Trân Văn (VOA)
1-2-2024
Linh Nguyễn là nhân viên dân sự của Bộ Quốc phòng Mỹ, cô được chỉ định đến làm việc tại Camp Humphreys – một căn cứ của quân đội Mỹ tại Nam Hàn.
Việt Nam đang trong mùa cưới. Cứ từ cuối năm dương lịch đến đầu năm âm lịch là thiên hạ được nghe, được xem đủ loại chuyện liên quan đến đám cưới cả trên hệ thống truyền thông chính thức lẫn trên mạng xã hội. Một trong những vấn đề đang được bàn luận rôm rả là có nên in tài khoản ngân hàng đã được mã hóa thành QR code lên thiệp cưới và lên một tấm bảng rồi bày ở nơi đãi khách đến ăn cưới hay không (?).
Trong khi nhiều người không hài lòng về việc in QR code vì cảm thấy điều đó chẳng khác gì bị cô dâu – chú rể ép gửi tiền mừng cưới dù có tham dự hay không thì cũng có nhiều người hoan nghênh bởi gửi tiền mừng bằng cách quét mã, chuyển khoản phù hợp với sinh hoạt xã hội thời hiện đại (1). Sự khác biệt trong nhận định về việc dùng QR code nhận tiền mừng cưới đã dẫn đến tranh luận về văn hóa, về truyền thống,…
Người viết bài này xin phép đứng ngoài cuộc tranh luận về việc nên dùng hay không dùng QR code để nhận tiền mừng cưới. Tuy nhiên, do cuộc tranh luận này có đề cập đến văn hóa và truyền thống và trong vài năm gần đây, cưới hỏi hay ma chay đã là nguyên nhân dẫn đến những cuộc tranh luận có khi nảy lửa về văn hóa và truyền thống, nên người viết xin kể lại một câu chuyện mà em gái người viết có… can dự.
***
Linh Nguyễn là nhân viên dân sự của Bộ Quốc phòng Mỹ, cô được chỉ định đến làm việc tại Camp Humphreys – một căn cứ của quân đội Mỹ tại Nam Hàn. Do công việc, Linh thường xuyên tiếp xúc với nhiều người Hàn, đại diện những doanh nghiệp chuyên cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho quân đội Mỹ. Thế rồi một trong những đại diện doanh nghiệp đối tác mời cô và vài đồng nghiệp của cô đến dự đám cưới của anh ta.
Sau khi nhận được lời mời, một đồng nghiệp của Linh là người Mỹ gốc Hàn nhắc nhở những người trong văn phòng được mời tham dự một đám cưới tại Hàn: Nhớ ăn mặc như đi… nhà thờ nhé! Thế nào là ăn mặc như đi nhà thờ? Câu trả lời là: Lịch sự, kín đáo, tốt nhất là màu sẫm và đặc biệt là phụ nữ đừng có… sặc sỡ. Tuy ai cũng thắc mắc nhưng vì đồng nghiệp người Mỹ gốc Hàn của Linh không giải thích, nên không ai hỏi han thêm.
Ai cũng hiểu “đáo giang tùy khúc, nhập gia tùy tục” nên khi đến đám cưới, cả Linh và những đồng nghiệp cùng văn phòng ăn mặc đúng như đã được dặn dò và ở đám cưới, họ nhận ra ai cũng mặc như đi… nhà thờ!
Sau này, ở chỗ riêng tư, đồng nghiệp người Mỹ gốc Hàn của Linh mới tiết lộ tại sao khi đi đám cưới, người Hàn ăn mặc như đi… nhà thờ: Chúng tôi quan niệm đám cưới là thời điểm của riêng cô dâu, chú rể. Họ là nhân vật chính nên phải để họ nổi bật. Ăn mặc lịch sự để bày tỏ sự tôn trọng tính chất đặc biệt của sự kiện nhưng khách chỉ đến chung vui nên không thể hở hang, sặc sỡ khiến người khác quên những ai là nhân vật chính.
Đồng nghiệp người Mỹ gốc Hàn của Linh nói thêm, ăn mặc hở hang, lòe loẹt nhằm thu hút sự chú ý của người khác khi tham dự đám cưới (cả lễ cưới lẫn tiệc cưới) bị người Hàn xem là… vô giáo dục. Cho dù đây là nếp nghĩ của người Hàn nhưng huỵch toẹt điều này có thể làm tổn thương những người mà văn hóa và truyền thống của họ không phải như vậy nên tôi chỉ nhắc chứ không giải thích tại sao!
***
Sau khi nghe Linh Nguyễn kể lại chuyện đi đám cưới ở Hàn phải ăn mặc như đi… nhà thờ, người viết bài này chưa tin lắm. Liệu đó có phải là nếp nghĩ, thói quen của chỉ một giới? Tuy nhiên tìm kiếm trên google thì các kết quả đúng là như vậy. Một bài viết trên koreabyme.com còn dặn dò nhớ đến trước giờ khai tiệc, nhớ mang theo tiền mặt mừng đám cưới và tùy mức độ thân thiết với cô dâu chú rể mà mừng bao nhiêu (2).
Có nên xem suy nghĩ – lựa chọn hành xử của người Hàn đối với đám cưới như một gợi ý về tương quan giữa văn hóa – truyền thống – hiện tại, về việc nghĩ đến người khác, làm cho người khác, đẩy người khác lên phía trước?
Chú thích
(1) https://vnexpress.net/nhan-thiep-cuoi-in-ma-qr-tai-khoan-ngan-hang-4701357.html
(2) https://koreabyme.com/three-things-to-note-before-you-go-to-a-korean-wedding/