đội lốt

Trần Doãn Nho


Về miền Tây thăm nàng, lần đầu tiên, tôi được đi xe lôi. Thật ngộ! Một chiếc xe đạp nhỏ nhắn “lôi” theo cái thùng gỗ có hai bánh xe kéo, trên đó là hai chị phụ nữ quang gánh nhùng nhằng và tôi. Hai chị phụ nữ nói chuyện như bắp rang, anh chàng xe lôi im lặng đạp, đạp mãi, còn tôi nhìn quanh, hít hà cái không khí tươi mát, đầy mùi sông nước, cây cỏ, bỡ ngỡ như một kẻ lạc đường. Xuống xe ngoài lộ, đi sâu một đoạn đường đất vào trong làng xa, tập tễnh làm một con khỉ bước qua hai chiếc cầu bám chênh vênh trên hai con lạch, mới đến nhà. Buổi chiều, nước lớn. Nhà nàng, nước đầy sân, ngấp nghé nền nhà, ốc đảo nhỏ bềnh bồng chập chờn sóng gợn. Đứng gọi. Nàng ra, đẩy chiếc ghe nhỏ, đưa tôi vào nhà, cười bảo đừng lo, không phải lụt đâu, nước lên rồi nước sẽ xuống, về đây, anh phải làm quen với nước, yêu nước là yêu em.

Nàng tiếp tôi thân thiết và ngọt ngào. Nàng bảo: em thích người miền Trung. Sao vậy. Không sao cả, thích là thích, anh là của lạ. Tôi nói: anh không thích người miền nào hết, chỉ thích em. Sao vậy? Vì đẹp. Nàng cười, vậy sao, rồi chỉ ngón tay vào trán tôi, em biết anh hay nói láo, nhưng không sao, có yêu mới nói láo, đúng không. Suốt tuần lễ ở chơi, nàng là một niềm vui ríu rít không dứt. Bận học, bận việc nhà, nhưng nàng tìm cách rảnh, dẫn tôi đi loanh quanh, thiên thung man nai, thăm nơi này nơi nọ người người nọ, vào các làng ở sâu trong những vùng kênh lạch ngang dọc, um tùm lau sậy và những cây dừa nước mọc đây đó, ngổn ngang. Nàng cho tôi ăn nhiều thứ trái cây. Nàng nói với tôi đủ điều hồn nhiên, lãng mạn. Lại được hôn thỏa thích. Khi nào tôi muốn hôn là nàng ngẩng mặt lên, chờ đợi, chẳng dè dặt, ngượng ngùng, chẳng gạt tay, xô đầu. Hôn xong, nàng cười tròn đầy bảo, anh hôn thật ngon, như ăn kẹo. Tôi bảo, tưởng gì chứ kẹo thì tôi sẵn sàng vô tận kẹo.

Ngày tôi về lại Sài Gòn, nàng bận đi học. Nhưng trong khi tôi đang sửa soạn đồ đạc ở phòng khách sạn để chuẩn bị đi chuyến xe trưa, thì nàng gõ cửa. Tôi bất ngờ, nhưng nàng bước vào như bước vào cửa một lớp học hè, hồn nhiên, vui vẻ, tay ôm cái cặp sách gọn nhỏ, có cột thêm một giải vải màu hạt lựu. Chiếc quần lãnh đen ghé xuống giường nệm, thân mật. Tôi ngại ngùng nhìn nàng. Nàng cười chúm chím, đừng lo. Nàng mở cặp, kéo ra bộ đồ ngủ, thay. Rồi lại mở cặp, biếu tôi gói kẹo và một đóa hoa. Hôm nay em không đi học? Có chứ, em lấy nửa ngày nghỉ, nói dối đi khám bác sĩ, ghé thăm anh chút, tiễn anh đi xong, em sẽ trở lại học lớp chiều. Nàng nói, anh đi rồi, em nhớ lắm. Tôi nói anh cũng nhớ em lắm, vừa nói tôi vừa hôn nàng tới tấp, khiến cả hai mất thằng bằng, té xuống nền nhà. Không sao, lồm cồm bò dậy, hai đứa lại hôn tiếp, rất vui.

Khi chia tay, nàng hỏi, có phải hai đứa mình là tình đầu phải không anh. Tôi gật. Nàng nói, hỏi cho biết chứ em không tin đâu, nhưng cứ cho là như vậy đi. Em thích tình đầu. Người ta nói chỉ có tình đầu mới quý, vì có ngọt có chua, ngọt ngọt chua chua nếm vào thấy thích, đúng không. Tiễn tôi lên xe, mắt nàng rơm rớm, anh đi mất tiêu, em biết em sẽ buồn thấy mồ! Tôi nói, anh đi, nhưng sẽ không mất tiêu đâu, anh sẽ về thăm em.

