sẽ không can thiệp nhiều mà sẽ để cho nó tự diễn biến với châu Âu “miễn là ở nước Nga không có đổ vỡ lớn.” Tác động của Hoa Kỳ thời Trump sẽ mạnh mẽ với chiến sự liên quan đến Israel và dẫn đến một quá trình ngừng bắn thực sự, có tính bền vững cao hơn. Dù thế nào chăng nữa thì chúng ta cũng sẽ chứng kiến một quá trình sụp đổ của… nhà nước Bashar al-Assad, thậm chí ngay trong nhiệm kỳ của ông Donald Trump, dù tôi chưa tin vào sự mạnh dạn trong can thiệp của ông này vào tình hình Syria.

P.L.GB.

Nguồn: FB Phúc Lai GB

Related posts