Lên xe đò rời thành phố Vĩnh Long, lòng đinh ninh là sẽ gặp lại nàng không lâu sau đó.

*

Thế mà phải mấy chục năm sau, khi ký ức mịt mù bóng chim tăm cá, thì bỗng nhiên gặp lại nàng. Không phải ở một vùng miền Tây đầy kênh lạch mà là ở một con hẻm nhỏ bụi bặm Biên Hòa. Tôi đã là một gã đàn ông đầy thương tích thời cuộc, chẳng còn cái ngọt lịm của một thời sinh viên. Còn nàng là một thiếu phụ dầy dạn, ăn mặc trễ tràng, tóc đen tóc bạc chen nhau, thiếu chăm chút, mắt rạn chân chim, gò má lấm tấm những vết nám nâu. Trông nàng hao hao như bất cứ một người đàn bà tầm tầm nào đó gặp trên đường đi, nhìn xong là quên ngay. Tôi khác, nàng cũng khác, khác lắm, mà không hiểu sao vẫn nhận ra nhau. Cả hai nhìn nhau, chao ôi, chứa chan kỷ niệm, tưởng như cả quãng thời gian mấy chục năm thu gọn vào trong hai đôi mắt mở tròn, sửng sốt và mừng rỡ.

Tôi hỏi nàng một câu, nghe vẫn còn dư vị ấm ức ba mươi năm trước dồn về:

– Đùng đùng cái, em đi lấy chồng. Y như chuyện chơi. Tức ơi là tức. Mà em lấy chồng khi nào vậy?

– Anh ra ngoải được vài tháng thì em làm đám cưới.

– Trời ơi, vậy mà khi chia tay hồi đó, em hứa này hứa nọ…

– Thì em vẫn giữ lời hứa, chứ bộ!

– Giữ lời hứa, sao lại đi lấy chồng?

Nàng cười:

– Em vẫn giữ lời hứa…yêu anh, chẳng phải vậy sao.

– Lấy chồng rồi mà cả năm sau, anh vẫn còn nhận được thư của em.

Nàng tỉnh bơ:

– Ừa thì đó, em đâu có quên anh. Đâu có sao, chồng thì chồng mà người yêu thì là người yêu.

Nàng chỉ vào ngực:

– Trong này hồi đó vẫn có chỗ cho anh mà. Em vẫn nhớ anh, nhớ cái giọng miền trung nằng nặng, âm ấm, nhớ con mắt lãng đãng của anh, nhớ cái hôn đầu đời ngọt ơi là ngọt…cho đến bây giờ nè…

– Trời ơi là trời, đã lấy chồng mà còn cả gan thư từ với anh, không sợ ông chồng…ghen sao?

– Em mượn địa chỉ con bạn em…

– Thiệt là không giống ai, làm như trò chơi trẻ con không bằng. May sao mà…Nhưng sao không chịu khó đợi anh…xa thì xa nhưng đâu có cách trở…

– Ừa, đợi anh…ừa, biết đâu, nhưng mà, khi chia tay anh, em biết rồi, mình không gặp lại nữa đâu. Mà có gặp, anh cũng chẳng cưới em đâu, em biết mà, khi anh ra ngoài ngoải là em biết em mất tiêu anh rồi. Anh đi rồi em buồn lắm, buồn thấy mồ luôn, nhưng biết làm sao. Mình yêu nhau và biết là mình yêu nhau, thế là vui rồi. Tình đầu mà. Còn chuyện vợ chồng, đúng là duyên số. Vả, hồi đó, em nghĩ thôi thì trước sau cũng lấy, lấy cái cho xong cho rồi.

Ngừng một lát, nàng tiếp:

– Ra trường sư phạm xong, trước khi đi nhận nhiệm sở là ông già giục đêm giục ngày làm đám cưới. Anh ở tận ngoài ngoải, lúc đó, dù có nói với anh cũng đâu có giải quyết được gì, đúng không? Em đã nói…

Tôi ngắt ngang:

– Mà lấy ai vậy?

– Trời ơi, mấy ông già hứa hẹn với nhau từ hồi nảo hồi nao, đùng đùng, em vừa ra trường thì hai ổng tổ chức cho hai gia đình gặp nhau, bàn chuyện đám cưới.

– Em không phản đối sao?

– Sao không. Em bỏ đi ở nhà con bạn (con bạn mà em mượn địa chỉ gửi thư cho anh ấy) cả hai tuần. Nhưng rồi…nhưng rồi…em chịu thua, đành phải cho anh ấy gặp. Và rồi, nói chuyện với nhau thấy anh ấy cũng…được, anh cũng sư phạm trước em mấy khóa, mà lúc đó, anh lại sắp lên đường nhập ngũ, thế là rụp rụp, đám cưới. Hì…hì…

– Trời ơi, lấy vợ lấy chồng thời buổi này mà cứ như hồi xưa không bằng…Phải chi em cứ đợi.

Nàng bỗng thở dài:

– Ừa, mà biết đâu, hồi đó lấy anh thì biết đâu mọi chuyện sẽ khác…

Tôi hỏi:

– Cái gì mà biết đâu?

Khuôn mặt nàng sa sầm xuống. Hai mắt nàng chợt tối. Giọng nghe buồn buồn:

– Kể lại thêm buồn. Để em nói cho nghe. Giải phóng xong là Thượng phải đi trình diện cải tạo. Chắc anh cũng có đi cải tạo…

Tôi nói:

– Đúng rồi. Mà em biết không, lúc đó, vợ anh mới sinh…Thấy tội nàng quá. Thế mà chiều hôm đó…

– Ừa, …anh thì buổi chiều, còn Thượng thì là buổi sáng. Ừa, Thượng là tên anh ấy. Sáng đó, công an tới đưa giấy. Anh biết không, lúc giải phóng, Thượng là đại úy. Ừa, anh ấy nhập ngũ rồi được biệt phái về đi dạy, nhưng sau Mậu Thân, anh bị gọi lại vào quân đội. Biết trước sau gì cũng đi, nên nhận giấy cũng vui, đi sớm về sớm. Em cũng cứ tưởng vài ba ngày rồi về, nên ngày đó, em làm tiệc đưa tiễn đàng hoàng…Anh đừng cười, nói tiệc là nói cho vui vậy, thật ra là em làm con gà, mua mấy két bia cho anh với bạn bè anh ấy nhậu. Ngày hôm sau, anh đi trình diện, em đi tiễn, Thượng nói tiễn làm gì, mươi mười ngày sau, anh về rồi. Ừa, thì thôi.

Tôi chuyển câu chuyện:

– Còn anh, vợ anh sinh nên ngày anh đi, chẳng ai, chẳng ai…

– Em thì khác, khi đó con em đã lớn…Mà anh biết không, Thượng đi rồi, khoảng một tuần sau, em lại đi mua con gà, đợi anh học tập về đoàn tụ. Thượng vẫn chưa về. Ừa, thì đợi thêm một tuần nữa, đâu có sao. Rồi em lại đi mua con gà. Lại cũng chưa về. Rồi thêm một tuần nữa, em lại đi mua con gà…

– Chồng em sướng thật, sướng hơn anh…Ngày anh đi trình diện, em biết không…

– Ừa, em biết, em biết…Anh nói Thượng sướng, đúng không. Ừa, Thượng sướng thật, nhưng mấy con gà lại buồn. Gà buồn, bia buồn, em cũng buồn. Rồi tuần sau nữa…

Tôi sốt ruột:

– …Thượng cũng không về, em lại làm con gà, đúng không. Rồi khi nào anh ấy mới về?

– Bảy năm, đúng hơn là bảy năm ba tháng mười một ngày…

Tôi lại cắt ngang:

– Bảy năm thì chưa ăn nhằm gì. Em biết anh thì phải đi ở tù mấy năm không?

– Ừa thì mấy năm, sĩ quan thì ai cũng phải mấy năm trở lên. Nhưng mà anh biết không, ngày Thượng về, lúc đó…lúc đó…

– Ai đi cải tạo về thì cũng giống nhau. Như anh đây, em biết không, …

– Sao mà giống nhau được. Ngày Thượng về, Thượng về…hoàn toàn khác.

Nàng bỗng ngừng lại, cúi đầu tiếp tục vân vê mấy cuộn chỉ. Ngạc nhiên, tôi hỏi tiếp:

– Khác thì khác, ai chả khác, nhưng chắc là vui lắm, đúng không?

– Ừa, thì vui. Nhưng mà lúc đó…lúc đó, tiếc thay, em đã có…chồng.

– Có chồng?

– Ừa, có chồng. Em lấy chồng khác.

Tôi sửng sốt nhìn nàng, không hiểu. Nàng tiếp tục, nhưng chuyển qua một chuyện khác, giọng chợt vui lên:

– Mà mắc cười lắm nghen. Lúc đầu mới gặp anh chàng chi viện này, quê ơi là quê. Đã quê mà còn ăn nói cục cục hòn hòn, giọng ngoài ngoải, có khi em chẳng hiểu gì cả, đành phải nhờ một cô cán bộ khác dịch lại giùm.

– Anh chàng nào vậy, tôi ngạc nhiên hỏi.

– Thì chồng em chứ anh chàng nào. Nghĩ lại, em thấy tình cảm con người cũng lạ. Lúc đầu thấy ghét thế mà dần dần, thấy ít ghét rồi dần dần, thấy thương thương…và rồi dần dần thương hồi nảo hồi nào không hay. Thế mới kỳ.

Tôi hỏi một câu rất thừa:

– Vậy thì em có đến…hai chồng?

Khuôn mặt nàng bỗng như khựng lại. Nét hồn nhiên nảy giờ như bị một sợi mây lướt qua. Lặng đi một khoảng. Nàng nói:

– Ừa, hai chồng…

Nàng cúi đầu xuống một lúc. Và thở dài:

– Biết làm sao được anh. Em nhờ chồng này mà nuôi được…chồng kia.

Tôi lại ngạc nhiên một cách thành thực:

– Chồng này nuôi chồng kia?

– Ừa, làm sao mà anh hiểu được. Đàn ông đi cải tạo, ai cũng nghĩ là khổ, quá khổ. Ở tù ở đày sao mà không khổ cho được, em biết. Nhưng có ai biết rằng vợ con ở nhà còn trăm bề gian khổ hơn. Khô đến nỗi, nhiều lúc, em nghĩ, thà cho mình đi ở tù thay chồng có khi còn khỏe hơn.

Thì hoàn cảnh nàng nào có khác gì hoàn cảnh tôi. Tôi nói:

– Anh biết. Vợ anh cũng đi bới xách cực khổ…

Nàng cắt ngang:

– Không bằng em đâu. Em bới…em chờ đợi rồi lại bới rồi chờ đợi. rồi hy vọng. Lúc đầu hy vọng tuần sau, rồi dần hy vọng tháng sau rồi lần lần hy vọng năm sau. Cứ thế cho đên lúc trong em mất hẳn hai chữ…hy vọng. Cả năm trời, em không đi thăm Thượng. Anh ấy nhắn về nhiều lần, em chỉ biết lặng im, chịu trận, lòng đau như muối xát..May sao, lúc đó, có Quỳ…

– Quỳ?

– Ừa, Quỳ, chồng sau em đó.

Tôi nhìn nàng, chờ. Nàng im lặng, đầu cúi xuống, ngẫm nghĩ. Rồi ngẩng đầu lên, nói nhanh:

– Quỳ là cán bộ phường. Thương hoàn cảnh em, Quỳ giúp em vào làm một chân trong cửa hàng bán thịt tươi sống. Nhờ, nhờ… mùi thịt tươi mà con nhỏ Kiên này tươi lên, có thu nhập, vừa nuôi con lại vừa có chút bới cho Thượng.

Giọng nàng đột nhiên chậm lại, rời rạc:

– Và rồi…chuyện đến là nó đến…Nói thiệt với anh, em chẳng có thì giờ để suy nghĩ, đắn đo nữa. Nhờ Quỳ mà em được đi thăm nuôi Thượng đều đều cho đến ngày Thượng về…

Tôi thắc mắc:

– Nhưng khi Thượng về, rồi sao?

Nàng xua tay, im lặng. Lâu lắm, nàng mới nói:

– Rồi sao? Rồi sao? Thì cái gì đến là nó đến… Mà lạ lắm anh, em nghiệm cuộc đời em biết, khi người ta khổ quá rồi, thì mọi chuyện cứ như là chuyện của ai đó chứ không phải của mình. Y như mình đọc tiểu thuyết của… Dương Hà vậy thôi. Mà anh có bao giờ đọc tiểu thuyết Dương Hà chưa nhỉ?

– Chưa. Mà truyện Dương Hà giống chuyện của em hay sao?

– Không. Chẳng giống cái gì cả. Truyện Dương Hà làm gì có cảnh nuôi chồng cải tạo. Nhưng mà có cái giống. Giống như đúc…

– Như đúc?

Nàng bỗng bật cười, cười rất tươi:

– Ừa, giống ở chỗ bên nào cũng như từ… tưởng tượng mà ra… Mà thôi, truyện lật qua chương khác rồi. Cái gì qua rồi thì chỉ là tưởng tượng.

Tôi nhìn nàng, bỡ ngỡ. Ý nghĩ nàng thật bất ngờ. Tôi chợt tìm thấy trên khuôn mặt nàng một nét tương phản kỳ lạ. Thoắt cái, như bông hoa, lắc lay, nhí nhảnh. Thoắt cái, như bức tượng, lạnh lùng, khô cứng. Nàng như chính câu chuyện của nàng. Và câu chuyện của nàng là tất cả, nhập vào nàng, làm thành nàng, không tách rời ra được. Tôi nản chí, không muốn nhắc chuyện mình nữa, lập lại câu hỏi, vướng chút tò mò:

– Thượng về, rồi sao?

Nụ cười tan nhanh. Khuôn mặt đanh lại. Nàng không trả lời tôi, tiếp tục chuyện của nàng:

– Những tưởng là cái gì xong thì xong, không ngờ chúng cứ dây dưa dây dưa. Bây giờ em lại khổ. Khổ vì chuyện khác…

– Em mà khổ thì cũng lạ!

– Em mà không khổ thì ai mà khổ nữa. Mà khổ lần này là chuyện con.

Nàng châm nước thêm vào ly tôi, tiếp, lần này giọng nghe chừng kể lể:

– Em có với Thượng hai con. Có với Quỳ hai con. Đứa nào cũng hết sức thương mẹ. Nhưng hai đứa này không bao giờ thương hai đứa kia. Chúng trở thành hai phe. Hễ gặp là chúng gây nhau, gây dữ dội. Đã có lần chúng nó đánh nhau chảy máu, em phải xông vào la hét, khóc lóc, chúng mới chịu buông ra. Chúng đổ lỗi cho nhau, chúng thù nhau. Hai đứa này nói vì cha hai đứa kia mà chúng khổ. Gây nhau mãi, không vừa ý nhau, bốn đứa chúng lại gây lẫn nhau, không đứa nào chịu nhường đứa nào. Đứa nào cũng đầy sáng tạo, luôn luôn tìm ra những cách nói mới để xỉa xói nhau.

– Em là mẹ, sao em không giải thích…mà sao em không hòa giải chúng. Thương mẹ, chúng phải…

– Còn khuya! Em đã thử đủ cách, nhẹ có, nặng có, ôn hòa có, quyết liệt có. Có lần em đòi tự tử nữa kìa. Nhưng vô ích, anh ạ. Em cố phân xử, nhưng hễ bênh đứa này thì thấy đứa kia nói nghe cũng …đúng. Thực hết biết! Gặp nhau, ngồi chưa nóng chỗ là rủa sả nhau y như kẻ thù. Cái này thì thiệt tình không giống Dương Hà.

Tôi đùa:

– Lại Dương Hà. Truyện Dương Hà là truyện tưởng tượng, sao em cứ ưa nhắc hoài vậy?

Nàng quả quyết:

– Thì đấy, em nhắc là vì chuyện con em là thực, thực hoàn toàn.

– Thì chuyện nào em kể chả là chuyện thực.

– Không. Cái gì bây giờ mới là thực. Còn cái gì qua rồi là…giả.

Nàng nói rất nghiêm. Và bỗng cười. Tiếng cười nở ra trên khuôn mặt duyên dáng một nét lạ rơi rớt lại từ thăm thẳm xa cũ, nghe thả lỏng, hồn nhiên như hồi nào, mấy chục năm trước, nàng bước vào phòng khách sạn Thái Bình ở bến xe Vĩnh Long, tìm tôi, tươi tắn, nhẹ nhàng, dâng hiến.

…..

*

Tôi ghi lại đôi dòng gửi nàng:

gặp lại em…
mấy mươi năm rồi, lạ hoắc
chào. sửng sốt. mừng
em khác xưa, tất nhiên, nhưng nói chung
vẫn còn dăm ba nét cũ
đủ để nhắc tôi thuở ấy, lạ lùng
mấy mươi năm rồi, tưởng quên
và mọi điều chẳng hề có thực
thời gian trôi, chở nặng cuộc đời
người. vật. buồn. vui
tang thương dâu bể
cay đắng ngọt bùi
hỏi có lúc nào trong khoảng dài thăm thẳm ấy
nhớ đến tôi. Em cười: hình như cũng có
rồi vội quên, vì biết làm sao
thế rồi em nói, nói, nói
chuyện chồng chuyện con
chuyện hạnh phúc gian truân
bao điều ăm ắp
mấy mươi năm
tôi lẵng lặng nghe, buồn
chẳng hề có chút gì tôi trong đó
mấy mươi năm trời, gặp lại
tưởng là em
té ra là một người khác
đội lốt em.

Không có hồi âm.

Nàng đi vào tưởng tượng. Mênh mang.


Trần Doãn Nho

(12/2018)

Related posts